Cử tri đánh giá cao trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát

Nhiều cử tri tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chiều 19/11.

Theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội chiều 19/11, nông dân Nguyễn Văn Mát, 63 tuổi ở ấp Bình Phú, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang rất tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về mô hình cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh An Giang - điều kiện để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay.

Từ thực tế ở An Giang, ông Nguyễn Văn Mát cho biết liên kết sản xuất với Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang là liên kết sản xuất ăn chắc, vì công ty xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu gạo gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu, cung ứng trước giống lúa tiêu chuẩn, vật tư phân bón, bảo vệ thực vật, hướng dẫn chăm sóc lúa trong quá trình sản xuất bởi đội ngũ kỹ sư "3 cùng" với nông dân.

Công ty cũng lo khâu tiêu thụ sản phẩm (đầu ra cho hạt lúa) nên nông dân rất yên tâm. Tuy nhiên, nông dân Nguyễn Văn Mát băn khoăn là hiện nay mô hình cánh đồng mẫu lớn do Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang tổ chức mới chỉ liên kết với nông dân ở hai địa phương có xây dựng nhà máy là xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) và xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), với diện tích khoảng hơn 13.000ha, còn ở xã Bình Hòa thì nông dân dù muốn liên kết để sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng không được.

Ông kiến nghị nếu có thể mở rộng hoạt động và hình thức liên kết mà người nông dân được hưởng lợi, không phải lo về đầu vào và đầu ra cho cây lúa thì ngành nông nghiệp nên triển khai rộng ra các địa phương khác.

Ông Nguyễn Hữu Tài, 55 tuổi, ở khóm Đông Thành, phường Đông Xuyên, Thành phố Long Xuyên (An Giang) hoan nghênh phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong ngành nông nghiệp, để thực hiện quản lý các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, nhất là về chất lượng sản phẩm, giá cả; cần thiết phải ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu tiêu thụ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, kết hợp với xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân làm và buôn bán hàng giả để lừa nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Tài cho rằng cần xem đây là hành động phá hoại sản xuất chứ không chỉ là vì mục đích kinh tế, lợi nhuận.

Chiều 19/11, đông đảo cử tri tỉnh Sơn La đã theo dõi phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và việc tồn tại hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Đa số cử tri đều cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm, giải quyết được cơ bản những vướng mắc của người dân.

Là người thường xuyên theo dõi các phiên chất vấn của Quốc hội, cử tri Lèo Văn Toan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hua La cho rằng đổi mới nhất của phiên chất vấn lần này là Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo đi lệch trọng tâm như những kỳ họp lần trước.

Ông Toan rất đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng trước ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa Vũng Tàu về việc trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thu mua, tạm trữ lúa gạo của người dân không đạt hiệu quả cao và vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người nông dân.

Cử tri Nguyễn Văn Hùng, giáo viên trường Trung học cơ sở Hua La thì để xuất cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý, loại bỏ được vấn đề phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng dẫn đến thiệt thòi cho người nông dân. Cử tri cũng nêu ý kiến đề nghị các ngành các cấp cần có những chính sách ưu đãi đặc thù, cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người nông dân miền núi.

Cử tri Phạm Văn Tiến (nông dân xóm 2, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định) cho rằng câu hỏi chất vấn của các đại biểu rất sát với thực tế, đã tập trung tháo gỡ được những vướng mắc trong sản xuất cũng như đời sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát rất thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, mạnh dạn nhận trách nhiệm cá nhân và của ngành, đồng thời đưa ra một số giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực khó, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể hơn.

Cử tri Phạm Văn Tiến cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần đầu tư chọn tạo những giống cây trồng có chất lượng nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường; xây dựng cơ chế thuê đất giữa các hộ để giải quyết bài toán nông dân bỏ ruộng, thực hiện chủ trường xây dựng cánh đồng mẫu lớn và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Tiến, Nhà nước cũng cần nghiên cứu xem xét và ban hành chế độ để cán bộ kỹ thuật ở địa phương (cấp xã) được tham gia đóng bảo hiểm như giáo viên mầm non.

Cử tri Hoàng Thị Nhẫn, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hiệp hội tám xoan Hải Hậu nhận xét nội dung chất vấn của các đại biểu phản ánh tương đối đầy đủ những vấn đề "nóng" mà người nông dân hết sức quan tâm, như làm sao để đời sống người nông dân được cải thiện, tiêu thụ nông sản, tạm trữ lúa gạo, quản lý lĩnh vực vật tư nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cơ chế chính sách hỗ trợ đối với ngư dân...

Theo bà Hoàng Thị Nhẫn, phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát là khá đầy đủ. Bà Nhẫn kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ hơn nữa để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân kịp thời và thỏa đáng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước tăng hỗ trợ cho các xã vì hiện nay nông dân đời sống còn khó khăn nhưng vẫn phải đóng góp nhiều để xây dựng hạ tầng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...

Cử tri Vũ Thị Quý, nông dân thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, Nam Định cho biết hiện nay nghề trồng trọt và chăn nuôi của người nông dân rất bấp bênh. Bà con không thể sống được bằng nghề nông vì lãi không được bao nhiêu trong khi chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất cao, chưa kể thiên tai, dịch bệnh.

Bà Quý kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tốt, giúp người nông dân được mua vật tư nông nghiệp với giá hợp lý, nhất là không bị mua phải đồ giả; thóc lúa, lợn gà làm ra có chỗ tiêu thụ, bán có lãi..../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục