Chuyên gia nêu những lo ngại hàng đầu của Mỹ trong năm 2019

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang Năm mới 2019, và Mỹ đang bị lôi kéo vào một loạt cuộc chiến chồng chéo nhau ở nước ngoài.
Chuyên gia nêu những lo ngại hàng đầu của Mỹ trong năm 2019 ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phía xa) tại căn cứ không quân Al Asad trong chuyến thăm bất ngời tới Iraq, ngày 26/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng newsweek.com đưa tin theo giới chuyên gia chính trị, những mối lo ngại hàng đầu của Mỹ năm 2019 sẽ là các cuộc xung đột với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang Năm mới 2019, và Mỹ đang bị lôi kéo vào một loạt cuộc chiến chồng chéo nhau ở nước ngoài.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động bước sang năm thứ 18, Trung tâm Hành động Ngăn ngừa thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York ngày 18/12 đã ra một báo cáo, trong đó tổng hợp một số tranh chấp có nguy cơ trở thành các cuộc xung đột toàn diện.

[Tổng thống Donald Trump chưa thể "tái khỏi động" quan hệ Nga-Mỹ?]

Phần đầu của bản báo cáo đề cập đến các viễn cảnh được cho là sẽ gây ra những tác động “lớn” - dù khả năng xảy ra ở mức "trung bình" - như căng thẳng trở lại trên bán đảo Triều Tiên sau khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sụp đổ; xung đột vũ trang giữa Iran và Mỹ hoặc một nước đồng minh của Mỹ, bắt nguồn từ sự can dự của Iran vào các cuộc xung đột trong khu vực và việc Iran hỗ trợ các nhóm quân sự được ủy nhiệm; xung đột liên quan tới các khu vực hàng hải có tranh chấp tại Biển Đông.

Phần đầu của bản báo cáo cũng nhắc tới những thảm họa có thể xảy ra ngay trên lãnh thổ Mỹ, ví dụ như cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng lưới và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, hoặc một cuộc tấn công khủng bố gây thương vọng lớn trên lãnh thổ Mỹ hoặc một nước đồng minh do những kẻ khủng bố ở trong và ngoài nước thực hiện.

Trong năm 2018, Mỹ đã gây căng thẳng với cả Trung Quốc và Iran. Washington thách thức những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông và phát động cuộc chiến tranh thương mại ngày càng lớn với Trung Quốc.

Washington cũng từ bỏ một thỏa thuận hạt nhân đa phương với Tehran sau khi cáo buộc Iran hỗ trợ các nhóm quân sự ở nước ngoài và phát triển các tên lửa đạn đạo.

Ngược lại, trong năm 2018, Mỹ đã mở ra một con đường nhằm tiến tới hòa bình với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán mong manh nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn chưa rõ có thành công hay không, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 đã được lên kế hoạch vào đầu năm tới.

Phần đầu của bản báo cáo cũng đề cập đến các kịch bản có khả năng xảy ra "khá cao” nhưng chỉ gây tác động “vừa phải.”

Syria - được Nga và Iran hậu thuẫn - sẽ tiếp tục giành chiến thắng trước phe nổi dậy và lực lượng thánh chiến, từ đó sẽ dẫn tới việc dân thương hứng chịu nhiều thương vong lớn hơn và căng thẳng gia tăng giữa các phe phái bên ngoài liên quan tới cuộc xung đột.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu rộng và tình trạng bất ổn chính trị tại Venezuela dẫn tới bạo lực dân sự và số người tị nạn tăng lên.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ tại Yemen, và cuộc khủng hoảng đó trầm trọng thêm là do sự can thiệp hiện nay của nước ngoài vào cuộc nội chiến ở đất nước này.

Bạo lực và bất ổn ngày càng tăng tại Afghanistan, kết quả của việc Taliban nổi dậy và chính phủ có nguy cơ sụp đổ.

Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Washington và Moskva cũng như vấn đề Biển Đông là những nội dung chính của phần 2 bản báo cáo. Báo cáo đánh giá 2 sự kiện này có ảnh hưởng “lớn” nhưng khả năng xảy ra “thấp.”

Kịch bản đầu tiên là một cuộc đối đầu quân sự có tính toán hoặc không được định trước giữa Nga và các thành viên NATO, nguyên nhân xuất phát từ hành vi hung hăng của Nga ở Đông Âu, nơi liên minh quân sư do Mỹ đứng đầu này đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong những năm gần đây, dẫn tới cuộc đua tăng cường vũ trang.

Kịch bản thứ hai là “một cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới Đài Loan, là kết quả của chiến dịch tăng cường sức ép về kinh tế và chính trị của Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử tại Đài Loan vào năm 2020."

Những kịch bản tiếp theo được cho là ít có khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng vừa phải liên quan tới các cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Tại Mỹ Latinh, đó là bạo lực liên quan tới các tổ chức tội phạm ngày càng gia tăng ở Mexico, bạo lực và bất ổn chính trị tại Nicaragua làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng di cư ở Trung Mỹ.

Trong khi đó, ở châu Âu, những con mắt lo ngại đang theo sát cuộc chiến ngày càng gia tăng ở miền Đông Ukraine giữa lực lượng do Nga hậu thuẫn và các lực lượng an ninh của Ukraine.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu lên một số kịch bản ở Trung Đông như xung đột ngày càng lớn giữa Israel và các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Liban và/hoặc Syria, trong đó có Hezbollah; căng thẳng ngày càng tăng giữa người Israel và Palestine dẫn tới các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, các cuộc biểu tình lan rộng và xung đột vũ trang; bất ổn chính trị ngày càng tăng tại Iraq và trở nên nghiêm trọng hơn do các xung đột sắc tộc; leo thang bạo lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang người Kurd trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng.

Xung đột có tác động “lớn” và khả năng xảy ra “thấp” được đề cập tới trong phần 3 của bản báo cáo chủ yếu là những căng thẳng ở Nam Á. Đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan, được châm ngòi từ một cuộc tấn công khủng bố lớn hoặc tình trạng bất ổn gia tăng ở vùng Kashmir, cuộc đối đầu quân sự mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan tới các khu vực biên giới có tranh chấp.

Trong phần 3, những kịch bản được đánh giá gây tác động “thấp” và khả năng xảy ra “ở mức trung bình” là các cuộc đổ máu dẫn tới bất ổn trên khắp các quốc gia châu Phi, ví dụ như Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Libya, Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Zimbabwe, cũng như ở Myanmar và Đông Nam Á.

Phần cuối cùng của bản báo cáo nhắc tới các kịch bản có ít ảnh hưởng và khả năng xảy ra thấp, bao gồm căng thẳng leo thang và/hoặc bạo lực cực đoan ở khu vực Balkan-Albania, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Kosovo, Macedonia, Montenegro, và Serbia, dẫn tới bất ổn chính trị và xung đột vũ trang.

Với ngân sách quân sự 725 tỷ USD và khoảng 800 cơ sở quân sự trên khắp thế giới, Mỹ thường bị lôi kéo sâu vào các vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy về quân sự của Nga và Trung Quốc, sự mệt mỏi ngày càng tăng ở trong nước liên quan tới các xung đột kéo dài tại Trung Đông và sự phản đối của quốc tế đối với những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cô lập Iran đã làm thay đổi tình hình, khiến Mỹ không còn là quốc gia duy nhất có vị thế vượt trội nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục