Cuộc chiến chống COVID-19 sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Câu hỏi đặt ra là liệu tháng 3/2020 có được ghi nhớ như Đại Suy thoái 1929 hay sự kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1945, những sự kiện đã thúc đẩy những thay đổi căn bản trên thế giới?
Cuộc chiến chống COVID-19 sẽ thay đổi thế giới như thế nào? ảnh 1Một cửa hàng phải đóng cửa do lệnh phong tỏa nhằm chống dịch COVID-19 tại Manhattan, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo tạp chí Spectator của Anh, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, khủng hoảng nhu cầu, khủng hoảng thị trường lao động và khủng hoảng giá dầu.

Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và thêm nhiều cú sốc nữa có thể xảy ra trên các thị trường trái phiếu và tiền tệ. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu hay tồi tệ đến mức nào, không ai có thể đoán trước.

Chúng ta đang ở giữa một đại dịch nhưng đây chưa phải là một cuộc chiến tranh. Câu hỏi đặt ra là liệu tháng 3/2020 có được ghi nhớ như Đại Suy thoái 1929 hay sự kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1945, những sự kiện đã thúc đẩy những thay đổi căn bản trong cách thức tổ chức các nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới?

Cuộc Đại Suy thoái đã dẫn đến Chính sách mới (New Deal - một tập hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Mỹ thoát ra khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế 1929-1933) của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin Roosevelt và thời đại của Chính phủ lớn ở Mỹ.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Thủ tướng Anh khi đó là Clement Attlee đã thành lập Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong khi Công đảng quốc hữu hóa nhiều thành phần của nền kinh tế.

[IMF: Kinh tế toàn cầu đối diện nguy cơ tăng trưởng âm do COVID-19]

Những thay đổi này tồn tại cho đến khi các nhà lãnh đạo thời kỳ sau như Margaret Thatcher và Ronald Reagan đấu tranh tự do hóa và bãi bỏ quy định, từ đó gây dựng nền tảng cho toàn cầu hóa, dòng chảy tự do của hàng hóa, vốn và dịch vụ xuyên biên giới.

Toàn cầu hóa giúp Trung Quốc và Ấn Độ hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đưa hơn 1 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Tự do về thương mại và đi lại có nghĩa là người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận hàng hoá công nghệ cao với giá thấp nhập khẩu từ Trung Quốc, và một kỳ nghỉ ở bãi biển ở Alicante (Tây Ban Nha) chứ không phải là một địa điểm quen thuộc trong nước.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi thứ đã thay đổi. Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ về cơ bản đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về vấn đề an ninh, virus SARS-CoV-2 cũng sẽ củng cố xu hướng kiểm soát và giám sát thông qua quản lý nhà nước.

Kiểm tra sức khỏe tại sân bay có thể trở thành thủ tục thông thường. Các đường biên giới vẫn sẽ đóng đặc biệt là nếu xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ hai hoặc thứ ba.

Các công ty sẽ không từ bỏ chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thời đại "rẻ nhất là lựa chọn hàng đầu" đã kết thúc.

Trong bối cảnh khủng hoảng, chúng ta đã chứng kiến sự tự chủ quốc gia lấn át lợi ích chung. Khi Italy yêu cầu nguồn cung y tế khẩn cấp, không có quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nào trả lời.

Đức ban đầu cấm xuất khẩu sản phẩm khẩu trang y tế và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác. Pháp trưng dụng tất cả hoạt động sản xuất khẩu trang. Ủy ban châu Âu (EC) buộc phải đưa ra hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế.

Điều này khôi phục sự đoàn kết của EU song ảnh hưởng trực tiếp đến các nước nghèo phụ thuộc vào nhà cung cấp EU và dẫn đến nguy cơ các nước áp đặt hạn chế thương mại theo kiểu "ăn miếng, trả miếng."

Giờ đây, nhóm 9 quốc gia, bao gồm Pháp, Tây Ban Nha và Italy, đang thúc đẩy "trái phiếu Corona" (corona bond) để hỗ trợ các nền kinh tế bị tổn thương, bên cạnh các biện pháp thanh khoản đặc biệt từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nếu không có sự ủng hộ của Đức, bất kỳ đề xuất nào về việc biến nợ công của quốc gia thành "nợ chung" đều sẽ không được thông qua.

Tuy nhiên, nếu Đức làm như vậy, uy tín của chính phủ của bà Angela Merkel sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự gắn kết của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) một lần nữa bị đe dọa, với Italy là mắt xích yếu nhất.

Trong khi đó, các thị trường mới nổi cũng chịu ảnh hưởng tồi tệ. Brazil, Mexico, Nam Phi và các quốc gia đang phát triển khác đang chịu áp lực của các dòng vốn rút lui khỏi thị trường này khi đồng USD mạnh lên, giá trị hàng hóa xuất khẩu giảm.

Các quốc gia này sẽ phải nhờ đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tìm kiếm thanh khoản bằng đồng USD hoặc đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương).

Tình hình hiện nay đòi hỏi các quốc gia đưa ra những biện pháp vì lợi ích chung để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Với vai trò người bảo vệ trật tự thời hậu chiến, nước Mỹ đáng lẽ là quốc gia dẫn đầu những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, để bảo vệ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" cũng như tìm kiếm triển vọng tái đắc cử, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ những bài học hợp tác quốc tế rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây khi coi dịch COVID-19 là vấn đề của Trung Quốc.

Bắc Kinh lại khéo léo vận dụng thời điểm này để nắm lấy vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến đối phó với đại dịch khi cung cấp hàng tấn hàng viện trợ, bao gồm nguyên vật liệu cho sản xuất thiết bị y tế cũng như các thiết bị y tế, hàng hóa bảo hộ cá nhân cho nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Đây được coi là nỗ lực viết lại lịch sử vì nguồn gốc virus SARS-CoV-2 là từ Vũ Hán và công tác thống kê của Bắc Kinh vẫn còn đang bị nhiều chỉ trích.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, ngay cả nếu nước Mỹ hồi sinh cách tiếp cận đa phương, xu hướng xa rời toàn cầu hóa trên thế giới vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo. Cụ thể như sự gia tăng quản lý mạng Internet của một số quốc gia như Trung Quốc hay Nga.

Ít nhất, dịch COVID-19 sẽ đòi hỏi các chính phủ đánh giá lại những gì được coi là "lợi ích quan trọng," bao gồm công nghệ và các sản phẩm công nghệ cao khác.

Một nền kinh tế phát triển như Anh có thể bị ảnh hưởng như thế nào? Nếu nhu cầu suy sụp hơn nữa, nhà nước chắc chắn sẽ phải tăng cường hỗ trợ cho các công ty và lực lượng lao động.

Các tập đoàn lớn sẽ cần sự hỗ trợ đặc biệt nhưng không phải là để họ trả cổ tức cho các cổ đông. Ví dụ, hãng hàng không EasyJet đã trả 60 triệu bảng cho Stelios Haji-Ioannou, nhà sáng lập ra công ty và gia đình ông này, nhưng tuyên bố rằng hiện tại công ty không có kế hoạch tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà nước.

Mặt khác, dịch COVID-19 đã tái thiết lập định nghĩa về "lao động chủ chốt" là gì và cho thấy khoảng cách giữa tầm quan trọng và mức lương của họ.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19, lĩnh vực công nghệ được coi là người chiến thắng. Virus đã không thể ngăn cản sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và thậm chí làm tăng tốc độ phát triển của lĩnh vực này.

Công nghệ sẽ là vũ khí không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại các đại dịch trong tương lai. Các nước châu Á, vượt qua đại dịch SARS năm 2003, đã có những biện pháp phản ứng nhanh chóng và hiệu quả.

Tại Singapore, quốc gia có dân số dưới 6 triệu người, chính quyền nước này đã công bố ứng dụng TraceTogether sử dụng Bluetooth để ghi lại khoảng cách giữa người dùng và thời gian họ gặp gỡ.

Người dân đồng ý cung cấp thông tin cho Bộ Y tế, và những thông tin này được mã hóa và sau đó bị xóa đi. Sau khi dịch COVID-19 qua đi, các nước khác chắc chắn sẽ cần học hỏi những kinh nghiệm từ châu Á để xây dựng một lá chắn tốt hơn chống lại những đại dịch tiếp theo.

Lựa chọn cung cấp thông tin cá nhân nhằm áp dụng biện pháp phòng ngừa hiệu quả có thể là điều mà người dân mong muốn thực hiện.

Lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng trên nhiều khía cạnh. Các dịch vụ cung cấp môi trường học tập trực tuyến, dịch vụ phát trực tiếp video và thương mại điện tử đều thay đổi cách con người tiếp cận giáo dục, giải trí và thực phẩm.

Thử nghiệm mới trên toàn quốc về "học tập từ xa" chắc chắn sẽ có những hiệu quả nhất định, cùng với xu hướng "làm việc tại nhà" (working from home - WFH).

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tổn thất do COVID-19 sẽ tăng lên, không chỉ ở các bệnh viện mà còn trên thị trường. "Bữa tiệc" thanh khoản đã kết thúc. Các ngân hàng có thể không sụp đổ lần này, nhờ đã được cấp vốn tốt trong giai đoạn sau năm 2008, nhưng vẫn do dự trong việc cho vay.

Tóm lại, cùng với những tác động nặng nề, các cuộc khủng hoảng cũng mở ra những cơ hội và các nhà lãnh đạo khôn ngoan nên có kế hoạch cho tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục