PVN: Các chỉ tiêu tài chính duy trì tích cực, giữ đà tăng trưởng cao

Theo đại diện PetroVietnam, tập đoàn nộp ngân sách ước đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, vượt 74% so với kế hoạch 7 tháng, vượt 23% kế hoạch năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021.
PVN: Các chỉ tiêu tài chính duy trì tích cực, giữ đà tăng trưởng cao ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi người lao động Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, quản trị biến động để điều hành hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững mục tiêu kế hoạch đặt ra, đặc biệt là trước những diễn biến mới của thị trường, có thể chuyển sang giai đoạn giá dầu giảm, biến động khó lường về địa chính trị.

Đây là yêu cầu của Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, tại Hội nghị giao ban điều hành sản xuất kinh doanh, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tổ chức ngày 8/8.

Tận dụng tốt cơ hội, đạt hiệu quả cao

Theo đại diện PVN, trong tháng 7/2022 giá dầu thô giảm mạnh, diễn biến phức tạp và đang trên đà tiếp tục suy giảm. Giá dầu Brent bình quân tháng Bảy giảm 9% so với trung bình tháng Sáu.

Đầu tháng Tám, giá dầu tiếp tục diễn biến giảm và đã xuống mức thấp nhất kể từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Giá bình quân các mặt hàng xăng dầu tháng Bảy cũng giảm từ 13-22% so với trung bình tháng 6/2022.

[PVN tiếp tục duy trì sản lượng khai thác, nộp ngân sách ở mức cao]

Bên cạnh đó, huy động điện khí vẫn ở mức thấp so với kế hoạch, dự kiến trong những tháng tới nhu cầu khí cho phát điện có thể thấp hơn do vào mùa mưa sẽ ưu tiên huy động thủy điện. Giá phân bón đang trong xu hướng giảm, giao dịch chậm, thị trường đang trở lại tình trạng dư cung…

Trước tình hình đó, không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, rời bỏ thị trường, nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cũng thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, với các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, linh hoạt, đặc biệt là quản trị biến động, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị toàn ngành được triển khai quyết liệt, xuyên suốt những năm qua đã giúp PetroVietnam dự báo chính xác, phản ứng kịp thời, linh hoạt trước những biến động, tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực trong chuỗi giá trị để giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, tận dụng tốt cơ hội thị trường, duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh ổn định, thông suốt, đạt hiệu quả cao.

Khắc phục khó khăn về kỹ thuật, khai thác dầu thô tháng 7 đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch tháng Bảy. Tính chung bảy tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch và bằng 73% kế hoạch năm 2022.

Cùng với đó, sản xuất xăng dầu bảy tháng vượt 8% kế hoạch, sản xuất đạm vượt 9% kế hoạch. Sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường; qua đó góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế. Sản xuất và kinh doanh trong các lĩnh vực này đều ghi nhận kết quả rất khả quan.

Đáng chú ý, các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn duy trì tích cực, giữ đà tăng trưởng cao, trong đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn bảy tháng ước đạt 547,7 nghìn tỷ đồng, vượt 64% so với kế hoạch bảy tháng, đạt 98% kế hoạch năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021.

“Toàn tập đoàn nộp ngân sách bảy tháng ước đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, vượt 74% so với kế hoạch, vượt 23% kế hoạch năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021,” đại diện PetroVietnam cho hay.

Trong tháng 7/2022, các hoạt động điều hành sản xuất-kinh doanh, đầu tư được PetroVietnam triển khai quyết liệt, kịp thời. Tập đoàn đã ban hành chỉ thị về bám sát thị trường, tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thời gian còn lại của năm 2022.

Hơn nữa, công tác đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Ngày 16/7, tập đoàn đã khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 - đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng giúp tập đoàn phát huy những kinh nghiệm để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng đưa các dự án điện như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1 sớm đi vào vận hành.

Tập trung quản trị biến động

Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá tình hình trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn dựa trên phân tích tình hình kinh tế vĩ mô với những dấu hiệu suy thoái ngày càng rõ nét: xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, cạnh tranh chiến lược, thương mại sụt giảm, sản xuất thu hẹp, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng Mỹ-Trung, nhu cầu thị trường yếu…

Do vậy, Tổng Giám đốc PetroVietnam chỉ đạo các đơn vị trong thời gian tới tiếp tục bám sát thay đổi thị trường, kinh tế vĩ mô, dự báo và nắm bắt cơ hội, tập trung quản trị biến động, cập nhật kế hoạch, kiểm soát rủi ro (lạm phát, lãi suất, tỷ giá, thị trường…) giữ vững mục tiêu kế hoạch sản xuất-kinh doanh, đảm bảo hoàn thành cao nhất kế hoạch đề ra.

PVN: Các chỉ tiêu tài chính duy trì tích cực, giữ đà tăng trưởng cao ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lãnh đạo Tập đoàn lưu ý thêm việc triển khai các giải pháp để đảm bảo hoàn thành gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác ở mức cao nhất; Tăng cường các giải pháp để mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường cho sản phẩm khí, lọc hóa dầu, phân bón, dịch vụ kỹ thuật, đồng thời tăng cường các chuỗi liên kết, thúc đẩy công tác đầu tư nhằm góp phần kiểm soát rủi ro và tận dụng cơ hội tăng quy mô, cũng như thực hiện chiến lược đầu tư và các dự án trọng điểm..

Ngoài ra, ông Hùng nhấn mạnh, toàn Tập đoàn tập trung triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi số, triển khai nhà máy thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.

"Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo, thẩm định hoàn thành Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), các văn bản pháp luật điều chỉnh cho các hoạt động dầu khí; cập nhật kịch bản giá dầu để đưa vào xây dựng, dự kiến kế hoạch năm 2023," Tổng Giám đốc PetroVietnam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục