Chuyên gia luật kiến nghị nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng

Thạc sỹ Nguyễn Phương Thảo (Trường Đại học Luật TP.HCM) kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng phạm vi các đối tượng tránh không sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng trong công tác tổ chức cán bộ.
Chuyên gia luật kiến nghị nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng ảnh 1Ban chủ tọa hội thảo khoa học 'Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam-Những vấn đề pháp lý.' (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Kiến nghị mở rộng phạm vi các đối tượng không sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng trong công tác tổ chức cán bộ là nội dung đáng chú ý tại hội thảo khoa học "Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam-Những vấn đề pháp lý" do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/10.

Phát biểu tại hội thảo, thạc sỹ Nguyễn Phương Thảo (Khoa Luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra khái niệm về quy định "hồi tỵ" trong pháp luật phong kiến Việt Nam.

“Hồi tỵ” theo tiếng Hán là tránh đi, né đi - quy định này hiểu là cấm một số trường hợp nhất định trong bố trí, sắp xếp quan lại khi có những quan hệ thân thuộc nhất định nhằm phòng tránh tình trạng quan lại kéo bè kết cánh hay móc ngoặc, nể nang, bao che...

Theo thạc sỹ Nguyễn Phương Thảo, hiện nay trong pháp luật Việt Nam có "hình bóng" của quy định này. Ví dụ như trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có quy định: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó"; "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước"...

Chuyên gia luật kiến nghị nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng ảnh 2Thạc sỹ Nguyễn Phương Thảo thuộc Trường Đại học Luật TP.HCM tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều vụ việc người đứng đầu bổ nhiệm những người có quan hệ họ hàng như anh rể, cháu dâu, cháu vợ vào các vị trí lãnh đạo trong đơn vị. Từ đó, thạc sỹ Nguyễn Phương Thảo kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng phạm vi các đối tượng không sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng trong công tác tổ chức cán bộ.

Cụ thể, cần quy định các đối tượng không sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng ở các vị trí như nhân sự, kế toán... là những người họ hàng ba đời với người đứng đầu chứ không chỉ vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh, chị, em ruột của người này.

Cũng đồng tình với ý kiến này, thạc sỹ Lê Thị Thu Thảo, chuyên gia về lịch sử nhà nước và pháp luật dẫn chứng những quy định “hồi tỵ” của Trung Quốc và cho biết không chỉ quy định tránh bổ nhiệm người thân, Trung Quốc còn có quy định tránh bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan như Ủy ban kiểm tra, Tòa án, Viện kiểm sát... ở địa phương nơi họ lớn lên.

Các quy định "hồi tỵ" tại Việt Nam còn “tản mát” ở nhiều luật cũng như các quy định của Đảng.

Thạc sỹ Lê Thị Thu Thảo kiến nghị cần luật hóa một cách thống nhất các quy định tránh trong tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, từ đó góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại hội thảo, vấn đề đấu tranh với tội phạm tham nhũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Các đại biểu đề xuất thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập và có những quyền hạn đặc biệt.

[Phát huy vai trò tổ chức Đảng ở cơ sở trong phòng, chống tham nhũng]

Theo thạc sỹ Huỳnh Thị Hồng Nhiên (Khoa Luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh), ở Singapore có một cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng là Cục điều tra tham nhũng (CPIB). Cục này có tính độc lập gần như tuyệt đối trong hoạt động và tính độc lập đó được bảo đảm bởi Hiến pháp. Cục điều tra tham nhũng có quyền bắt giữ những người bị tình nghi tham nhũng mà không cần cảnh sát cho phép.

Các nhân viên của Cục còn có các quyền đặc biệt khác như quyền điều tra theo thẩm quyền của cảnh sát được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự mà không cần sự phê chuẩn của cơ quan công tố, quyền điều tra tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán, tài khoản chi tiêu hoặc bất kỳ tài khoán nào khác... Điều này cho phép Cục điều tra tham nhũng phát hiện kịp thời và ngăn chận hiệu quả các hành vi tham nhũng.

Còn theo tiến sỹ Nguyễn Thị Ánh Hồng (Khoa Luật Hình sự-Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh), bên cạnh việc thành lập lực lượng chuyên trách về điều tra các tội phạm tham nhũng gồm những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm và cho họ những cơ chế đặc thù trong công tác điều tra, cần thiết lập một cơ chế riêng để tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm tham nhũng, tránh việc trù dập hoặc trả thù từ người phạm tội.

Ngoài ra, tiến sỹ Hồng còn kiến nghị cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội phạm tham nhũng, đặc biệt là áp dụng thống nhất quy định về miễn trách nhiệm hình sự khi người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác (khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015).

Theo Ban tổ chức hội nghị, những tham luận và ý kiến tại hội nghị sẽ được Ban tổ chức tiếp thu đầy đủ, tổng hợp thành kỷ yếu để gửi cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục