COVID-19 khiến Ecuador điêu đứng, nhiều xác chết bị bỏ mặc trên phố

Virus đã khiến trung tâm thương mại của Ecuador điêu đứng, và khiến các nhà chức trách phải vật lộn để đối mặt với lượng người chết tăng cao.
Một bãi chôn cất ở Guayaquil, Ecuador, trung tâm bùng phát đại dịch dữ dội nhất tại châu Mỹ Latinh. (Nguồn: Getty Images)
Một bãi chôn cất ở Guayaquil, Ecuador, trung tâm bùng phát đại dịch dữ dội nhất tại châu Mỹ Latinh. (Nguồn: Getty Images)

Theo The New York Times, Guayaquil, thủ phủ kinh doanh của Ecuador, đã trở thành nơi bùng phát đại dịch COVID-19 dữ dội nhất tại châu Mỹ Latinh, dẫn đến việc các bệnh viện và hệ thống an táng tại đây bị quá tải, và do đó khiến nhiều xác chết bị bỏ mặc trên đường phố.

Giờ đây, khi các nhà chức trách đang vật lộn với quy mô của cuộc khủng hoảng, họ có lý do để tin rằng số lượng người tử vong do dịch bệnh tại các địa phương, bao gồm cả Guayaquil, lớn hơn nhiều lần so với con số được báo cáo chính thức là 421.

Nguyên do của sự chênh lệch này là vì chỉ những người có kết quả xét nghiệm dương tính - bất kể còn sống hay đã chết - được tính là nạn nhân của virus corona.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Cynthia Viteri, thị trưởng Guayaquil cho biết trong tháng Ba vừa rồi, thành phố cảng vốn nhộn nhịp với dân số khoảng 3 triệu người này đã có thêm 1.500 người tử vong - cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ tử vong tăng mạnh đã phần nào cho thấy mức độ tàn phá của virus, nhấn mạnh vào cạm bẫy của việc xét nghiệm hạn chế và gánh nặng nó đặt lên một hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phải làm việc quá sức, bà Viteri nhận định.

[Bi kịch ở Ecuador: Nghĩa trang quá tải, phải dùng quan tài bằng carton]

"COVID-19 không phải lý do duy nhất khiến người dân thiệt mạng," bà nói. "Người bị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim đang chết vì thiếu sự chăm sóc y tế, vì các bệnh viện đều chật kín những người trong tình trạng hiểm nghèo, bởi không còn chỗ nào cho phụ nữ sinh con mà không bị lây nhiễm."

Virus đã khiến trung tâm thương mại của Ecuador điêu đứng, và khiến các nhà chức trách phải vật lộn để đối mặt với lượng người chết tăng cao.

Trong vòng hai tuần vừa qua, đội phản ứng khẩn cấp của chính phủ đã tiếp nhận hoặc cho phép việc chôn cất gần 1,900 thi thể từ các bệnh viện và gia đình ở Guayaquil - một con số cao gấp 5 lần so với tỷ lệ tử vong bình thường được ghi nhận tại thành phố này.

COVID-19 khiến Ecuador điêu đứng, nhiều xác chết bị bỏ mặc trên phố ảnh 1Người thân của nạn nhân mắc COVID-19 khóc bên cạnh một chiếc quan tài ở Guayaquil. (Nguồn: Getty Images)

Để chống lại sự lây lan của virus, thành phố đang áp dụng một số biện pháp cách ly vào hàng nghiêm ngặt nhất tại châu Mỹ Latinh.

Hôm thứ Ba (14/4), các lực lượng an ninh đã bắt đầu khoanh vùng cách ly các điểm nóng dịch bệnh trong tối đa ba ngày, trong khi các nhân viên y tế đi đến từng nhà để tìm các ca bệnh tiềm tàng và các nhân viên vệ sinh khử trùng các khu vực công cộng.

Thị trưởng Viteri cho biết việc đi và đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu nằm ở vùng ngoại vi nghèo khó của thành phố, sẽ bị cắt đứt hoàn toàn. Chính quyền thành phố sẽ cung cấp thực phẩm cho người dân trong thời gian cách ly này.

Sự tuân thủ với các biện pháp phong tỏa ở Guayaquil đến nay vẫn còn chắp vá, vì nhiều người dân nghèo ở thành phố này vẫn tiếp tục ra ngoài làm việc hay kiếm thực phẩm.

"Tình hình không nghiêm trọng, mà là cực kỳ nghiêm trọng," bà Viteri nói. "Và chúng tôi còn chưa đạt tới đỉnh dịch ở Guayaquil."

Bà Viteri cho biết thành phố phải viện tới các biện pháp phong tỏa và kiểm tra từng hộ dân vì họ đang thiếu trầm trọng các bộ dụng cụ xét nghiệm và nhiều vật tư y tế khác.

Phải tới giữa tháng 5, lô bộ xét nghiệm mới nhất do thành phố đặt hàng hồi tháng trước mới tới nơi - quá muộn để tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào.

Việc virus corona lây lan tương đối muộn tới châu Mỹ Latinh đã khiến nơi đây trở thành khu vực bị xếp cuối cùng trong hàng dài phân phối vật tư y tế với số lượng hiện đang giảm sút do nhu cầu rất lớn từ các nước đang chiến đấu với bệnh dịch ở mức độ cao hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sẽ gửi thêm 1,5 triệu bộ xét nghiệm virus corona tiêu chuẩn cho các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong tuần tới.

"Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình, trong bối cảnh thị trường hiện nay đang rất phức tạp," để cung cấp cho các nước châu Mỹ Latinh các vật tư cần thiết - tiến sỹ Sylvain Aldighieri, giám đốc cơ quan phản ứng khẩn cấp của WHO tại khu vực châu Mỹ Latinh cho hay.

Nền kinh tế đang đi xuống cũng khiến phản ứng của Ecuador với virus corona trở thành một vấn đề phức tạp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo rằng đất nước này sẽ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất tại châu lục trong năm nay, sau Venezuela.

Triển vọng càng trở nên mờ mịt hơn vào hồi tuần trước, khi các trận lở bùn đã làm hỏng hai đường ống dẫn dầu chính của Ecuador, khiến hầu hết các hoạt động xuất khẩu dầu thô bị đình trệ trong nhiều tuần.

Sự đình trệ này đã làm Ecuador mất đi nguồn thu lớn nhất tại một thời điểm quan trọng và gây ô nhiễm nhiều con sông đang được sử dụng bởi các cộng đồng bản địa.

Đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, chính phủ đã tiết lộ một kế hoạch gây quỹ đầy tham vọng bao gồm việc áp dụng các mức thuế mới lên các cá nhân và công ty cũng như cắt giảm một nửa lương của các quan chức chính phủ.

Tuy nhiên, số tiền 800 triệu USD mà chính phủ hy vọng thu được từ kế hoạch này chỉ là một phần nhỏ so với 4,3 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ mà Ecuador dự kiến sẽ lỗ trong năm nay do giá dầu và doanh thu từ thuế giảm - chưa kể đến hàng tỷ USD thiệt hại mà các nhà kinh tế dự đoán các biện pháp cách ly để chiến đấu với đại dịch sẽ kéo theo.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục