Ngày 25/2, Bộ trưởng Y tế Costa Rica Fernando Llorca xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika tại quốc gia Trung Mỹ này, trong đó có một trường hợp phụ nữ mang thai.
Ông Llorca cho biết San José đã ngay lập tức siết chặc các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang ảnh hưởng tới hơn 30 quốc gia Mỹ Latinh này, đặc biệt là tại 24 khu vực được xác định là có nhiều khả năng cho muỗi - tác nhân truyền bệnh chính - trú ngụ nhất.
Các nhân viên y tế Costa Rica đã tiến hành phun thuốc và kiểm tra các điểm chứa nước tại các khu vực này, vận động sự tham gia của quần chúng nhân dân; đồng thời tiến hành theo dõi chặt chẽ những phụ nữ mang thai có biểu hiện nhiễm Zika.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Panama Francisco Terrientes cũng xác nhận thêm 15 ca nhiễm Zika, nâng tổng số người nhiễm loại virus này lên con số 88, đồng nghĩa với mức tăng 17%/tuần.
Địa phương chịu nhiều hậu quả Zika nhất của Panama là Guna Yala, giáp ranh với Colombia, nước đang có số người nhiễm Zika cao thứ hai tại Mỹ Latinh. Để đối phó với tình trạng này, tuần trước Chính phủ Panama đã thông qua một khoản ngân sách khẩn cấp 10 triệu USD cho công tác phòng chống Zika; đồng thời mở rộng tình trạng khẩn cấp y tế ra toàn quốc.
Các biện pháp chính Panama áp dụng là phun thuốc bằng máy bay, xóa bỏ các điểm ao tù, nước đọng dễ làm muỗi sinh sản, tuyên truyền y tế, xử phạt những người vi phạm quy định an toàn y tế, cách ly những người có biểu hiện nhiễm bệnh và lập vành đai dịch tễ quanh thủ đô Panama City.
Trong khi đó Haiti, quốc gia Caribe có nhiều người nhiễm Zika nhất, cho biết số người được phát hiện nhiễm bệnh đã vượt con số 800 vào ngày 24/2 vừa qua, tăng mạnh so với con số 507 người trước đó chỉ 1 tuần.
Với nguồn lực hạn chế, cho tới nay Chính phủ lâm thời Haiti mới giành một khoản ngân sách gần 1 triệu USD cho công tác phòng chống Zika, chủ yếu là cho việc phun thuốc muỗi và hiện tại đang dự định đề xuất viện trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức tuyên bố sẽ viện trợ 150 triệu USD cho Mỹ Latinh chống lại dịch bệnh Zika./.