Chuyên gia tim mạch Mỹ khuyến nghị việc tập luyện an toàn hậu COVID-19

Mới đây, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (ACC) đã ban hành hướng dẫn mới giúp cải thiện sức khỏe và khả năng tập luyện của các vận động viên hậu COVID-19.
Chuyên gia tim mạch Mỹ khuyến nghị việc tập luyện an toàn hậu COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 17/3, trang tin ABC News đăng tải bài viết nêu rõ trong suốt đại dịch COVID-19, một số giải đấu thể thao chuyên nghiệp và giải đấu lớn của các trường đại học đã bị hủy bỏ, một phần nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, một phần là do các báo cáo về việc các vận động viên gặp hội chứng viêm cơ tim sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mới đây, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (ACC) đã ban hành hướng dẫn mới giúp cải thiện sức khỏe và khả năng tập luyện của các vận động viên hậu COVID-19.

Theo hướng dẫn mang tên "Expert Consensus Decision Pathway," các vận động viên bị đau ngực dai dẳng, đánh trống ngực hoặc ngất xỉu cần tiến hành thêm các xét nghiệm về tim hoặc phổi như chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu phát hiện các vấn đề liên quan đến viêm cơ tim, ACC khuyến nghị vận động viên hạn chế tập luyện trong vòng 3-6 tháng.

Tuy nhiên, tất cả những người từng mắc COVID không cần chụp MRI định kỳ trước khi bắt đầu tập luyện trở lại. Trong trường hợp gặp các triệu chứng hậu COVID-19 dai dẳng, ACC khuyến nghị các vận động viên đó nên tập luyện ở tư thế nằm nghiêng hoặc hơi ngả người về phía sau, thay vì cố gắng đi bộ.

Đối với những người không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng ít liên quan đến vấn đề tim hoặc phổi, không cần làm thêm xét nghiệm và có thể trở lại tập luyện sau khi hết các triệu chứng. Trong khi đó, các vận động viên mắc COVID-19 không triệu chứng có thể trở lại tập luyện 3 ngày sau khi tự cách ly an toàn.

[Chuyên gia WHO nêu cách xác định triệu chứng hậu COVID-19]

Tiến sỹ Tamanna Singh, đồng Giám đốc Trung tâm Tim mạch thể thao Cleveland Clinic tại Mỹ, cho biết các bác sỹ đã thực hiện "thử nghiệm rất nghiêm ngặt để đánh giá về bệnh viêm cơ tim" ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19 mà ở thời điểm đó, họ lo ngại rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim "cao hơn nhiều so với thực tế."

Trở lại hồi tháng 9/2020, khi vẫn còn nhiều điều chưa rõ về dịch bệnh này, nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Ohio đã kiểm tra 26 vận động viên sau khi họ nhiễm COVID-19 thể nhẹ và không cần nhập viện. Kết quả cho thấy 15% vận động viên bị viêm cơ tim, 30% có vết sẹo trên tim. Điều này khiến giới chuyên môn lo ngại về việc không đảm bảo an toàn cho các vận động viên nếu trở lại thi đấu trong giai đoạn hậu COVID-19.

Băn khoăn đó cũng dẫn tới quyết định hủy bỏ giải đấu thể thao mùa Thu 2020-2021 của các trường đại học tại Mỹ. Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc bệnh dường như thấp hơn nhiều so với lo ngại ban đầu.

Tiến sỹ Nicole Bhave, bác sỹ tim mạch tại Đại học Michigan, đồng Chủ tịch ủy ban ban hành hướng dẫn sức khỏe mới nói trên, cho biết các kết quả MRI tim của tất cả các vận động viên đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 cho thấy tỷ lệ có các bất thường nghiêm trọng là rất thấp, chỉ từ 1-2%. Tỷ lệ có biểu hiện điển hình của bệnh viêm cơ tim ở các vận động viên cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,6-0,7%.

Tiến sỹ Bhave nhấn mạnh viêm cơ tim dù là một biến chứng hiếm gặp khi mắc COVID-19 nhưng khá nghiêm trọng. Bệnh nhân bị viêm cơ tim do COVID-19 thực sự cần theo dõi sức khỏe tại một cơ sở y tế có trang thiết bị tốt, do không loại trừ nguy cơ bệnh có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu.

Cả Tiến sỹ Singh và Tiến sỹ Bhave đều cho rằng việc tập luyện trở lại sau khi mắc COVID-19 nên được tiến hành từng bước. Sau đó,  thời gian và cường độ tập luyện có thể tăng dần sao cho phù hợp với thể trạng của từng vận động viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục