Cục Trẻ em: Cần mở rộng giáo dục kiến thức quyền trẻ em cho giáo viên

Việc học sinh đi học sớm bị giáo viên chủ nhiệm chụp ảnh phê bình và phải đứng đợi ngoài cổng trường trong trời nắng nóng đã vi phạm hai nguyên tắc về quyền trẻ em.
Cục Trẻ em: Cần mở rộng giáo dục kiến thức quyền trẻ em cho giáo viên ảnh 1Các em học sinh đọc sách tìm hiểu về quyền trẻ em. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Vụ việc một giáo viên trường Tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) phê bình học sinh lớp 1 vì đến trường sớm, khiến học sinh này sợ và hôm sau đến sớm phải đứng ngoài cổng trường giữa trưa nắng hôm 21/5 đang khiến dư luận xã hội có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt.

Trao đổi với phóng viên ngày 22/5, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng mặc dù sự việc chưa gây hậu quả lớn nhưng cũng gây bức xúc, phản cảm trong xã hội và đã được thành phố Hải Phòng xử lý kịp thời ngay trong ngày 21/5.

Theo ông Đặng Hoa Nam, việc học sinh đi học sớm bị giáo viên chủ nhiệm chụp ảnh phê bình trong nhóm và phải đứng đợi ngoài cổng trường trong trời nắng là vi phạm hai nguyên tắc về quyền trẻ em là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ và tôn trọng trẻ em. Việc bắt học sinh đứng ngoài nắng, chụp ảnh các em đưa lên nhóm chung phê bình với các phụ huynh là hành vi phạm nhân phẩm của các em.

“Nguyên tắc xuyên suốt của quyền trẻ em là tạo điều kiện lợi ích tốt nhất cho trẻ. Học sinh đi học sớm thì phải được cho vào lớp, vào trường, lấy nước uống cho các em. Học sinh đi học muộn bị kỷ luật, nhưng đi học sớm lại cũng bị phê bình như vậy là không đúng. Những người tiếp xúc làm việc trực tiếp với trẻ em như giáo viên phải là người hiểu về quyền trẻ em hơn ai hết,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Hiện nay, trong các trường sư phạm đã có môn tâm lý giáo dục nhưng điều này vẫn chưa đủ, cần phải đưa quyền trẻ em như là một môn học chính thức để giảng dạy. Chúng tôi cũng đang nghĩ cách phối hợp với Bộ Giáo dục và Đạo tạo mở rộng giáo dục kiến thức, kỹ năng quyền trẻ em cho giáo viên để cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em trong trường học.”

[Hải Phòng yêu cầu trường sắp xếp chỗ chờ an toàn cho học sinh đến sớm]

"Vấn đề là các thầy cô cần phải hiểu kiến thức về quyền trẻ em để từ đó có kỹ năng, hành động đúng với trẻ em," ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Hoa Nam, vụ việc xảy ra ở Hải Phòng đã cho thấy xã hội quan tâm và lên án kịp thời những hành vi vi phạm quyền trẻ em, các địa phương cũng xử lý vụ việc rất nhanh. Tuy nhiên, về lâu dài, giáo viên đã đứng trên bục giảng thì phải hiểu về quyền của trẻ em, trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục Đào Tạo.

Hiện nay, Quốc hội đang thực hiện giám sát về vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Quốc hội và Chính phủ đều thống nhất việc cần phải đưa kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em, trong đó chú ý tới vấn đề kỷ luật tích cực vào giảng dạy trong các trường sư phạm./.

Chiều ngày 21/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) liên quan đến việc một giáo viên phê bình học sinh lớp 1 khiến học sinh này sợ và hôm sau phải đứng ngoài cổng trường giữa trưa nắng khi đến trường sớm.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngô Quyền cùng Ban giám hiệu Trường Tiểu học Quang Trung tổ chức rút kinh nghiệm chung toàn trường về nghiệp vụ với giáo viên.

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng yêu cầu ngành giáo dục xem xét các phương án liên quan đến học bán trú, bố trí địa điểm phù hợp để những học sinh đến trường sớm vào đầu giờ có nơi ngồi chờ an toàn, thoáng đãng trước giờ vào lớp.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục