Hiện cuộc biểu tình tại thủ đô Ottawa của Canada đã hơn 10 ngày với những người biểu tình yêu cầu chấm dứt các hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 và từ chối rời Ottawa cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng.
Thủ đô Ottawa của Canada đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào chiều 6/2 (giờ địa phương) để đối phó với cuộc biểu tình vốn ngay từ đầu đã được cảnh sát nhận định là "đáng chú ý, dễ thay đổi và đầy rủi ro."
Ngày càng nhiều chính trị gia lên án cuộc biểu tình này. Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford gọi đó là một "cuộc chiếm đóng," trong khi người đứng đầu Ban Dịch vụ Cảnh sát Ottawa nhận định đây là một "cuộc nổi dậy".
Dù lựa chọn từ ngữ nào thì trung tâm thành phố Ottawa vẫn tiếp tục là địa điểm của một cuộc biểu tình lớn. Xe tải tiếp tục chạy trên đường phố và làm tắc nghẽn các giao lộ. Các cư dân của thủ đô nói rằng họ cảm thấy không an toàn và giống như họ đã bị bắt làm con tin trong thành phố của mình.
"Đây là một tình huống chưa từng có tiền lệ và một tập hợp hoàn cảnh mới," cảnh sát trưởng Ottawa Peter Sloly nhận định khi công bố chiến lược "tăng cường và kiềm chế."
Cảnh sát Ottawa quyết định mở rộng "gia cố" vòng ngoài của cuộc biểu tình, đó là khu vực trước Quốc hội. Cảnh sát sử dụng rào chắn bê tông và rào chắn bằng thiết bị hạng nặng để chặn lối vào các con đường ở trung tâm thành phố. Các cầu liên tỉnh, đường cao tốc cũng sẽ bị đóng trong trường hợp cần thiết.
Kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu, cảnh sát Ottawa đã nhận được hơn 650 cuộc gọi, dẫn đến 97 cuộc điều tra tội phạm. Cuối tuần qua, một số nhà tổ chức biểu tình cho biết họ sẵn sàng nhượng bộ về mức độ ồn ào.
[Canada: Thủ đô Ottawa ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó biểu tình]
Keith Wilson, một luật sư đại diện cho các nhà tổ chức, cho biết đoàn xe có thể sẵn sàng ngừng thổi còi từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng. Vào sáng 6/2 (giờ địa phương), nhóm Freedom Convoy, đơn vị tổ chức cuộc biểu tình, đã ra tuyên bố nói rằng những người biểu tình sẽ hạn chế bấm còi cho đến 13 giờ chiều "như một cử chỉ thiện chí"."
Ông Sloly mô tả cuộc biểu tình là một phong trào được tài trợ tốt, được tổ chức tốt, bao gồm nhiều "bộ chỉ huy" - ở thủ đô Ottawa, trên khắp đất nước Canada và thậm chí ở nước ngoài. Cuộc biểu tình cuối cùng đã buộc lực lượng cảnh sát Ottawa phải điều chỉnh chiến lược ứng phó.
Ông Sloly nói: “Chúng tôi đang học các bài học hằng ngày theo đúng nghĩa đen." Một trong những bài học đó là cuộc biểu tình này quá lớn và đáng sợ, cảnh sát thậm chí không tin rằng nó có thể được kiểm soát nếu họ phá vỡ nó.
Cho đến nay, những người tổ chức cuộc biểu tình không đạt được bất kỳ mục tiêu nào của họ. Thủ tướng Justin Trudeau đã nói rõ rằng sẽ không có thay đổi nào đối với các yêu cầu về tiêm chủng do liên bang quy định và ông sẽ không đàm phán với những người biểu tình.
Theo ông Trudeau, việc những người biểu tình quấy rối những người đeo khẩu trang, mang theo những biểu tượng mang tính căm thù về tội ác diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là "hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Những người tổ chức cuộc biểu tình vẫn giữ ý định ở lại thành phố cho đến khi chính phủ liên bang dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, mặc dù hầu hết các biện pháp đó đã được các tỉnh đưa ra.
B.J. Dichter, một trong những nhà tổ chức đứng sau trang GoFundMe, đã huy động được hơn 8 triệu CAD để hỗ trợ đoàn xe tải biểu tình. Dichter cho biết mục tiêu là tạo ra "cơn ác mộng hậu cần" cho chính phủ và buộc chính phủ phải bãi bỏ các quy định về vaccine.
Bà Kathleen Rodgers, Phó giáo sư tại Đại học Fraser Valley ở British Columbia cho rằng các nhóm biểu tình đã thất bại trong việc trình bày một thông điệp mạch lạc cho công chúng.
Trong khi đó, Michael Kempa - Giáo sư tội phạm học của Đại học Ottawa - nhận định cuộc biểu tình này là một dấu hiệu của những điều sắp xảy ra. Theo ông, đây là một chiến lược để tập hợp một phong trào chính trị phối hợp và hỗ trợ các ứng cử viên trong dài hạn.
Cuộc biểu tình ban đầu tập trung phản đối quy định của chính phủ liên bang yêu cầu những người lái xe tải xuyên biên giới bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng sau đó cuộc biểu tình đã mở rộng thành một phong trào lớn hơn nhằm chống lại các biện pháp y tế công cộng vốn được áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Các cuộc biểu tình ở Canada đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính trị gia Mỹ, trong đó có cả cựu Tổng thống Donald Trump. Cảnh sát Ottawa cũng thông báo đã biết về việc Mỹ tài trợ cho các cuộc biểu tình.
Bruce Heyman, cựu Đại sứ Mỹ tại Canada, nói với CBC News hôm 6/2: “Đây không phải là nơi để người Mỹ tham gia vào những hoạt động kiểu này."
Thủ tướng Trudeau - hiện đang trong thời gian cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tuần trước- đã loại trừ phương án sử dụng quân đội để giải tán cuộc biểu tình.
"Cần phải rất, rất thận trọng trước khi triển khai quân đội trong các tình huống có sự tham gia của người dân Canada," ông Trudeau nhấn mạnh.
Thủ tướng nói rằng đoàn xe biểu tình đại diện cho một "nhóm thiểu số nhỏ" và chính phủ sẽ không bị đe dọa. Khoảng 90% các lái xe tải xuyên biên giới của Canada và gần 79% dân số nước này đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19./.