COVID-19: Hồi chuông cảnh tỉnh các hệ thống bảo vệ xã hội

Một phân tích cho thấy các nước sở hữu hệ thống y tế, bảo vệ xã hội hữu hiệu đang được trang bị tốt hơn để bảo vệ người dân trước những mối đe dọa liên quan tới phương kế sinh nhai của họ do COVID-19.
COVID-19: Hồi chuông cảnh tỉnh các hệ thống bảo vệ xã hội ảnh 1Nhân viên tình nguyện phun dung dịch rửa tay khử trùng cho trẻ em nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Sanaa, Yemen, ngày 30/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Moderndiplomacy.eu đưa tin Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tuyên bố rằng các chính phủ, cùng với các đối tác xã hội và các bên liên quan khác cần coi cuộc khủng hoảng chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là một hồi chuông cảnh tỉnh để tăng cường các hệ thống bảo vệ xã hội.

Một phân tích cho thấy các nước sở hữu hệ thống y tế và bảo vệ xã hội hữu hiệu đang được trang bị tốt hơn để bảo vệ người dân trước những mối đe dọa liên quan tới phương kế sinh nhai của họ do COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, các nước thiếu hệ thống y tế và bảo vệ xã hội vững mạnh sẽ cần phát triển các chính sách và các biện pháp can thiệp không theo thể thức, theo đó có khả năng dẫn đến phản ứng bị hạn chế và chậm trễ.

[Bảo vệ người lao động trong cuộc khủng hoảng vì COVID-19]

Shahra Razavi, người phụ trách Ban Bảo vệ Xã hội thuộc ILO, nói: "Dịch bệnh này đã phơi bày những khoảng trống nghiêm trọng trong các hệ thống bảo vệ xã hội trên khắp thế giới, đặc biệt đối với một số nhóm công nhân, như những công nhân làm việc bán thời gian, công nhân tạm thời và công nhân làm tư, nhiều người trong số họ thuộc nền kinh tế phi chính thức. Bảo vệ xã hội phải được coi là sự đầu tư chứ không phải chi phí bổ sung. Bảo vệ xã hội đóng vai trò quan trọng như một bước đệm xã hội và yếu tổ bình ổn kinh tế."

Báo cáo cho biết ngoài việc gây ra tổn thất tính mạng bi thảm, dịch bệnh này nhiều khả năng còn làm gia tăng tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng, cùng với những tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với người già, người tàn tật và mắc bệnh mãn tính, các công nhân di cư và những người bị buộc phải di tản.

Hiện nhiều nước đã thực thi các biện pháp chính sách bảo vệ xã hội quốc gia trước cuộc khủng hoảng COVID-19 này, trong đó tập trung giải quyết một loạt lĩnh vực.

Các nước đã tăng mức tiền trợ cấp từ hệ thống thuế chung cho các công nhân không được hưởng các quyền lợi khác; tận dụng các kế hoạch bảo vệ thất nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp giữ lại các công nhân thông qua các kế hoạch làm việc ngắn hạn, cấp trợ cấp thất nghiệp cho các công nhân mất việc làm, trong đó gồm những người không đủ tư cách để nhận bảo hiểm thất nghiệp và cấp hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình.

Các nước khác trợ cấp dưới hình thức sản phẩm hoặc dịch vụ như các mặt hàng lương thực hay các bữa ăn hoặc chuyển khoản tiền mặt để đảm bảo có được lương thực.

Từ ngày 1-17/4 vừa qua, 108 nước và vùng lãnh thổ đã thông báo ít nhất  548 biện pháp bảo vệ xã hội nhằm giảm bớt tác động gây tổn hại từ thất nghiệp và sinh kế.

Khoảng 1/5 (19,3 %) liên quan đến tiền trợ cấp xã hội đặc biệt, tiếp theo là các biện pháp liên quan đến bảo vệ thất nghiệp (15,7%), y tế (9,5 %) và phân phát lương thực (9,1 %).

Hơn 2/3 nước tại châu Âu và Trung Á thực thi các biện pháp bảo vệ xã hội ứng phó với dịch bệnh, trong khi hơn một nửa nước tại châu Mỹ và gần một nửa các nước tại châu Á cũng triển khai các biện pháp này.

Còn tại châu Phi, hơn 1/3 nước đã áp dụng các biện pháp bảo vệ xã hội và khoảng 1/3 các nước Arab cũng thực thi điều tương tự.

Báo cáo trên chỉ ra rằng hệ thống y tế và xã hội thiếu hụt không chỉ khiến các nước đó mà cả cộng đồng quốc tế quan ngại.

Trong những trường hợp đó, các nước cần đề nghị sự hỗ trợ quốc tế khẩn cấp để họ có thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực của các hệ thống y tế và xã hội, bao gồm đảm bảo tiếp cận y tế và hỗ trợ thu nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục