Cộng đồng Caribe nhóm họp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ở Haiti

Tuyên bố về những cuộc thảo luận của Caricom với Thủ tướng Haiti và các nhóm chính trị-xã hội khác của quốc gia Caribe, Chủ tịch Caricom khẳng định các bên liên quan chưa “tới được điểm cần thiết.”

Người biểu tình phản đối Thủ tướng Haiti Ariel Henry gây bạo loạn tại Port-au-Prince, ngày 7/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người biểu tình phản đối Thủ tướng Haiti Ariel Henry gây bạo loạn tại Port-au-Prince, ngày 7/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cộng đồng Caribe (Caricom) ngày 10/3 sẽ họp phiên đặc biệt tại Thủ đô Kingston của Jamaica để thảo luận về quá trình chuyển đổi ở Haiti và hỗ trợ quốc gia này khôi phục các thể chế dân chủ “càng sớm càng tốt.”

Ban Thư ký Caricom ngày 9/3 cho biết những người đứng đầu chính phủ của tổ chức khu vực này cùng các đại diện của cộng đồng quốc tế, trong đó có đại diện Liên hợp quốc, sẽ tham gia cuộc họp.

Đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Guyana Irfaan Ali - Chủ tịch luân phiên của Caricom, Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell và người đồng cấp Cộng hòa Dominicana Roosevelt Skerrit, Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Earle Courtenay Rattray đã xác nhận sẽ tham dự phiên họp đặc biệt nói trên.

Nguồn tin từ Caricom “không rõ” liệu Thủ tướng Haiti Ariel Henry, đang mắc kẹt ở Puerto Rico, có thể tham dự phiên họp hay không, trong khi nguồn tin từ Liên hợp quốc “không biết” ông Henry có được mời họp không.

Nguồn tin cấp cao từ Liên hợp quốc tiết lộ thông điệp duy nhất mà Caricom muốn truyền đạt đến Thủ tướng Henry là yêu cầu ông từ chức. Đây có lẽ là bước đi mà các quốc gia có ảnh hưởng nhất với Haiti như Mỹ và Canada ủng hộ.

Một ngày trước cuộc họp của Caricom, Tổng thống Guyana Irfaan Ali - Chủ tịch luân phiên của Caricom - thông báo đã xuất hiện “tiến bộ đáng kể” trong những cuộc đàm phán với các bên liên quan tại Haiti, song vẫn chưa đạt được kết quả dứt khoát.

Trong tuyên bố ngày 9/3 về những cuộc thảo luận của Caricom với Thủ tướng Haiti Ariel Henry và các nhóm chính trị và xã hội khác của quốc gia Caribe, Tổng thống Ali khẳng định các bên liên quan vẫn chưa “tới được điểm cần thiết.”

Cùng ngày, Jamaica tuyên bố “không cho phép” dòng người tị nạn ở Haiti tràn vào Jamaica. Bộ trưởng An ninh quốc gia Horace Chang cho biết Jamaica sẽ chỉ tiếp nhận nhân viên của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Haiti theo đề nghị của cơ quan này và một số ít trẻ em từ trại trẻ mồ côi hiện đang bị cô lập trong làn sóng bạo lực ở Port-au-Prince.

Theo Bộ trưởng Chang, Jamaica đã tiếp nhận một số thuyền chở người di cư Haiti trong những ngày gần đây. Chính sách của Jamaica là hồi hương những người này và tăng cường an ninh biên giới.

Trong khi đó, Cộng hòa Dominicana - quốc gia duy nhất có đường biên giới trên bộ với Haiti - đang lên kế hoạch sơ tán nhân viên các cơ quan đại diện và công dân.

Tổng thống Cộng hòa Dominicana Luis Abinaderbày tỏ quan ngại về tình hình an ninh quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng tại nước láng giềng Haiti gia tăng đến mức cực độ.

Cuộc khủng hoảng ở Haiti không chỉ là thách thức nhân đạo, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đối với sự ổn định và an ninh của Cộng hòa Dominicana, quốc gia đường có biên giới chung trên đất liền dài 390km với Haiti.

Tổng thống Abinader cho biết Cộng hòa Dominicana đã áp dụng nhiều biện pháp chủ động để ngăn chặn ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Haiti, giữa lúc tình hình “có nguy cơ tiếp tục xấu đi” nếu lực lượng gìn giữ hòa bình không được triển khai khẩn cấp để lập lại trật tự.

Ông nhấn mạnh Santo Domingo ủng hộ giải pháp hòa bình ở Haiti, song “duy trì khoảng cách thận trọng” do tính phức tạp của cuộc khủng hoảng và ưu tiên bảo vệ an ninh, ổn định quốc gia, cũng như phúc lợi của người dân Dominicana.

Trước đó, Cộng hòa Dominicana đã đóng cửa biên giới và đình chỉ các chuyến bay với Haiti. Tổng thống Abinader cũng từ chối cho phép máy bay chở Thủ tướng Henry hạ cánh xuống Cộng hòa Dominicana hôm 5/3, khiến chiếc chuyên cơ phải đổi hướng sang Puerto Rico sau 30 phút chờ đợi.

Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ lực lượng đa quốc gia tới Haiti

Tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng ở Haiti hiện nay khiến Liên hợp quốc luôn trong tình trạng báo động. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/3 nhắc lại lời kêu gọi tài trợ cho lực lượng an ninh đa quốc gia hỗ trợ Haiti.

Tổng thư ký Liên hợp quốc yêu cầu Chính phủ Haiti và tất cả các bên liên quan lập tức triển khai các biện pháp thúc đẩy tiến trình chính trị hướng đến bầu cử.

Ông Guterres cũng kêu gọi hành động quốc tế khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho Sứ mệnh Hỗ trợ An ninh Đa Quốc gia đang rất cần thiết để giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Caribe này.

haiti 2.jpg
Cảnh sát Haiti được triển khai bảo đảm an ninh khi người biểu tình phản đối Thủ tướng Ariel Henry gây bạo loạn tại thủ đô Port-au-Prince, ngày 7/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc xác nhận sẽ cử đại diện tham gia phiên họp đặc biệt của Cộng đồng Caribe (Caricom) ngày 10/3 tại Jamaica để thảo luận về quá trình chuyển đổi và khôi phục các thể chế dân chủ ở Haiti.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stéphane Dujarric cảnh báo nếu bạo lực tiếp diễn ở Thủ đô Port-au-Prince của Haiti thì khoảng 3.000 phụ nữ mang thai sẽ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu.

Chương trình Lương thực LHQ (WFP) cho hay hơn 20 xe tải chở các thiết bị thiết yếu, thuốc men và thực phẩm đang bị mắc kẹt ở Thủ đô Port-au-Prince do tình trạng mất an ninh.

Liên hợpquoocs cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Haiti có nguy cơ sụp đổ khi nhiều trung tâm y tế đã phải đóng cửa hoặc giảm mạnh hoạt động do thiếu hụt nhân lực và nguồn lực y tế để điều trị cho bệnh nhân và những người bị thương.

Trong bối cảnh bạo lực, khủng hoảng chính trị và nhiều năm hạn hán, khoảng 5,5 triệu người Haiti (tương đương 50% dân số nước này) cần hỗ trợ nhân đạo từ bên ngoài.

Liên hợp quốc ước tính cần 674 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này, nhưng đến nay mới chỉ huy động được 2,5% tổng số tiền. Chỉ trong chưa đầy một tuần qua, ít nhất 15.000 người Haiti đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn làn sóng bạo lực.

Trước đó, Chính phủ Haiti đã gia hạn thêm một tháng tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô Port-au-Prince từ ngày 7/3 do bạo lực từ các băng nhóm vũ trang đang kiểm soát phần lớn Thủ đô Port-au-Prince./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục