Công bố thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội.
Công bố thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô ảnh 1Hồ Hoàn kiếm (Hồ Gươm), một di sản văn hóa của thủ đô Hà Nội với quần thể cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, ngày 8/10, tại Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.

Phát biểu tại lễ công bố quyết định thành lập, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ, cho biết Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô ra đời là kết quả của việc triển khai một trong những nội dung quan trọng của Chương trình phối hợp công tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ của Trung tâm là làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội. Vì vậy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị Trung tâm sớm ổn định tổ chức, cán bộ, đồng thời khai thác đội ngũ các nhà khoa học có bề dày kinh nghiệm để lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp. Trong đó, Trung tâm tập trung nghiên cứu một số vấn đề được thành phố Hà Nội quan tâm như đánh giá văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố; các chương trình, kế hoạch phát triển Thủ đô; mở rộng nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn gắn với các lĩnh vực kinh tế-xã hội-tài nguyên-môi trường và hợp tác quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cũng chia sẻ Hà Nội là Thủ đô, là nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa-văn minh của dân tộc và là nơi đại diện cho cả nước trong giao lưu, hội nhập với bè bạn bốn phương trên thế giới. Do có vị thế đặc biệt như vậy nên từ lâu nghiên cứu toàn diện về Hà Nội đã trở thành niềm say mê học thuật đầy tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của nhiều thế hệ các nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ sở nghiên cứu khác.

Chính những nghiên cứu của giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Phan Huy Lê và nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn phát triển của thành phố, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô và đất nước. Những nghiên cứu này cũng đã đặt nền tảng cho sự ra đời của ngành Hà Nội học.

Song thực tiễn phát triển của Hà Nội đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, bức thiết, có độ phức hợp cao, đòi hỏi ngành Hà Nội học phải vươn lên một tầm cao mới, thực sự trở thành một khoa học cơ bản, liên ngành, có tính ứng dụng cao, trực tiếp cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định và triển khai các chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển thủ đô Hà Nội. Vì vậy, thành phố sẽ dành cho Trung tâm sự ủng hộ thiết thực nhất thông qua việc "đặt hàng" Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu những vấn đề mà Hà Nội đang có nhu cầu giải quyết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hy vọng, với sự ra đời của Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hà Nội sẽ đạt được những thành tựu to lớn, thiết thực hơn nữa.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô. Ông cũng là người vừa được tặng danh hiệu “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục