Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật vừa được Quốc hội thông qua

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật vừa được Quốc hội thông qua ảnh 1Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung công bố Lệnh của Chủ tịch nước tại họp báo. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Sáng 10/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Các luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo.

Mở rộng phạm vi giám định tư pháp

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung 1 điều, 4 khoản, 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản, 9 điểm với những nội dung cơ bản: mở rộng phạm vi giám định tư pháp; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định tư pháp viên; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.

Bên cạnh đó, luật bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám sát, bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định; quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp.

Ngoài ra, luật quy định thời hạn giám định; sửa đổi quy định kết luận giám định theo hướng cụ thể; nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 điều. Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật được thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Luật không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Liên quan đến việc bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án, điều 4 nêu rõ, trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại.

Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại điều 31.

Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Quy định rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên

Luật Thanh niên gồm 7 chương, 41 điều; áp dụng với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

Những điểm mới cơ bản của Luật Thanh niên, bao gồm: không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Ngoài ra, luật quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hoá thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nội dung chính của luật bao gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau khi thiết kế cơ sở; cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chứng chỉ hành nghề; nguyên tắc đầu tư xây dựng; quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ một số trường hợp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2010, bao gồm: Quy định tại khoản 13, khoản 30, khoản 37 (điều 1); quy định tại điểm d, điểm đ khoản 3 Điều 3.

Huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, bao gồm: loại hình thiên tai; công trình phòng chống thiên tai; nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiếu bị phòng, chống thiên tai; ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai trung ương; bổ sung 2 điều mới: Điều tra cơ bản, Khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, luật nêu rõ nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Ngoài ra, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều: cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều; bãi nổi, cù lao; xây dựng, cải tạo cầu qua sông có đê. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh

Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều; nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu thuộc nhóm các nước ASEAN 4 mà Chính phủ đã đặt ra.

Luật áp dụng với đối tượng doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

Luật quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân; quy định nhóm công ty.

Những cải cách quan trọng nhất của Luật bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phát triển.

Ngoài ra, luật góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Luật Đầu tư gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo. Luật quy định hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài; áp dụng với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

[Họp Quốc hội: Nhiều ý kiến khác nhau về dịch vụ kinh doanh đòi nợ]

Nội dung chủ yếu của luật bao gồm: nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện dự án đầu tư; quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Đáng chú ý, điều 6 quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm: kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vậy quy định tại Phụ lục II; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên…; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người, kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ quy định tại khoản 3 Điều 75 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.

Tập trung đầu tư 5 lĩnh vực thiết yếu

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm 11 chương, 101 điều. Luật quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP); quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động PPP.

Luật áp dụng đối với các bên trong hợp đồng PPP, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động PPP.

Những nội dung cơ bản của luật về lĩnh vực đầu tư; quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; Hội đồng thẩm định PPP; vốn nhà nước trong dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; huy động vốn của doanh nghiệp dự án; Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP; dự án đầu tư-chuyển giao.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật vừa được Quốc hội thông qua ảnh 2Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có nhiều nội dung mới. Luật đã rút gọn các lĩnh vực để tập trung đầu tư 5 lĩnh vực thiết yếu: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục-đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101, dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện từ ngày 15/8/2020.

Bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung, 14 điều về kỹ thuật.

Nội dung cơ bản bao gồm: tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Hoạt động của Quốc hội dân chủ, thực chất, hiệu quả

Luật sửa đổi, bổ sung 20/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản liên quan đến đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, ngoài những tiêu chuẩn chung liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội, khoản 1a Điều 22 quy định: "Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam."

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, điểm b và điểm c khoản 16 Điều 1 được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục