Công nghệ tỏa về phía Đông, châu Á định hình tương lai ngành du lịch

Tại Singapore, M Social là khách sạn đầu tiên có robot đầu bếp tự phục vụ món trứng cho khách hàng của mình, còn Trung Quốc đã robot du lịch thông minh đầu tiên trên thế giới với tên gọi Mafeng.
Công nghệ tỏa về phía Đông, châu Á định hình tương lai ngành du lịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dreamsinheels.com)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Simon Akeroyd với tựa đề "châu Á đang định hình tương lai của ngành du lịch."

Theo đó, trong lịch sử nhân loại, chúng ta đã thấy các nền kinh tế phát triển ở phương Tây dẫn đầu trong đổi mới công nghệ và sau đó lan tỏa về phía Đông.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000 đã báo trước một sự thay đổi bất thường, đó là nhiều quốc gia phương Đông đã bứt phá, nổi lên thành những quốc gia hàng đầu trong việc đổi mới công nghệ.

Nhiều thị trường phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, nhờ vào các nỗ lực trong cải cách kinh tế, đã chuyển từ “các nhà sản xuất giá rẻ và đại trà” sang các thị trường sản xuất công nghệ chất lượng cao để cạnh tranh hoặc vượt trội so với các đối tác phương Tây.

Ngày nay, các nước châu Á mới nổi đang dẫn đầu các công nghệ mới để giải quyết các thách thức đương đại.

Với sự chuyển dịch sang nền kinh tế dựa trên dịch vụ, các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á đang nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu với mức tăng trưởng dự báo vào khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018-2019 và tiếp tục đóng góp hơn một nửa tăng trưởng toàn cầu hàng năm.

[Du lịch trực tuyến: Xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0]

Các nền kinh tế mạnh ở châu Á đã dẫn đến sự gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có. Trong bối cảnh đó, ngành du lịch đã trở thành một lĩnh vực được thụ hưởng rõ ràng.

Ngày nay, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất thế giới và đến năm 2020, cứ năm du khách thì sẽ có hai người là người châu Á.

Cùng với sự giàu có gia tăng, khả năng đổi mới của châu Á đã tăng tốc và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành du lịch. Khu vực này đã đi trước trong một số yếu tố quan trọng hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật.

Bốn trong số 10 nền kinh tế hàng đầu có tốc độ Internet băng rộng nhanh nhất thế giới là ở châu Á. Hàn Quốc đang dẫn đầu về tốc độ kết nối trung bình cao nhất thế giới, theo sau là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản.

Trong khi đó, Trung Quốc đang dẫn đầu về công nghệ di động 5G và đang định hình để có thị trường 5G lớn nhất vào năm 2022.

Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ chiếm hơn 40% kết nối 5G của thế giới.

Các công ty ở châu Á cũng thực sự là "tiên phong" trong việc phát triển thiết bị di động.

Bên cạnh đó, chi phí duy trì cơ sở hạ tầng đám mây ở châu Á rẻ hơn nhiều so với phương Tây, giúp họ thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này.

Ngoài ra còn có rất nhiều kỹ năng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) xuất phát từ châu Á cùng với tinh thần kinh doanh cởi mở, sáng tạo.

Đáng chú ý, châu Á là nơi có hơn 47% số bằng sáng chế quốc tế trong năm 2016, con số này gần bằng tổng số các bằng sáng chế của Bắc Mỹ và châu Âu gộp lại.

Đây là một trong những lý do cộng đồng khởi nghiệp Traveltech Amadeus Next cho châu Á-Thái Bình Dương ra đời để hỗ trợ hệ sinh thái phát triển công nghệ du lịch “thế hệ tiếp theo” ở châu Á và học hỏi từ một số công ty khởi nghiệp du lịch sáng tạo nhất trong khu vực.

Châu Á cũng có một cam kết mạnh mẽ trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Cụ thể, đầu tư R&D của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2020, khi các công ty nước này đều dành một khoản ngân sách lớn để nghiên cứu.

Sự thành công của châu Á sẽ ngày càng tăng và đây là kết quả của khả năng giải quyết nhu cầu thị trường của riêng mình.

Chẳng hạn như công ty Quản lý chi phí và du lịch Baoku là một trong số những doanh nghiệp đầu tiên phát triển giải pháp SaaS để phục vụ cho thị trường du lịch đang phát triển rất mạnh của Trung Quốc.

Thị trường du lịch của quốc gia châu Á này đã vượt Mỹ vào năm 2016 và hiện có giá trị lên đến 300 tỷ USD.

Một công ty khác là 12GoAsia, hỗ trợ mạng lưới giao thông phức tạp ở ASEAN trên cả hai mặt doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp cới cá ngân (B2C) bằng cách cung cấp dịch vụ bán vé trực tuyến cho xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy, vận chuyển, chuyến bay và khách sạn liên thành phố cũng như khu vực.

Các công nghệ du lịch bổ sung được phát triển để cải thiện trải nghiệm du lịch cho du khách ở châu Á bao gồm công ty BorderPass của Malaysia và ConfirmTKT của Ấn Độ.

Công ty BorderPass được phát triển để cho phép số lượng lớn khách du lịch xuyên biên giới có điều kiện thuận lợi trong việc làm các thủ tục nhập cảnh.

Công ty ConfirmTKT giải quyết các thách thức ở Ấn Độ, nơi du khách thường phải đặt trước đến 4 tháng vé tàu đường dài để xác nhận ngày sử dụng.

Công ty này giúp rút ngắn thời gian giữa đặt vé và xác nhận vé tàu hỏa và hỗ trợ khách du lịch xác định các tuyến đường du lịch thay thế bằng cách sử dụng ứng dụng của mình.

Các công ty ở châu Á mới nổi cũng đang tích cực theo đuổi các cơ hội để tận dụng sự gia tăng của du khách châu Á.

Một ví dụ là công ty Traveloka.com của Indonesia đã nhìn thấy nhiều cơ hội dịch vụ hơn là chỉ so sánh giá, để tiến tới bán vé cũng như khiến nhu cầu thị trường tăng cao.

Công ty cũng đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 100 hãng hàng không trong nước và quốc tế phục vụ hơn 200.000 tuyến bay trên toàn thế giới.

Robot cũng đang được triển khai với tốc độ rất nhanh ở châu Á. Tại Singapore, M Social là khách sạn đầu tiên có robot đầu bếp tự phục vụ món trứng cho khách hàng của mình.

Tại Nhật Bản, H.I.S Co sử dụng nhiều robot hơn con người ở một số khách sạn của mình. Có robot để giúp khách hàng check-in, robot mang hành lý và robot để dọn dẹp ở các phòng khách sạn.

Ở Trung Quốc, công ty Mafengwo đang phát triển một khái niệm cho robot du lịch thông minh đầu tiên trên thế giới với tên gọi Mafeng.

Mafengwo đã trở nên phổ biến đối với những du khách trẻ tuổi nói riêng, những người coi trọng thông tin "độc lập" có sẵn thông qua các cộng đồng du lịch của mình.

Công nghệ tỏa về phía Đông, châu Á định hình tương lai ngành du lịch ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: dreamsinheels.com)

Giờ đây, robot này sẽ đi cùng du khách trong suốt chuyến đi của họ và sử dụng dữ liệu lớn để cung cấp cho người dùng trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa. Ví dụ robot sẽ tạo hành trình và giới thiệu các hoạt động dựa trên các chuyến đi trong quá khứ của người dùng và tùy chọn cá nhân.

Các nhà sáng tạo châu Á cũng đã nhanh chóng đưa blockchain (công nghệ chuỗi khối) vào lĩnh vực du lịch.

Một dự án của Trung Quốc với tên gọi “Go Globe Chain” đang áp dụng công nghệ blockchain để xây dựng các hệ thống đặt phòng phân cấp để tránh rủi ro về giao dịch và rủi ro tín dụng. Những phát triển blockchain này có khả năng cách mạng hóa ngành du lịch.

Không thể đoán được Uber hoặc Airbnb sẽ đi đến đâu, nhưng rõ ràng là châu Á đang chứng kiến sự bùng nổ về công nghệ. Sự đổi mới mà chúng ta đang thấy là gần như áp đảo và nhấn mạnh sự năng động của châu Á khi nói đến việc phát triển các công nghệ mới để giải quyết các thách thức về thị trường và khám phá những ý tưởng mới.

Môi trường công nghệ tương đối trẻ của châu Á, không bị đè nặng bởi hệ thống cấu trúc, kết hợp với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, tất cả đều hướng tới tương lai, nơi những đổi mới du lịch châu Á sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục