COVID-19 làm thay đổi thị hiếu đầu tư tại Trung Quốc

Khu vực kinh tế từng là chủ chốt như tài chính, công nghiệp, bất động sản và năng lượng của Trung Quốc đã phải “nhường sân chơi” cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 10/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 10/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau hơn 12 năm thống lĩnh các thị trường chứng khoán nội địa, tháng 6/2020, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã để tuột “chiếc vương miện” danh giá vào tay đại gia chuyên sản xuất và bán rượu Kweichow Moutai.

Đây là một trong những ví dụ về sự thay đổi làm rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi đại dịch COVID-19 tạo ra sự khác biệt trong thị hiếu đầu tư.

Sáu tháng đầu năm 2020, khu vực kinh tế từng là chủ chốt như tài chính, công nghiệp, bất động sản và năng lượng của Trung Quốc đã phải “nhường sân chơi” cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Khi cả thế giới phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, những lĩnh vực này đã thu hút tiêu dùng và các nhà đầu tư hơn cả.

Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi là phù hợp với xu hướng toàn cầu, bất chấp nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần bình thường trở lại.

Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược tài sản châu Á tại tổ chức tài chính Societe Generale, nhận định: “Đây là một trong những thời khắc quan trọng, mà ở đó cơ cấu các ngành nghề chủ đạo đang thay đổi cùng với nền kinh tế," và trong khi lĩnh vực tiêu dùng đang được chú ý hơn cả thì các kênh đầu tư tài chính lại bị nguội lạnh.

Đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng này tăng tốc. ICBC và các đối thủ đã trở thành những công ty có giá trị nhất Trung Quốc từ khoảng năm 2007, khi nước này rời bỏ mô hình phát triển thâm dụng hàng hóa từng đưa PetroChina trở thành tập đoàn nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2020 lại gọi tên Kweichow Moutai, nhà sản xuất thức uống yêu thích của Chủ tịch Mao Trạch Đông, hay đối thủ của Kweichow Moutai là Wuliangye Yibin, với mức tăng 25%.

Trong khi đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Jiangsu Hengrui Medicine và công ty chuyên sản xuất nước sốt, hương liệu Haiti Flavoring & Food Co. Ltd cũng chứng kiến mức tăng lần lượt là 26% và 39%.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 tăng 1,6% trong nửa đầu năm 2020. Trong khi đó, các công ty Internet đã có một khởi đầu mạnh mẽ.

Giá cổ phiếu Tencent đã tăng 30%, trong khi chỉ số này của nhà phát triển trò chơi NetEase cũng tiến 41%.

Giá cổ phiếu của các nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo và JD.com, được liệt kê trên Nasdaq, đã tăng lần lượt 131% và 69%, trong khi giá cổ phiếu của Alibaba chỉ tăng 1,4%.

Ở chiều ngược lại, lĩnh vực tài chính đã bị “vùi dập” vì những lo ngại về các khoản vay dưới chuẩn.

Quyết định của Bắc Kinh nhằm hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy nền kinh tế đã quét sạch 1.500 tỷ nhân dân tệ trên thị trường tài chính.

[Trung Quốc dự định nới lỏng quy định đối với đầu tư nước ngoài]

Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là ICBC, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng lùi từ 6% đến 11%.

Giữa bối cảnh đó, lĩnh vực tiêu dùng được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực kinh tế quan trọng.

Nhà quản lý danh mục đầu tư thuộc công ty quản lý đầu tư toàn cầu T Rowe Price tại Hong Kong Eric Moffet cho biết: "Lĩnh vực tiêu dùng đã tăng trưởng ổn định từ 8% đến 9%, trong khi nền kinh tế đang giảm tốc và tất cả các chính sách đều hỗ trợ tăng trưởng liên tục."

COVID-19 làm thay đổi thị hiếu đầu tư tại Trung Quốc ảnh 1Nông dân làm việc tại một nhà kính trồng nấm ở thành phố Định Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 16/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, dù tiêu dùng được cho là sẽ trở thành một mảnh ghép ngày càng quan trọng của tăng trưởng, lĩnh vực này vẫn chưa thể ngang tầm Mỹ với tư cách là động lực chính của nền kinh tế và vì vậy nền tảng hạ tầng cùng lĩnh vực bất động sản vẫn đóng một vai trò quan trọng.

Ngoài ra, trở ngại về niềm tin tiêu dùng mong manh song hành cùng xu hướng định giá ngày càng tăng của các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng thiết yếu cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức.

Thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc đã giảm 3,9% xuống còn 8.561 nhân dân tệ/người (1.209 USD/người) trong quý đầu tiên của năm 2020, ghi dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2013, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ sụt giảm.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của nhà sản xuất các mặt hàng chủ lực và công nghệ lại được giao dịch ở mức cao gấp 29 lần so với mức giá trung bình của 12 tháng liên tiếp gần nhất.

Chuyên gia Benzimra nói: "Trong khi triển vọng thu nhập của các nhóm cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng là tích cực, bất kỳ sự thất vọng nào cũng có thể dẫn đến hiện tượng bán tháo," bởi giới đầu tư kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung vào việc tạo việc làm và bảo đảm thu nhập cho người dân, để từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tếvà tạo ra lực đẩy trên thị trường chứng khoán.

Giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị ở ngưỡng dưới 5,5%.

Trong bối cảnh đó, sự chuyển hướng của Trung Quốc sang mô hình tăng trưởng lấy công nghệ làm lực đẩy, cùng xu hướng thu nhập gia tăng của người tiêu dùng trong nước, là những yếu tố làm nên vai trò của nhóm cổ phiếu phi tài chính trong bộ chỉ số CSI 300 được niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến.

Theo chuyên gia Chaoping Zhu đến từ công ty quản lý tài sản JP Morgan Asset Management, sau bốn thập kỷ tăng trưởng tốc độ cao, Trung Quốc hiện có quy mô kinh tế lớn, có thể hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nước.

Trong bối cảnh đó, các lĩnh vực công nghệ như điện tử, công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng đối với cả nền kinh tế lẫn thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, xu hướng thu nhập tăng cũng tạo ra nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe.

Chuyên gia Zhu nhận định, vào thời điểm đại dịch COVID-19 được ngăn chặn hoàn toàn, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính tiêu dùng và công nghệ sẽ là chủ đề đầu tư dài hạn của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục