Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 28/12 thông báo kể từ đầu dịch tới nay, Đức đã ghi nhận trên 30.000 ca tử vong do đại dịch COVID-19, trong khi số ca nhiễm cũng vượt 1.663.000 người.
Hiện số ca tử vong ở Đức do đại dịch COVID-19 đã tăng lên 30.625 trường hợp và trên 366.000 trường hợp đang nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp đặt trong hơn 10 ngày qua, số ca lây nhiễm đã giảm rõ rệt.
Trong 24 giờ qua, Đức chỉ ghi nhận 11.600 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với mức trung bình từ 20.000-30.000 ca những ngày trước đây. Trong bối cảnh đang là dịp nghỉ lễ và số ca có thể tăng trở lại sau thời gian này, giới chức Đức đang hoài nghi việc có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch sau ngày 10/1/2021.
Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Đức Helge Braun cho biết cuộc gặp trực tuyến của lãnh đạo Chính phủ và các bang vào ngày 5/1 tới chưa thể đánh giá được chính xác tình hình dịch bệnh, do vậy các biện pháp phòng chống dịch hiện tại có thể vẫn tiếp tục được áp dụng sau thời điểm 10/1.
Trong khi đó, lãnh đạo một số bang như Mecklenburg-Vorpommern, Thüringen, Saarland,... bày tỏ khả năng duy trì các biện pháp chống dịch hiện đang được áp dụng.
Sau hai ngày tiêm vắcxin phòng COVID-19, đến nay đã có trên 18.400 người ở Đức được tiêm phòng vắcxin do công ty BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ hợp tác bào chế, trong đó trên 10.000 người ở các viện dưỡng lão. Dự kiến tới cuối năm sẽ có khoảng 1,3 triệu liều vắcxin được chuyển giao cho các điểm tiêm chủng ở Đức.
Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, lượng vắcxin ở Đức sẽ tăng đáng kể trong vài tháng đầu năm 2021 khi năng lực sản xuất vắcxin của BioNtech được mở rộng, cộng với việc sẽ có thêm các loại vắcxin được phê chuẩn sử dụng.
Ông phản đối việc sử dụng biện pháp pháp lý để đẩy nhanh việc sản xuất vắcxin, như việc cấp giấy phép tái sản xuất vắcxin cho các công ty khác nhằm đáp ứng số lượng vắcxin cho tiêm chủng mở rộng ở Đức.
Bộ trưởng Spahn nhận định, với việc dây chuyền sản xuất vắcxin của BioNTech tại nhà máy Marburg bắt đầu hoạt được từ tháng 2/2021, lượng vắcxin sẽ tăng lên nhanh chóng và trong nửa đầu năm 2021 sẽ có 250 triệu liều được sản xuất ở nhà máy này.
BioNTech đặt mục tiêu sản xuất mỗi năm khoảng 750 triệu liều. Trong khi đó, việc sản xuất vắcxin đòi hỏi quy trình và công nghệ rất cao, phức tạp, do đó khó có thể thực hiện sản xuất vắcxin ngay cả khi được cấp phép sản xuất.
Theo kế hoạch trong năm 2021, Đức đã đảm bảo được tổng cộng 136,3 triệu liều vắcxin của BioNTech/Pfizer và công ty Moderna (của Mỹ). Với mỗi người cần tiêm 2 liều, số vắcxin trên sẽ được tiêm chủng cho khoảng 68,2 triệu người/83 triệu dân Đức.
[COVID-19: Hơn 186.000 người Nga tử vong, Nam Phi tái phong tỏa cả nước]
Liên quan biến thể của virus phát hiện ở Anh, giới chức Đức ngày 28/12 thông báo một mẫu bệnh phẩm lấy từ tháng 11/2020 của một bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 đã xác nhận sự xuất hiện của biến thể này.
Sau khi biến thể được phát hiện ở Anh, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có con gái trở về Đức từ Anh hồi giữa tháng 11 đã được kiểm tra kỹ hơn và sau đó đã phát hiện sự xuất hiện của biến thể mới.
Mới đây, bang Baden-Württemberg cũng đã thông báo một trường hợp nhiễm biến thể mới sau khi trở về từ Anh. Biến thể của virus được cho là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm bệnh ở miền Nam nước Anh.
Vắcxin mang lại niềm hy vọng cho Cộng hòa Séc
Cộng hòa Séc coi vắcxin ngừa COVID-19 mang lại tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế của quốc gia Trung Âu này, đồng thời là giải pháp duy nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 hiện nay.
Đài phát thanh quốc tế Prague ngày 28/12 dẫn thông báo của Bộ Tài chính Séc cho biết, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này trong nửa đầu năm 2021, song nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2021 ở mức 3,3% sau khi giảm 7,1% trong năm nay. Tỷ lệ lạm phát dự kiến giảm từ mức trên 3% năm nay xuống 2% vào năm tới. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giới chức Séc cho rằng vắcxin là giải pháp duy nhất để ứng phó với dịch bệnh. Bộ Y tế Séc mong muốn khoảng 70-80% dân số nước này sẽ được tiêm vắcxin và khẳng định chi phí tiêm vắcxin sẽ do bảo hiểm y tế công của Séc chi trả.
Ngày 27/12, sau khi Cộng hòa Séc tiếp nhận lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng Pfizer và BioNTech, Thủ tướng Andrej Babis cùng Bộ trưởng Y tế Jan Blatný là những người đầu tiên được tiêm vắcxin.
Thủ tướng Babis kêu gọi người dân hưởng ứng tiêm vắcxin, đồng thời nhấn mạnh vắcxin là cơ hội để Cộng hòa Séc quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi trải qua một năm tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của nước này.
Trong đợt tiêm vắcxin đầu tiên, đối tượng ưu tiên là các bác sỹ, y tá và những người cao tuổi. Chính phủ Séc đã đặt mua hơn 15 triệu liều vắcxin để phục vụ chương trình tiêm vắcxin đại trà dự kiến kéo dài tới hết mùa Hè năm 2021.
Theo thông báo của Bộ Y tế Séc, mức độ cảnh báo rủi ro của dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh vừa qua đã giảm từ cấp độ cao nhất xuống cấp độ 4 theo hệ thống cảnh báo mức độ rủi ro của dịch COVID-19 trên toàn quốc gồm năm cấp (PES). Trong đó, ngày 27/12 ghi nhận hơn 3.700 ca nhiễm mới. Tính đến nay, Séc ghi nhận hơn 674.800 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 11.100 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cho rằng số lượng ca nhiễm mới trong dịp lễ Giáng sinh không phản ánh đầy đủ diễn biến thực tế của dịch bệnh và tuần tới sẽ cho thấy bức tranh chính xác hơn.
Trước đó, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Séc đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 22/1/2021 và nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp cao nhất cùng với việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn có hiệu lực từ ngày 27/12 đến ngày 10/1/2021.
Các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và chỉ được phép tập trung tối đa hai người ở nơi công cộng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Hungary tiếp nhận vắcxin ngừa COVID-19 của Nga
Ngày 28/12, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã tiếp nhận 6.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 của Nga.
Tuy nhiên, chưa rõ Hungary quản lý việc sử dụng loại vắcxin này như thế nào vì theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), vắcxin Sputnik V của Nga phải được Cơ quan Y tế châu Âu cấp phép trước khi có thể được phân phối tại thị trường 27 quốc gia thành viên EU.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, lô vắcxin trên sẽ được chuyển tới Trung tâm Y tế quốc gia Hungary để quyết định về việc sử dụng.
Nga và Hungary hồi tháng trước đã đạt được thỏa thuận cho phép các bác sỹ và chuyên gia y tế của Hungary quan sát quá trình sản xuất và thử nghiệm vắcxin Sputnik.
Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Hungary sẽ cố gắng có được vắcxin ngừa COVID-19 sớm nhất có thể từ các nhà sản xuất của cả phương Tây và phương Đông.
Ngày 26/12, quốc gia Trung Âu này bắt đầu triển khai tiêm vắcxin của Hãng Pfizer-BioNTech cho nhân viên y tế của nước này, sớm hơn 1 ngày so với hầu hết các quốc gia thành viên EU khác./.