Chuyên gia, phụ huynh gợi ý cách giải tỏa tâm lý cho trẻ khi nghỉ dịch

Người lớn thường cho rằng trẻ em đang ở độ tuổi vô lo vô nghĩ, chỉ biết ăn và chơi. Thế nhưng trên thực tế, trẻ em phải ở nhà dài ngày vì dịch bệnh có thể gặp nhiều xáo trộn trong tâm lý và hành vi.
Dịch bệnh hoành hành, các hoạt động ngoài trời của trẻ em bị cắt giảm hàng loạt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Dịch bệnh hoành hành, các hoạt động ngoài trời của trẻ em bị cắt giảm hàng loạt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Hơn một tháng nay "đánh vật" với hai con nhỏ được nghỉ Hè sớm do dịch COVID-19, chị Nguyễn Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) bị stress trầm trọng.

Hết cho con ăn, dạy con học để mong con không "rơi" kiến thức, chị lại phải làm trọng tài phân giải xung đột giữa hai đứa trẻ bên cạnh việc vẫn phải online để bán hàng, trả lời thắc mắc của người mua.

"Nếu không có COVID-19, Hè tới tôi lại cho các cháu tham gia các khóa học hè như tiếng Anh, bơi lội hoặc ra ngoài chơi..., nhưng dịch đã khiến mọi thứ đều đảo lộn, mệt mỏi" chị Thanh ngao ngán.

Ai cũng có thể bị stress khi nghỉ dài vì COVID-19

Kể với phóng viên VietnamPlus, chị Thanh bảo rằng hai con chị đang học tiểu học. Ở lứa tuổi nhỏ, chúng thường xuyên tranh giành, cãi cọ là điều chị đau đầu nhất. Để "giải quyết," cách dễ nhất là đưa cho mỗi đứa một chiếc smartphone, nhưng cả chị và chồng đều không muốn bởi sợ con sẽ bị "nghiện."

Ở một trường hợp khác, sau khi nghỉ Hè sớm, bé Đ. (6 tuổi) sống tại một chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải ở nhà với ông bà nội trong khi bố mẹ đi làm vào ban ngày. Khu chung cư này lại thuộc diện bị phong tỏa vì có ca nhiễm COVID-19, nên Đ. phải ở trong nhà suốt.

Bà S. (70 tuổi, bà nội của Đ.) cho biết mỗi lần phải nghỉ học vì dịch, Đ. thường đòi xem TV, chơi điện thoại nhiều hơn, mè nheo, khóc cũng dai hơn. “Gần đây cháu rất khó bảo, thường xuyên phải dọa đánh roi. Ông bà vừa cáu vừa thương, nhưng nhiều khi cảm thấy bất lực," bà S. trải lòng.

Ở nhà nhiều, Đ. dần mất hứng thú với việc học chữ, học đánh vần, không thích nghe đọc sách, truyện như ở lớp.

“Trước khi tòa nhà bị phong tỏa, tôi biết cháu cần được xả năng lượng nên thường phải đưa cháu xuống sân chơi vào sáng sớm nhưng giờ thì không dám đi nữa. Cháu ở trên nhà chơi đồ chơi cũng chán, rồi lại sớm xem TV thôi," bà S nói.

Chuyên gia, phụ huynh gợi ý cách giải tỏa tâm lý cho trẻ khi nghỉ dịch ảnh 1Ở những gia đình có anh, chị, em, trẻ ít rơi vào cảnh chán chường hơn, song lại hay rơi vào cảnh cãi cọ khiến phụ huynh phải làm trọng tài. (Ảnh minh họa)

Phó giáo sư, tiến sỹ Tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết ai cũng có thể stress (căng thẳng tâm lý) trong thời gian nghỉ dài vì dịch COVID-19 này.

“Đã có cơ sở khoa học cho thấy nếu phải giãn cách hơn 14 ngày thì ai cũng có thể gặp ảnh hưởng về tinh thần. Trẻ em dưới 10 tuổi nằm nhóm đối tượng dễ stress hơn vì các em chưa đủ năng lượng để kiểm soát cảm xúc, chưa biết tự điều phối và hướng mối quan tâm của mình vào các kế hoạch cá nhân với mục tiêu, hoạt động cụ thể” ông nói.

Lập thời gian biểu, trao quyền chủ động

Để hạn chế sự chán chường ở trẻ, tiến sỹ Trần Thành Nam đưa ra giải pháp cần lập thời gian biểu cho trẻ.

Để cho con dễ chấp nhận lịch trình mới, cha mẹ cần trao quyền chủ động, gợi ý và cùng bàn luận với con để đưa ra thời gian biểu cho riêng con nhưng dựa trên cơ sở cha mẹ định hướng, gợi ý.

Theo ông Trần Thành Nam, thời gian biểu của các bé nên cân bằng giữa ba yếu tố thân-tuệ-tâm, trong đó “thân” là các hoạt động rèn luyện kỷ luật, vận động thân thể, “tuệ” là những kiến thức con cần học và kiến thức con nên học còn “tâm” là những hoạt động giải trí, thư giãn tâm lý.

Chuyên gia, phụ huynh gợi ý cách giải tỏa tâm lý cho trẻ khi nghỉ dịch ảnh 2PGS. TS. Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC)

Tiến sỹ Nam gợi ý: “Hàng sáng, cha mẹ gọi con cùng dậy và tập thể dục cùng con, trong ngày giao cho con tưới cây, chăm sóc cây cảnh… đó là về phần thân. Về phần tuệ, hãy cho con tự chọn thời gian để làm những bài tập cô giao, cha mẹ duyệt nếu thấy phù hợp và nhắc nhở con làm bài theo đúng thời gian con chọn.”

Với phần “tâm” là các hoạt động giúp con giải trí tâm lý, cha mẹ có thể cho con chọn một phim để cả nhà cùng xem vào buổi tối hoặc cho phép trẻ tự đặt một cuốn sách trên cách trang chợ online và bố mẹ sẽ định hướng, xét duyệt khéo léo…

[Chương trình cho thiếu nhi: Cần cả yếu tố giải trí và giáo dục]

Về phần rèn luyện thân thể, trang Facebook Bố Con Sâu, nơi chuyên đăng tải nội dung giải trí phù hợp cho gia đình với gần 300.000 lượt theo dõi, gia đình bé Sâu và bố mẹ là anh Lê Xuân Đức, chị Trà Nguyễn chia sẻ về ý tưởng lắp thanh xà đu.

“Đây là một trò chiếm ít diện tích mà các bạn nhỏ có thể chơi tạm khi không được chảy nhạy bên ngoài đồng thời giúp con dẻo dai, tăng chiều cao,” anh Đức chia sẻ.

Bố mẹ bé Sâu cũng lưu ý các phụ huynh khác về việc gắn thanh xà vào hai bên tường hoặc gỗ tự nhiên thay vì gỗ ép, bởi gỗ ép có độ co dãn nên xà có thể rơi ra trong lúc đu, nhắc con đu theo hướng thanh xà được vặn chặt để tránh vừa đu vừa vặn lỏng thanh xà, đặt ở chiều cao phù hợp, vừa đủ để khi các bé đứng kiễng chân là đã có thể bám vào xà...

Không nên bắt trẻ "đoạn tuyệt" với smartphone

Về việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị thông minh, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam cho rằng trong thời buổi công nghệ, cha mẹ không thể bắt con không sờ vào smartphone, máy tính bảng...

Trước thực trạng nhiều trẻ xem YouTube vô độ, bằng kinh nghiệm của mình, bố mẹ bé Sâu hướng dẫn cha mẹ cách quản lý con dùng YouTube và các thiết bị thông minh. Đó là việc trao đổi với con về thời gian được xem, ví dụ ngày trong tuần chỉ được xem 15 phút các nội dung hữu ích, có tính giáo dục...

Chuyên gia, phụ huynh gợi ý cách giải tỏa tâm lý cho trẻ khi nghỉ dịch ảnh 3Bé Sâu và anh Lê Xuân Đức, bố bé Sâu. (Ảnh: Facebook Bố Con Sâu)

Ngoài ra, trước khi con xem cần đặt chuông báo, để khi không có bố mẹ không hoặc đang bận làm việc khác, con biết giờ xem TV, điện thoại của mình đã hết.

Bên cạnh đó, khi trẻ đang xem một video ngắn thì bố mẹ nên giao hẹn với con là xem hết thì tắt, đừng nên quá cứng nhắc, cứ hết giờ là tắt vì con đang rất hào hứng với diễn biến trong video.

"Đối với video dài thời lượng lớn hơn 30 phút thì bố mẹ thường thông báo còn 5 phút nữa, 2 phút nữa để con biết là sắp hết giờ và chuẩn bị tâm lý. Nếu bố mẹ đột ngột tắt đi sẽ làm con bị cắt ngang và thường phản ứng lại," chị Trà (mẹ bé Sâu) chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục