Công chức tư pháp Hà Nội nhập sai dữ liệu nhiều nhất cả nước

Hà Nội “đi đầu” về số lượng các trường hợp dữ liệu bị công chức tư pháp hộ tịch nhập sai trong đợt thí điểm cấp số định danh khi đăng ký khai sinh đang tiến hành tại 4 thành phố lớn.
Công chức tư pháp Hà Nội nhập sai dữ liệu nhiều nhất cả nước ảnh 1ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư Pháp) (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Ngày 8/4, trả lời báo giới, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư Pháp) cho biết: sau 3 tháng triển khai thí điểm cấp số định danh khi đăng ký khai sinh tại 4 thành phố, tính đến 9 giờ sáng ngày 8/4, hệ thống đã ghi nhận có 74.482 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó 71.353 cấp số định danh cá nhân (các trường hợp không phải cấp mới không được cấp định danh cá nhân).

Theo ông Khanh, trong thời gian thí điểm, dù tới nay, về mặt kỹ thuật, hệ thống vận hành ổn, tuy nhiên, việc triển khai tồn tại một số khó khăn.

Khó khăn đầu tiên, theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, không phải tất cả các đơn vị được chọn đều đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai.

“Có tới 130 đơn vị trên tổng số các đơn vị được chọn chưa kích hoạt tài khoản, chưa nhập được dữ liệu. Các cán bộ tư pháp hộ tịch người thì không biết làm, người không có máy tính, hay đường truyền bị trục trặc”, ông Khanh lý giải cụ thể.

Một khó khăn được Cục trưởng đặc biệt nhấn mạnh, đó là sai sót của các cán bộ tư pháp trong việc nhập dữ liệu. Đặc biệt, là một trong bốn thành phố lớn được lựa chọn thí điểm, Hà Nội “đi đầu” số lượng các trường hợp dữ liệu bị công chức tư pháp hộ tịch nhập sai.

“Tôi rất thất vọng trong đợt thí điểm lần này, công chức tư pháp hộ tịch Hà Nội nhập sai dữ liệu nhiều nhất cả nước, có tới hơn 300 trường hợp nam thành nữ, nữ thành nam, có trường hợp chuyển qua Bộ Công an phải hủy số định danh cá nhân,” Cục trưởng Nguyễn Công Khanh bày tỏ: “Trong khi nhìn sang Quế Phong, Nghệ An, một huyện giáp Lào, họ chỉ nhập sai có 2 trường hợp, ít nhất cả nước.”

Cơ sở hạ tầng còn hạn chế là khó khăn sau cùng được Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nêu ra trong việc triển khai. Theo ông Khanh, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp hiện nay chưa thể đáp ứng được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Khanh cho biết thêm: theo đề án, tới năm 2020, việc cấp số định danh khi đăng ký khai sinh mới được triển khai trên toàn quốc, từ nay tới thời điểm trên, lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ về việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp.

Trước đó, từ ngày 1/1/2016, việc cấp mã số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh được thực hiện thí điểm trên 4 tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, số định danh cá nhân cùng với số căn cước công dân tạo thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử sẽ tạo ra thuận lợi cho việc thực hiện quyền của người dân liên quan đến hộ tịch và của Nhà nước trong quản lý dân cư.

Đề án cơ sở dữ liệu về hộ tịch từ khi thực hiện thí điểm (đầu năm 2016) trải qua 3 giai đoạn. Đến năm 2020 cơ sở dữ liệu về hộ tịch quốc gia sẽ hoàn thiện và khai thác được tất cả các yêu cầu quản lý nhà nước liên quan đến hộ tịch theo hướng hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục