Có phải các nhà lãnh đạo G20 đang che giấu những bất đồng?

Các nhà phân tích cho rằng tại hội nghị G20, các nhà lãnh đạo đã đơn thuần ký vào một tuyên bố dịu giọng mà không đề cập trực tiếp đến các vấn đề thương mại và tranh chấp khác.
Có phải các nhà lãnh đạo G20 đang che giấu những bất đồng? ảnh 1Lãnh đạo các nền kinh tế và các tổ chức quốc tế chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)

AP đưa tin các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí xem xét lại toàn bộ thể chế toàn cầu vốn kiểm soát các vụ tranh chấp thương mại, song họ đã phải đối mặt với sự phản đối từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump xung quanh Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Dưới đây là một vài diễn biến chính tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vừa kết thúc ngày 2/12 tại Argentina.

Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

Các nhà lãnh đạo G20 đã kêu gọi cải cách WTO và vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm này tại Osaka (Nhật Bản) vào tháng 6/2019.

Tuy nhiên, tuyên bố chung của hội nghị đã không đề cập đến chủ nghĩa bảo hộ sau khi các nhà đàm phán cho biết Mỹ đã phản đối từ ngữ này.

Trump đã chỉ trích WTO và công kích những chính sách thương mại nhằm vào Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Tại buổi tiệc tối sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20, phía Mỹ cho biết Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về khoảng thời gian 90 ngày đình chiến trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tín hiệu khiến nhiều thị trường tài chính lạc quan.

Nhà Trắng cho biết ông Trump đã nhất trí tạm ngừng kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn dự kiến sẽ áp đặt vào ngày 1/1 tới.

[Cái kết vượt trên mong đợi: Khi G20 dung hòa khác biệt]

Đổi lại, ông Tập Cận Bình nhất trí mua "khối lượng lớn hàng hóa về nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp mà vẫn chưa thống nhất trước đây" và các sản phẩm khác từ Mỹ để giảm mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Quá trình "đình chiến" sẽ là thời gian để hai nước giải quyết những bất đồng xung quanh tranh chấp liên quan đến nỗ lực mạnh mẽ của Bắc Kinh muốn chiếm lĩnh ưu thế công nghệ của Mỹ.

Gây áp lực với Thái tử Saudi Arabia

Hội nghị thượng đỉnh G20 là thời điểm bất lợi đối với Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, do một vài nhà lãnh đạo cho rằng ông liên quan đến vụ sát hại man rợ đối với nhà báo chống đối người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi tại Đại sứ quán của nước này ở Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Vụ việc xảy ra hồi tháng 10 vừa qua. Một cuốn băng ghi hình cho thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trò chuyện với bin Salman với nội dụng được nghe thấy như "tôi lo lắm," "ông không bao giờ nghe tôi"....

Thủ tướng Anh Theresa May cũng nói về việc bà đã phải chịu áp lực thế nào trong vụ việc liên quan đến bin Salman.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng Thủ tướng Canada Justin Trudeau là nhà lãnh đạo G20 duy nhất nêu vấn đề này tại phiên họp chính thức của G20.

Ông Erdogan kêu gọi ông Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này và rằng tội ác vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, "không thể tin nổi" và lên án giới chức Saudi Arabia đã bất hợp tác trong điều tra vụ việc. Tuy nhiên, không phải tất cả đều quay lưng lại với ông bin Salman.

Ông này đã không lảng tránh và ngay trong ngày họp đầu tiên, ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "tay bắt mặt mừng" như thể họ đang thông cảm với hoàn cảnh của nhau với vai trò là những người bị liên đới.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận Thái tử Saudi đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã phủ nhận Thái tử bin Salman liên quan đến vụ việc này.

Cuộc xung đột Ukraine

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã phản đối Putin liên quan đến sự vây bắt gần đây của Nga đối với các tàu hải quân và thủy thủ của Ukraine, tuy nhiên áp lực ngoại giao đã không đưa họ lại gần với nhau để giải quyết cuộc xung đột.

Nga và Ukraine đã cáo buộc lẫn nhau về trách nhiệm liên quan của mỗi bên trong vụ việc này.

Có phải các nhà lãnh đạo G20 đang che giấu những bất đồng? ảnh 2Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: AFP/TTVXN)

Ông Trump đã viện dẫn những hành động của Nga như lý do để ông hoãn cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch trước đó với Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh lần này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lên án mạnh mẽ "sự xâm lược của Nga" đối với Ukraine.

Trong khi đó, ông Putin đã nỗ lực thuyết phục ông Trump và các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức rằng những hành động của Nga là hợp lý, thậm chí ông còn rút ra một miếng giấy và vẽ ra một bản đồ khu vực tranh chấp để chứng minh cho quan điểm của mình.

Biến đổi khí hậu

Tuyên bố chung được 20 quốc gia thành viên của G20 thông qua cho thấy rằng 19 trong số 20 quốc gia thành viên này đã tái khẳng định cam kết của họ đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Chỉ có duy nhất một quốc gia rút khỏi hiệp định này là Mỹ, vốn đã được Trump đưa ra quyết định ngay từ những ngày đầu tiên khi mới nhậm chức tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các nhóm môi trường đã ca ngợi tuyên bố này như tin tốt lành.

Quỹ động vật hoang dã thế giới cho biết: "Việc các nhà lãnh đạo G20 thông qua Hiệp định Paris đã tái khẳng định cam kết của họ trong việc thực thi đầy đủ tuyên bố chung là điều rất quan trọng."

"Nó cũng phản ánh việc chính phủ Argentina đã thực hiện đúng khi chọn vấn đề khí hậu làm chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự."

Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng "vai trò của Mỹ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không thể phủ nhận, tuy nhiên nó minh chứng rằng Mỹ vẫn là một chủ thể kỳ quặc."

NAFTA

Sau 2 năm đàm phán, ông Trump đã ký Hiệp định thương mại Bắc Mỹ sửa đổi với các nhà lãnh đạo Canada và Mexico bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Hiệp định này có nghĩa là sẽ thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mà Trump từ lâu vẫn lên án là một "thảm họa."

Hiệp định mới sẽ không có hiệu lực trừ khi nó được quốc hội 3 nước thông qua, và có nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lại của hiệp định này tại Quốc hội Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Hạ viện.

Đảng Dân chủ và đồng minh của đảng này trong phong trào lao động sẵn sàng yêu cầu sự thay đổi.

Tuy nhiên, trên đường quay về Washington sau khi kết thúc hội nghị G20, ông Trump cho biết ông có kế hoạch chính thức chấm dứt NAFTA, do vậy Quốc hội sẽ phải chọn giữa việc chấp nhận hiệp định mới hoặc không có thỏa thuận thương mại.

Không mấy kỳ vọng...

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ngay cả nước chủ nhà đăng cai hội nghị cũng đã kỳ vọng rất ít ở hội nghị này, cho rằng hội nghị ít có khả năng đạt được sự đồng thuận về một tuyên bố chung trước khi hội nghị bắt đầu.

Sau những ngày không ngủ tại bàn đàm phán với những giờ đàm phán căng thẳng của các nhà ngoại giao, một tuyên bố chung đã được đưa ra, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo đã đơn thuần ký vào một tuyên bố dịu giọng mà không đề cập trực tiếp đến các vấn đề thương mại và tranh chấp khác.

Thomas Bernes, học giả giàu kinh nghiệm thuộc Trung tâm Đổi mới quản trị quốc tế, người đã từng kinh qua các vị trí công tác tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Canada, nói: "G20 che phủ mọi nẻo đường" tại hội nghị thượng đỉnh và các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc sắp xếp vấn đề thương mại, vốn được chủ yếu xem là vấn đề ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.

"Các nhà lãnh đạo che giấu những bất đồng của họ trong những từ ngữ không rõ ràng và mập mờ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ, vốn luôn được đề cập đến trong mỗi tuyên bố chung của G20 kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm này. Điều này rõ ràng là một bước thụt lùi trước sự không khoan nhượng của Mỹ," ông Bernes nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục