Trang Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Aparna Roy với tựa đề “Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27): Chương trình nghị sự ba điểm của Ấn Độ."
Khi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập, họ đánh giá và nhắc lại các hành động khẩn cấp cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và thích ứng với các hậu quả có thể xảy ra. Trong khi đó, báo cáo về Khoảng cách thích ứng của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2022 lại đưa ra một bức tranh đáng quan ngại.
Một bức tranh đáng quan ngại
Báo cáo dự báo các tác động của biến đổi khí hậu sẽ gia tăng về tần suất và cường độ trong những năm tới ngay cả khi thế giới bắt đầu giảm phát thải khí nhà kính (GHGs). Các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu, mặc dù đây là những quốc gia đóng góp ít nhất vào lượng khí thải carbon toàn cầu.
Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) có tựa đề "Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, thích ứng và tính dễ bị tổn thương," hiện có khoảng 3,6 tỷ dân số thế giới sống trong bối cảnh dễ bị tổn thương vì khí hậu. Phần lớn dân số này tập trung ở các nước đang phát triển ở phía Nam Bán cầu.
Việc thiếu năng lực và nguồn lực đầy đủ cùng với những thách thức đối với quá trình phát triển đã hạn chế khả năng của các quốc gia này trong việc giảm thiểu hoặc thích ứng với rủi ro khí hậu không chắc chắn. Trong trường hợp không có những nỗ lực mạnh mẽ hơn, viễn cảnh này có thể còn tồi tệ hơn nữa, với những người dễ bị tổn thương của các quốc gia đang phát triển tiếp tục ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng.
Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có nghĩa là lượng khí thải toàn cầu phải giảm một nửa vào năm 2030 và đạt mức ròng là 0 năm 2050. Tuy nhiên, các cam kết về khí hậu hiện tại của thế giới còn rất xa mới có thể đạt mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu ở mức đã thỏa thuận.
Các cường quốc trên thế giới rõ ràng đã thất bại trong việc cung cấp khả năng lãnh đạo hiệu quả trong vấn đề khí hậu. Để giải quyết hậu quả tuy không chắc chắn nhưng được dự báo nghiêm trọng trong tương lai, các nước đang phát triển sẽ phải tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới đủ mạnh mẽ để có thể lấp đầy khoảng trống trong việc quản lý khí hậu và thúc đẩy các nỗ lực tập thể để chống lại biến đổi khí hậu.
Ấn Độ: Nhà lãnh đạo khí hậu mới nổi?
Ấn Độ đã sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống này. Ấn Độ đã thể hiện những bằng chứng, cam kết và tiềm năng lãnh đạo to lớn bằng cách thực hiện những hành động khẳng định mục tiêu giảm thiểu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang trên đà đạt được các mục tiêu về khí hậu. Trong mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được cập nhật gần đây, Ấn Độ cam kết đạt được khoảng 50% công suất lắp đặt điện tích lũy từ các nguồn năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.
Chủ đề “Phong cách sống vì môi trường” (LiFE) do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động gần đây và việc Ấn Độ dẫn đầu Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế cũng như Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai là những ví dụ về cách nước này sẽ thực hiện các hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, làm thế nào để Ấn Độ sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy một khuôn khổ công bằng và bao trùm tại COP27, nhằm biến các mục tiêu khí hậu chung thành hành động? Làm thế nào Ấn Độ có thể đảm bảo rằng các quan hệ đối tác phát triển hiệu quả được xây dựng tại COP27 sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết rủi ro khí hậu ở nhiều mặt?
Thứ nhất, trong khi thúc đẩy đàm phán công bằng tại COP27, Ấn Độ cần nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ nguyên tắc của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) về Trách nhiệm chung nhưng Phân biệt và Khả năng Ứng phó (CBDR-RC).
Ở các nền kinh tế đang phát triển, lượng phát thải bình quân đầu người hiện tại rất thấp. Do sự khác biệt đáng kể về mức phát thải bình quân đầu người giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển nên sẽ là không công bằng khi mong đợi một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ - nơi thải ra ít hơn 1,9 triệu tấn CO2 trên đầu người, phải gánh chịu các chi phí tương ứng với các hành động khí hậu với các quốc gia phát triển như Mỹ, với mức phát thải lên đến 15,52 triệu tấn CO2 trên đầu người.
Ấn Độ phải kiên định với yêu cầu rằng các nước đang phát triển phải được dành đủ thời gian, tài chính, hỗ trợ công nghệ và không gian chính sách để tiến tới một tương lai phát thải carbon thấp.
[Hội nghị COP27 thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng]
Cấu trúc quản trị khí hậu hiện tại không cung cấp thông tin rõ ràng về những gì cấu thành nên “sự chia sẻ công bằng” trong việc giảm khí thải cho mỗi quốc gia. Các bên ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được yêu cầu tự nguyện xác định NDC hoặc mục tiêu giảm phát thải riêng, đánh giá hiệu suất và chuẩn bị các cam kết khí hậu trong tương lai.
Trong trường hợp không có một cơ chế công bằng và minh bạch để xem xét tính đầy đủ của các NDC từ mỗi quốc gia, thì thế giới sẽ tiếp tục có một lỗ hổng chính sách trong các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu từ các nước phát triển.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ ra rằng các thành viên phát triển của Nhóm G20 - là đối tượng chịu trách nhiệm cho khoảng 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đang không đáp ứng được các mục tiêu khí hậu.
Với tư cách là tiếng nói của thế giới đang phát triển, Ấn Độ nên thúc đẩy các quốc gia phát triển, giàu có tăng cường nỗ lực hành động vì khí hậu. Trong nỗ lực này, COP27 sẽ trở thành cơ hội để các quốc gia đang phát triển tái khẳng định niềm tin tập thể vào các nguyên tắc công bằng và toàn diện trong việc vạch lộ trình tập thể cho các mục tiêu khí hậu.
Thứ hai, Ấn Độ nên tăng cường áp lực lên các nước phát triển, thúc giục họ thực hiện các cam kết tài trợ và mở rộng chuyển giao công nghệ. Điều này giúp hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các thảm họa.
Báo cáo của IPCC tuyên bố rằng từ năm 2010 đến năm 2020, số người thiệt mạng vì các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do khí hậu gây ra như hạn hán, lũ lụt và bão giết chết ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương cao gấp 15 lần so với các quốc gia phát triển giàu có hơn.
UNEP ước tính rằng các nước đang phát triển hiện cần 70 tỷ USD mỗi năm chi phí thích ứng. Con số này dự kiến sẽ dao động trong khoảng từ 140-300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Cam kết hỗ trợ tài chính hiện tại là 100 tỷ USD mỗi năm từ các nước phát triển cho cả việc giảm nhẹ và thích ứng là không đủ để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với những tác động xấu hơn của khí hậu.
Để đương đầu với những thách thức về thích ứng, cộng đồng quốc tế phải đảm bảo rằng các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất có đủ nguồn lực tài chính, công nghệ, năng lực và các nguồn lực thể chế cần thiết.
Ấn Độ phải yêu cầu COP27 đưa ra một bộ hướng dẫn chi tiết về việc huy động tài chính khí hậu để thích ứng, theo sau là một khuôn khổ quản trị và trách nhiệm toàn diện có thể hướng dẫn việc thực hiện hiệu quả.
Thứ ba, mặc dù việc đưa các đề xuất về “Mất mát và Thiệt hại” (L&D) trở thành một mục trong chương trình nghị sự tại COP27 là một bước phát triển đáng hoan nghênh đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhưng Ấn Độ phải đảm bảo rằng các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề này diễn ra một cách xây dựng và tập trung vào những trọng tâm cấp bách đáng được hưởng.
COP27 sẽ là cơ hội quan trọng nhất để Ấn Độ thúc đẩy việc thành lập một cơ chế tài chính chuyên biệt nhằm hỗ trợ các khu vực dễ bị tổn thương đối phó với tác động của khí hậu một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
Điều quan trọng nhất tại COP27 là đoàn kết cộng đồng quốc tế “cùng nhau thực hiện." Thế giới sẽ theo sát vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong hành động chống biến đổi khí hậu tại COP27 và G20.
Ấn Độ phải thuyết phục thế giới phát triển rằng việc không hành động hoặc thất bại trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với tác động khí hậu ngày càng tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến quy mô tàn phá vào ngày mai.
Điều đó đòi hỏi những nỗ lực triệt để hơn, bao gồm cả việc tăng cường tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu trong tương lai gần. Thế giới không thể trì hoãn thêm nữa trong việc thực hiện một hành động khí hậu đầy tham vọng. COP27 phải là “COP của hành động”./.