COVID-19: EU có thể không lập được hệ thống chứng nhận y tế chung

Theo Ủy viên Tư pháp EU, nếu không thể xây dựng một hệ thống chung mà tự đưa ra giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 của riêng mình, biện pháp này sẽ để lại vô số hậu quả nghiêm trọng.
COVID-19: EU có thể không lập được hệ thống chứng nhận y tế chung ảnh 1Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho dân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thể xây dựng một hệ thống chung mà tự đưa ra giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 của riêng mình, biện pháp này sẽ để lại vô số hậu quả nghiêm trọng.

Khuyến cáo trên được Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders đưa ra ngày 28/4 trong bối cảnh EU đang nỗ lực thúc đẩy triển khai chứng nhận y tế kỹ thuật số chung nhằm cho phép du khách đi lại tự do vào mùa Hè này.

Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận, giới chức các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đối với nhiều vấn đề, trong đó có chi phí, dữ liệu, các vấn đề quyền riêng tư, khía cạnh kỹ thuật và y tế của hệ thống mới.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Reynders cho biết nếu EU không thể xây dựng hệ thống chung, nhiều chứng nhận có thể không thể đọc và xác minh ở các quốc gia thành viên khác. Khi đó, nhiều chứng nhận giả có thể lan tràn, đi kèm với đó là virus SARS-CoV-2 lây lan và người dân mất niềm tin.

[Một số vấn đề trong việc triển khai "hộ chiếu vaccine" COVID-19]

Hiện các nước phía Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, như Tây Ban Nha và Italy, rất muốn ra mắt công cụ mới càng sớm càng tốt để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, các nước ở phía Bắc lại không sẵn lòng thực hiện điều này, trong khi các thủ tục của EU được cho là khá "rườm rà." Điều này đã khiến nhiều nước, trong đó có Estonia, Litva, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, đang đưa ra các giải pháp của riêng mình để xác nhận việc tiêm chủng.

Trong bối cảnh EU đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba dịch COVID-19, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng việc thảo luận về mở cửa đi lại tự do là quá sớm khi tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại "Lục địa Già" vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, giới chức EU cũng cần giải quyết vấn đề là liệu các xét nghiệm kháng thể có cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy một người mắc COVID-19 đã bình phục có khả năng miễn dịch.

Không chỉ vậy, nhiều nước EU, trong đó có Bỉ, còn đang quan ngại xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người chưa thể hoặc không tiêm phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục