Theo mạng tin thehill, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang đặt ra nhiều thách thức đối với các hệ thống y tế và nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đang nổi lên trở thành chiến địa quan trọng trong "cuộc đấu nhằm đổ lỗi cho nhau trên toàn cầu."
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đổ lỗi cho WHO vì không ban hành những quy định nhằm yêu cầu các quốc gia phải báo cáo về tình hình dịch bệnh, cho dù trên thực tế WHO không hề có năng lực thúc ép các quốc gia thực thi theo quy định mà tổ chức này đặt ra.
Trong khi đó, sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ sẽ ngừng tài trợ cho WHO, và trong bối cảnh Mỹ và Australia cùng kêu gọi WHO thực hiện một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), thì chính phủ Trung Quốc lại tăng phần đóng góp của nước này cho WHO lên 20 triệu USD.
[Mỹ không tham gia sáng kiến chống dịch COVID-19 toàn cầu của WHO]
Chúng ta có thể cho rằng COVID-19 giống như một thử nghiệm tim gắng sức (stress test) - một thử nghiệm mà bác sỹ sử dụng để đánh giá mức độ hoạt động của tim khi cơ thể vận động gắng sức, từ đó cho thấy những điểm yếu và bất thường trong quá trình này.
Vậy nếu coi dịch COVID-19 như một "stress test" đối với WHO thì nó cho ta thấy điểm yếu gì của tổ chức này?
Để hiểu được các điểm yếu của WHO trong việc đối phó với dịch COVID-19, đầu tiên, chúng ta cần hiểu được tổ chức này cần giữ vai trò gì.
Được thành lập vào năm 1948, WHO được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi tinh thần hợp tác quốc tế đang lên cao.
WHO có mục tiêu cao quý là "giúp tất cả nhân loại được mạnh khỏe ở mức độ cao nhất có thể," với sứ mệnh là "hành động như một cơ quan chỉ đạo và điều phối về các công tác liên quan tới y tế quốc tế."
WHO đóng vai trò quan trọng trong các sáng kiến y tế căn bản như thúc đẩy chăm sóc y tế toàn cầu, và các sáng kiến về những vấn đề cụ thể như kiểm soát thuốc lá, tiếp cận vắcxin, và triệt xóa thành công bệnh đậu mùa.
Vì lẽ đó, WHO giống như "trái tim" trong công tác y tế toàn cầu. Tổ chức này được cho là sẽ chịu trách nhiệm điều tiết các chính sách, sáng kiến và các nguồn lực y tế, thúc đẩy đại diện của các quốc gia và những bên liên quan có quyền lợi trực tiếp tham gia vào các sáng kiến, và đồng thời đóng vai trò điều phối.
Vô số các hoạt động của WHO phụ thuộc vào sự chuẩn thuận và tích cực hợp tác của các nước thành viên. Trên thực tế, WHO vừa là cơ quan mang tính chuyên môn về y tế, vừa là một tổ chức chính trị, nơi đại diện của các quốc gia tranh luận về cách tiếp cận đối với các vấn đề y tế.
Hiện nay, một số người cảm thấy thách thức chủ chốt đối với WHO là nguồn ngân sách không tương xứng.
Ngân sách cho 2 năm hoạt động 2020-2021 của tổ chức này chỉ là 5,8 tỷ USD, thấp hơn cả ngân sách hoạt động của một số bệnh viện ở Mỹ.
Ngân sách của WHO chắc chắn sẽ cần phải tăng lên để có thể hoạt động hiệu quả, tiếp tục chức năng giám sát các bệnh dịch truyền nhiễm đang nổi lên, cùng với đó là triển khai các sáng kiến quan trọng khác như củng cố hệ thống y tế, ngăn chặn cũng như đối phó với những dịch bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm.
Tuy nhiên, vấn đề ngân sách không tương xứng của WHO cũng là vấn đề tương tự đối với nhiều cơ quan quốc tế khác. Đây rõ ràng là một vấn đề, nhưng ngân sách không phải là nguyên nhân chính khiến WHO gặp khó khăn.
Do các khoản đóng góp tự nguyện cả các nước thành viên chiếm tới 80% ngân sách, nên WHO phải phụ thuộc vào sự hào phóng của các quốc gia thành viên để có ngân sách hoạt động.
Trong lĩnh vực y tế, WHO không thể hoạt động giống như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - sử dụng trừng phạt và đình chỉ làm các công cụ gây sức ép.
Tuy nhiên, hiện có nhiều lời kêu gọi gây tranh cãi về việc trao cho WHO quyền cử các nhà điều tra đi điều tra về dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát.
WHO phải thực thi tất cả những chức năng về kỹ thuật và điều phối của mình, trong khi đồng thời phải tìm cách lấy lòng các nước, tự biện hộ cho mình và gây sức ép để các nước thành viên tham gia một cách có ý nghĩa.
Làm sao chúng ta có thể trông đợi WHO tiếp tục ve vãn quốc gia đóng góp ngân sách cho mình, trong khi thực thi vai trò giám sát đang rất cần thiết của họ? Không có gì đáng ngạc nhiên: WHO hiện đang bị căng thẳng.
COVID-19, nếu được coi là một cuộc thử nghiệm gắng sức, đã cho thấy cấu trúc của WHO - vừa là một tổ chức chuyên môn, vừa là tổ chức chính trị - thực sự là nguyên nhân chính khiến tổ chức này rơi vào tình trạng căng thẳng.
Và không giống với thời hậu Chiến tranh thế giới thứ 2, khi hợp tác quốc tế lên cao, quan điểm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập hiện nay đang lan rộng ở cả giới chính trị và trong dân chúng, và những quan điểm này thường chỉ trích các cơ quan hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, những người chỉ trích WHO "làm hỏng chuyện" thực sự đã phớt lờ việc các quốc gia thành viên - trong đó gồm cả Mỹ - đã không làm tròn phận sự trong giao kèo này. Một thực thể quan trọng như WHO không cần phải tham gia vào chính trị khi muốn cứu sinh mạng con người.
COVID-19, nếu được coi là một cuộc thử nghiệm gắng sức, đã cho chúng ta thấy tại sao các quốc gia cần duy trì cam kết của họ đối với các tổ chức quốc tế như WHO vì lợi ích chung.
Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập không thể tồn tại. COVID-19 đã cho thấy cách tư duy này thiếu thận trọng như thế nào. Virus không phân biệt được biên giới.
Chúng ta không thể duy trì dòng chảy thương mại quốc tế và cho rằng chúng ta sẽ miễn nhiễm với đại dịch tiếp theo.
Vấn đề ở đây là liệu đại dịch tiếp theo có xảy ra ở đất nước của bạn hay không; trong một thế giới kết nối ngày nay, vấn đề này chỉ đơn thuần là thời điểm, đặc biệt khi chúng ta không phòng bị./.