Công bố kết quả liên kết chuỗi giá trị lúa gạo dự án VnSAT

Bộ Nông nghiệp và tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố các kết quả liên kết chuỗi giá trị dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), thuộc hợp phần lúa gạo tại ĐBSCL.
Sản phẩm gạo của Công ty Lương Thực Đồng Tháp có nguồn gốc từ các diện tích lúa được sản xuất trong dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Sản phẩm gạo của Công ty Lương Thực Đồng Tháp có nguồn gốc từ các diện tích lúa được sản xuất trong dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Chiều 23/9, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tỉnh tổ chức hội nghị công bố các kết quả liên kết chuỗi giá trị dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), thuộc hợp phần lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao giữa 4 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long và 8 hợp tác xã tiêu biểu của các tỉnh, thành tham gia dự án VnSAT.

Theo báo cáo của Ban quản lý các dự án nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những hỗ trợ từ dự án VnSAT đã tác động mạnh mẽ giúp thay đổi trình độ sản xuất, năng lực quản lý, giảm thất thoát sau thu hoạch. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo lớn đến tìm hiểu bao tiêu và liên kết sản xuất.

Theo đó, sau gần 5 năm triển khai dự án, tính đến vụ Hè Thu năm 2020 đã có 56.554 ha diện tích trồng lúa có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Theo đó, có hơn 19.800ha lúa vụ Hè Thu của VnSAT được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100-300 đồng/kg. Đơn cử như tỉnh Cần Thơ có 3.561ha được bao tiêu bởi 5 doanh nghiệp, 2.303ha ở Hậu Giang được 8 doanh nghiệp bao tiêu; Kiên Giang có 2.870ha được 3 doanh nghiệp bao tiêu…

Đặc biệt trong năm 2018, dự án VnSAT đã triển khai hoạt động tư vấn hỗ trợ liên kết chuỗi giúp nâng cao trình độ quản ký chất lượng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm lúa, lúa giống và gạo của hơn 100 hợp tác xã. Trong đó, có hơn 30 hợp tác xã được cấp Mã QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm và 8 hợp tác xã tiêu biểu nhất được dự án án hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, mẫu mã bao bì, trang thương mại điện tử.

[Hậu Giang: Gạo sạch Vị Thủy dần tạo được chỗ đứng trên thị trường]

Dự án VnSAT là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), được triển khai từ năm 2015-2020 với tổng số vốn hơn 300 triệu USD; trong đó, vốn vay từ nguồn ưu đãi của WB là 230 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng và vốn tư nhân.

Dự án được triển khai trên 13 tỉnh, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) và 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang).

Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, càphê ở hai vùng sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trong 5 năm triển khai thực hiện, dự án VnSAT đã có những tác động mạnh mẽ, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu 2 ngành hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam là lúa gạo và cà phê.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng và máy móc trang thiết bị, dự án VnSAT đã hỗ trợ hình thành hợp tác xã có năng lực tốt với những vùng nguyên liệu lớn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Tính đến tháng Chín này, dự án đã thành lập và củng cố 318 tổ chức nông dân. Các tổ chức nông dân này được đào tạo tập huấn về canh tác lúa bền vững với diện tích áp dụng lên đến 148.738 ha, giúp tăng lợi nhuận ròng/ha lên mức 26,4% đối với nông dân tham gia dự án. Áp dụng các giải pháp canh tác lúa bền vững đã giúp hoạt động sản xuất lúa trên toàn dự án giảm 1,17 triệu tấn khí thải/năm nhằm bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Song song với đó, dự án VnSAT còn đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất như đầu tư 118km đường giao thông, 21km kênh mương, 42 cầu cống, 36 kho tạm trữ với diện tích gần 30.000m2, 29 nhà bao che với diện tích gần 5.000 m2, 25km đường điện, 58 trạm biến áp, 50 trạm bơm, 17 máy sấy lúa, 9 máy tách hạt, 4 máy đóng bao lúa, 9 máy cuốn rơm, 3 máy cấy lúa và 9 máy phun hạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục