Chuyên gia Trung Quốc: Đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trước tháng 6

Ông Chung Nam Sơn cho biết rất nhiều ca nhiễm bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc là những bệnh nhân không có triệu chứng và tỷ lệ tái nhiễm đối với các trường hợp đã bình phục là thấp.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện sau khi được chữa khỏi tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 10/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện sau khi được chữa khỏi tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 10/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters và Sputniknews, chuyên gia y tế cấp cao của Chính phủ Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn ngày 12/3 tuyên bố, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu có khả năng sẽ kết thúc trước tháng Sáu, nếu các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thực hiện các biện pháp cần thiết

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Chung Nam Sơn - một nhà nghiên cứu bệnh dịch 83 tuổi, nổi tiếng nhờ trợ giúp chống lại sự bùng phát Hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) hồi năm 2003, cho biết rất nhiều ca nhiễm bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc là những bệnh nhân không có triệu chứng và tỷ lệ tái nhiễm đối với các trường hợp đã bình phục là thấp.

Trước sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giới chức y tế Thái Lan đang khuyến khích người dân nước này tự làm khẩu trang bằng vải tại nhà trong bối cảnh khẩu trang y tế đang trở nên khan hiếm.

Phát biểu trước báo giới, bà Panpimon Wipulakorn, một quan chức y tế cấp cao, nhấn mạnh chỉ cần đeo khẩu trang vải là đủ để ngăn chặn virus lây truyền thông qua các giọt bắn ra khi hắt hơi hoặc ho.

Thông thường, các giọt bắn ra từ ho và hắt hơi có đường kính khoảng 5 micromet trong khi những chiếc khẩu trang bằng vải có thể ngăn được những giọt lớn hơn 1 micromet.

Các khẩu trang bằng vải sau mỗi ngày sử dụng cần phải được giặt. Bản thân bà Wipulakorn cũng xuất hiện trong một đoạn phim của Bộ Y tế Thái Lan dạy cách làm khẩu trang vải tại nhà. Các khóa học nhỏ cũng đã được thành lập trên khắp cả nước nhằm hỗ trợ sản xuất các khẩu trang vải.

Trước lời kêu gọi của giới chức y tế Thái Lan, người dân nước này đã tập trung thành những nhóm nhỏ tại nhiều khu vực để làm những chiếc khẩu trang vải và phân phát miễn phí. Theo người dân, việc làm ra một chiếc khẩu trang vải không mất quá nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh khẩu trang y tế khan hiếm.

[Trung Quốc tuyên bố vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19]

Tháng trước, Thái Lan, nước đã ghi nhận 70 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, đã đưa mặt hàng khẩu trang y tế và nước sát khuẩn tay vào danh sách hàng hóa được kiểm soát do dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới tình trạng khan hiếm tại các cửa hàng.

Tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt một khoản ngân sách lên tới 225 triệu baht (tương đương 7 triệu USD) hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước sản xuất 50 triệu khẩu trang vải trong vài ngày để phân phối trên cả nước.

Cũng trong ngày 12/3, cảnh sát Indonesia thông báo đã bắt giữ hai đối tượng người Malaysia bị cáo buộc tìm cách buôn lậu khoảng 12.000 khẩu trang về nước mình.

Giới chức sân bay quốc tế ở thành phố Medan thuộc tỉnh Sumatra cho biết đã nghi ngờ và tiến hành khám xét các túi xách của hai đối tượng trên khi những người này chuẩn bị đáp chuyến bay tới Kuala Lumpur vào tối 11/3.

Hai đối tượng này, một 44 tuổi và một 42 tuổi, đã bị bắt giữ vì bị nghi ngờ có hành vi tích trữ.

Khi được thẩm vấn, cả hai khai rằng có kế hoạch phân phát những khẩu trang này đến trẻ em ở Malaysia nhằm giúp các em tránh bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan chức năng đã tịch thu số khẩu trang trên và hai đối tượng trên đã bị trục xuất về nước trong ngày 12/3 song không bị buộc tội hình sự.

Indonesia đã phát động chiến dịch chống tình trạng đầu cơ khẩu trang sau khi nước này ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng Ba, khiến người dân lo lắng đổ xô đi mua khẩu trang, đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Trong tuần này, cảnh sát đã tịch thu khoảng 1,9 triệu khẩu trang được tích trữ tại một nhà kho gần Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục