Chuyên gia Thái Lan đề cao vai trò Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN

Theo tiến sỹ Balaz Szantos, có thể nhận thấy đây là một năm đầy thử thách đối với vai trò dẫn dắt ASEAN, tìm ra điểm tương đồng trong lợi ích và các ưu tiên cho hiệp hội này.
Chuyên gia Thái Lan đề cao vai trò Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN ảnh 1Tiến sỹ Balaz Szantos thuộc bộ môn khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan). (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam từ ngày 12-15/11, phóng viên TTXVN tại Bangkok đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Balaz Szantos thuộc bộ môn khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) về những vấn đề được thảo luận tại các hội nghị cũng như vai trò của Việt Nam trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Về kế hoạch ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tiến sĩ Szantos nhấn mạnh các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

RCEP bao phủ một khu vực rộng lớn về mặt dân số và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việc hợp nhất khu vực này lại với nhau bằng một hiệp định thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại thông suốt, tạo ra nhiều lợi ích hơn cho cả khu vực.

Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trải qua một đại dịch như COVID-19, quá trình phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thương mại tự do của các nền kinh tế dựa trên một nền tảng hợp tác "cùng thắng."

Tiến sĩ Szantos nhấn mạnh: "Chắc chắn rằng chúng ta đều cảm thấy phấn khởi khi được chứng kiến một sự kiện như thế. Thay bằng cách tiếp cận theo chủ nghĩa bảo hộ, triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế một cách ích kỷ, các nước thành viên ASEAN đã đoàn kết, thống nhất để đàm phán thành công một hiệp định có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Do đó, tôi nghĩ rằng mặc dù năm 2020 xuất hiện rất nhiều vấn đề gây cản trở đối với hợp tác khu vực, nhất là hợp tác kinh tế, nhưng thật thú vị khi chứng kiến RCEP được hoàn thành đàm phán."

[Chuyên gia nước ngoài: Việt Nam thành công trong năm Chủ tịch ASEAN]

Về vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, tiến sỹ Szantos khẳng định Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong một thời điểm hết sức khó khăn.

Có thể nhìn lại khoảng thời gian đã trôi qua trong năm 2020, với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, bầu cử Tổng thống Mỹ, bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, hay căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và còn rất nhiều vấn đề khác.

Ông đánh giá có thể nhận thấy đây là một năm đầy thử thách đối với vai trò dẫn dắt ASEAN, tìm ra điểm tương đồng trong lợi ích và các ưu tiên cho hiệp hội này.

Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ nước này làm tốt hơn cả chức trách của mình trong việc dẫn dắt khối trong bối cảnh đầy thử thách như hiện nay.

Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng hiện nay với ý chí dẫn dắt các nước ASEAN cùng nhau thoát khỏi đại dịch COVID-19 trên cơ sở lợi ích tương đồng và hợp tác thay bằng việc bị sa đà vào cạnh tranh và chính trị vị kỷ. 

Chuyên gia Thái Lan đề cao vai trò Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN ảnh 2Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng hiện nay với ý chí dẫn dắt các nước ASEAN cùng nhau thoát khỏi đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Tiến sỹ Szantos khẳng định: “Năm 2020 sắp kết thúc khi không lâu nữa chúng ta sẽ bước vào tháng 12 và chúng ta có thể thấy rằng khu vực này đã được gắn kết ở một mức độ cao hơn. Việc Việt Nam nỗ lực dẫn dắt khu vực vượt qua năm khó khăn, đồng thời duy trì được sự đoàn kết, thống nhất, vượt qua sức ép, không để bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các chủ thể bên ngoài là một bằng chứng về nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.”

Tuy nhiên, tiến sỹ Szantos cho rằng vẫn còn có nhiều thử thách ở phía trước, bao gồm việc duy trì đồng thuận thường trực. Nếu nhìn vào quan hệ đối tác kinh tế mà ASEAN đang theo đuổi, có rất nhiều nước bên ngoài khu vực được tham gia vào mối quan hệ đó, gồm cả các cường quốc về kinh tế.

Do đó, thử thách lớn đối với ASEAN là duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc kinh tế, đảm bảo rằng khối này là một động lực cho quan hệ đối tác khu vực và quan hệ đối tác trên là một sự hợp tác kinh tế cùng có lợi. 

Về nỗ lực chung của khu vực trong việc đối phó với các thách thức, tiến sỹ Szantos nhận xét bất chấp đại dịch COVID-19, ASEAN vẫn có thể triển khai các hoạt động chính trị thường niên, chẳng hạn như việc ký kết thỏa thuận thương mại.

Thực tế là tại một thời điểm khó khăn như hiện nay, ASEAN vẫn có thể triển khai các hoạt động bình thường đã chứng tỏ vai trò dẫn dắt của khối này trong khu vực.

Tiến sỹ Szantos khẳng định: “Tôi muốn nhắc lại luận điểm đã đưa ra, đó là ASEAN vẫn hoạt động bình thường, không bị đứt gẫy, vẫn đang có sự hợp tác vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên bất chấp những điểm khác biệt. Đó là minh chứng cho thực tế về vai trò lãnh đạo tuyệt vời của ASEAN trong thời điểm đầy thử thách như thế này.”

Tiến sỹ Szantos nhấn mạnh Việt Nam đã thể hiện khả năng góp phần vào vai trò dẫn dắt của ASEAN bằng việc sử dụng cách tiếp cận mà ông cho rằng đang rất phù hợp trong việc quản lý nhiều loại khủng hoảng khác nhau.

Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết trong ASEAN, cùng nhau hành động để vượt qua thử thách hiện tại, không cổ xúy cho những hàng rào ngăn cách.

Đó là một dấu hiệu tương đối đáng khích lệ về tương lai của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực quan trọng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục