Sắc xanh lan tỏa ngay khi mở của phiên giao dịch chứng khoán sáng 15/4, đà tăng còn tiếp tục được đẩy mạnh trong đầu phiên chiều, nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt mốc 780 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index tăng 9,81 điểm (1,28%) lên 777,22 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt hơn 302,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.637,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 263 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 100 mã giảm giá.
HNX-Index tăng 1,81 điểm (1,1%) lên 108,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 713 tỷ đồng.
Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 53 mã giảm giá.
[Chứng khoán châu Á giảm điểm bất chấp sự phục hồi của Phố Wall]
Những mã cổ phiếu đầu ngành vẫn đóng vai trò dẫn sóng thị trường. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 22 mã tăng giá, trong khi chỉ có 5 mã giảm giá và 3 mã đứng giá.
Các mã tăng giá mạnh có thể kể đến như: CTD tăng 7% lên mức giá trần, CTG tăng 3,4%, BVH tăng 5,2%, SAB tăng 6,7%, PNJ tăng 3%, MWG tăng 2,7%.
Các mã giảm giá có mức giảm không lớn, ngoài VJC giảm 1,8%, các mã còn lại là MSN, VHM,VRE, GAS có mức giảm từ 0,2-0,6%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là động lực chính giúp thị trường tăng điểm. Trong nhóm này không còn mã nào giảm giá.
Những mã tăng mạnh trong nhóm ngân hàng như: KLB tăng 14,9%, LPB tăng 9,2%, STB tăng 5,9%, TPB tăng 5,5%, CTG tăng 3,4%, HDB tăng 3,2%, MBB tăng 2,8%, BID tăng 2,2%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Ở chiều tăng giá có PVC tăng 2%, BSR tăng 1,8%, PLX tăng 0,8%, POW tăng 0,1%. Trong khi đó, PVS giảm 3,3%, PVD giảm 2,4%, PVB giảm 0,8%.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 185,51 tỷ đồng. VIC là mã cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất sàn này, đạt hơn 94,2 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 8,45 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là PVS (gần 4 tỷ đồng), LAS (hơn 2,6 tỷ đồng) và VCG (hơn 1,7 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng 7,28 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là BSR (hơn 4,4 tỷ đồng), tiếp đến là VIB (hơn 2,1 tỷ đồng), ACV (hơn 1,6 tỷ đồng).
Trước đó, hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên 14/4, khi thị trường đón nhận những số liệu có phần lạc quan hơn tại các “điểm nóng” về dịch COVID-19.
Theo đó, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng hơn 2% sau khi các quan chức ở New York và một số điểm nóng khác thông báo về những tiến bộ trong nỗ lực khống chế số ca mắc mới virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Khép phiên này tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,4% lên 23. 949,76 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 3,1% lên 2.846,06 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tiến thêm 4% và đóng phiên ở mức 8.515,74 điểm.
Một số quốc gia, bao gồm Italy và Áo đã nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, trong khi các quan chức Mỹ bắt đầu tìm cách giải quyết câu hỏi làm thế nào để mở lại nền kinh tế một cách an toàn.
Các sàn giao dịch châu Âu cũng hầu hết tăng điểm, ngoại trừ thị trường London (Anh), sau khi dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu trong tháng 3/2020 của Trung Quốc giảm 6,6% và nhập khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt tăng 1,3% lên 10.696,56 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris cộng thêm 0,4% lên 4.523,91 điểm, còn chỉ số EURO STOXX 50 đóng phiên này tăng 0,9% lên 2.917,74 điểm.
Riêng chỉ số FTSE 100 tại London giảm 0,9% xuống 5.789,31 điểm.
Theo ông Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới giao dịch IG, các thị trường tiếp tục phản ứng "một cách kỳ lạ," chủ yếu bỏ qua tất cả các số liệu xấu và chỉ tập trung vào các mặt tích cực, như số liệu về hoạt động ngoại thương của Trung Quốc.
Cũng trong ngày 14/4, trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tác động của dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu mất tới 9.000 tỷ USD trong gần một thế kỷ qua.
Với phần lớn nền kinh tế toàn cầu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và giữ cho các hệ thống y tế không bị sụp đổ, IMF cảnh báo rằng có những rủi ro nghiêm trọng về kết quả kinh tế toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự không chắc chắn rất lớn xung quanh đà phục hồi sau dịch./.