Công nghệ - mặt trận mới trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Công nghệ đã trở thành một mặt trận mới trong quan hệ Mỹ-Trung, song đây hoàn toàn có thể trở thành một lĩnh vực tiềm năng hợp tác mạnh mẽ nếu hai bên có những khuôn khổ giúp đảm bảo sự cân bằng.
Công nghệ - mặt trận mới trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: Nikkei Asian Review)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, công nghệ đã trở thành một mặt trận mới trong quan hệ Mỹ-Trung, song đây hoàn toàn có thể trở thành một lĩnh vực tiềm năng hợp tác mạnh mẽ nếu hai bên xây dựng những khuôn khổ giúp đảm bảo sự cân bằng, tương hỗ và minh bạch trong dòng chảy công nghệ.

Điều này chỉ có thể diễn ra nếu không có sự tồn tại của những toan tính và hành động nhằm tạo lợi thế bất công thông qua đánh cắp tài sản trí tuệ.

Cạnh tranh công bằng và hợp tác về công nghệ thực chất là hai mặt của cùng một vấn đề.

Ngày 1/11/2018, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ công bố kế hoạch xây dựng Sáng kiến Trung Quốc để đối phó với các âm mưu kinh tế của Trung Quốc.

Tháng 9/2015, cựu Tổng thống Barack Obama từng có được lời đảm bảo từ phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ hạn chế các vụ đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Sessions và những người kế nhiệm cho rằng lời hứa này đã không được thực hiện và đã không ít lần cáo buộc các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ mà kẻ chủ mưu là các nhân tố độc lập hoặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc. Vụ việc gần đây nhất liên quan tới cáo buộc Huawei đánh cắp tài sản trí tuệ của hãng T-Mobile của Mỹ.

Vài giờ sau tuyên bố của Bộ trưởng Sessions, Tổng thống Trump đã có một cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình sau những gián đoạn nghiêm trọng, khởi động tiến trình đàm phán hiệu quả nhất từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát vào tháng 3/2018.

Trung Quốc muốn duy trì một mối quan hệ thương mại và đầu tư công nghệ cao, mang tính biểu tượng với Mỹ. Nền tảng cho hệ thống cách tân nội địa của Trung Quốc chủ yếu là các công nghệ cốt lõi của Mỹ.

Các quy định về chuyển nhượng và xuất khẩu nước ngoài mà Washington đề ra, trong đó không cấm các doanh nghiệp Trung Quốc có được công nghệ này, là động lực chính dẫn đến những cân nhắc của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc cân bằng cơ chế đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho việc tiếp cận cũng như những ưu đãi có đi có lại cho doanh nghiệp Mỹ trong thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày.

Mỹ và Trung Quốc đều xem các vấn đề hành pháp và tiến trình đàm phán thương mại là hai nội dung độc lập, song thực tế chúng đều có mối liên hệ và ràng buộc phức tạp.

[Mỹ, Trung Quốc bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới vào tuần tới]

Những cáo buộc, và sau đó là các lệnh cấm vận có chủ đích, nhằm vào những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Trung Quốc có thể cản trở lộ trình chia sẻ công nghệ song phương đạt được từ thỏa thuận đình chiến Mỹ-Trung.

Về cơ bản, những gì mà Tổng thống Trump đồng thuận có thể sẽ lại là thứ bị Bộ Tư pháp phủi bỏ.

Đầu tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc nhà sản xuất chip điện tử quốc doanh Trung Quốc Fujian Jinhua đứng đằng sau các vụ đánh cắp bí mật thương mại.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đồng thời áp đặt lệnh cấm vận đối với việc bán các phần mềm cho doanh nghiệp này. Thiếu những nguồn nhập khẩu quan trọng, Fujian Jinhua đang đứng bên bờ vực ngừng sản xuất.

Nhiều thông tin gần đây nhắc đến khả năng các nỗ lực đàm phán song phương có thể “cứu” Fujian Jinhua, song sự tê liệt của doanh nghiệp này có thể là “điềm báo” cho những khúc mắc và mâu thuẫn khó tránh trong quá trình đàm phán cũng như hành pháp sắp tới, một đặc điểm của tương tác Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ cao thời gian tới.

Fujian Jinhua chỉ là một trong những ví dụ cho thấy những gì mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ phải hứng chịu từ những nghi ngờ và chỉ trích đối với các thành quả thương mại trái phép mà giới chức nước này “bật đèn xanh."

Trung Quốc càng hạn chế các hoạt động thiếu minh bạch trong không gian mạng, và càng tự do hóa cũng như có đi có lại trong đầu tư nước ngoài và cơ chế chuyển giao công nghệ, Chính quyền Mỹ càng hạ bớt những lo ngại về “an ninh quốc gia,” và từ đó tạo điều kiện cho những trao đổi hai chiều về các công nghệ đột phá và mang tính nền tảng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục