Cuộc gặp Trump-Kim chỉ là liều 'vắcxin tâm lý' dành cho thế giới?

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã có cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm 30/6 tại khu an ninh chung liên Triều, dọc đường biên giới ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ năm 1953.
Cuộc gặp Trump-Kim chỉ là liều 'vắcxin tâm lý' dành cho thế giới? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) tại cuộc gặp ở Khu vực phi quân sự (DMZ) ngày 30/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, chính sách "ngoại giao thượng đỉnh" của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang được nối lại.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm 30/6 tại khu an ninh chung liên Triều, dọc đường biên giới ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ năm 1953.

Cuộc gặp mang một mục đích quan trọng: nó cho phép cả hai nhà lãnh đạo thay thế dư vị cay đắng của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều gần đây nhất tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 bằng một điều gì đó ngọt ngào hơn.

Trên thực tế, ông Trump và ông Kim Jong-un đã đồng ý thiết lập lại các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc giữa những quan chức cấp thấp của cả hai nước.

Cuộc gặp Trump-Kim vừa qua đã làm dấy lên làn sóng lạc quan trên toàn thế giới. Nhiều bài báo bày tỏ sự lạc quan rằng các cuộc đàm phán hạt nhân đang “bế tắc” sẽ được khai thông.

Tuy nhiên, hiện thực cho thấy rõ rằng chẳng có khung cảnh hào nhoáng nào giữa ông Trump và ông Kim Jong-un có thể cứu vãn tiến trình này nếu các nguyên tắc cơ bản không được cải thiện.

Chính những nguyên tắc cơ bản rắc rối và không phù hợp này - được thể hiện trong quan điểm đàm phán của mỗi bên - đã khiến hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội không đạt được kết quả như mong muốn.

Nói ngắn gọn, Triều Tiên chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, và Mỹ cũng chưa sẵn sàng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nếu chế độ Kim không chấp nhận giải trừ vũ khí hoàn toàn.

Thực tế cơ bản này đã tồn tại trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên diễn ra hồi tháng 6/2018, khi ông Trump và ông Kim Jong-un có một cuộc gặp lịch sử tại Singapore.

[Màn kịch Trump-Kim hay thực tế mới trong chính sách ngoại giao?]

Hiện giờ, cho dù ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên, song những nguyên tắc cơ bản này vẫn chưa hề thay đổi. Những cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc giữa hai bên, nếu chúng được tiếp tục theo kế hoạch, có lẽ sẽ không khác trước là mấy.

Stephen Biegun, đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên, than thở rằng các đối tác Triều Tiên trước kia của ông dường như không được trao quyền để thảo luận các vấn đề giải trừ hạt nhân ở bất kỳ mức độ cụ thể nào.

Và có lẽ điều đó khó có khả năng thay đổi. Trên thực tế, những gì ông Biegun có thể nghe được từ đối tác phía Triều Tiên sẽ là một thông điệp quen thuộc - một thông điệp mà ông Kim Jong-un từng công khai đưa ra trong bài phát biểu Năm mới 2019.

Để giải quyết quan hệ ngoại giao đang bị đình trệ khi đó giữa hai nước, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh quan điểm rằng Triều Tiên đã thực hiện các bước đi mang tính biểu tượng để “đóng băng” nhiều hoạt động khiêu khích và giờ đây, đến lượt Mỹ đưa ra những bước đi “tương ứng” bằng hình thức giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Nếu các nhà đàm phán phía Mỹ hy vọng nhận được một thứ gì đó từ Triều Tiên nhưng lại không muốn hy sinh điều gì, họ sẽ chỉ nhận được sự thất vọng. Phía Triều Tiên coi việc họ tự ngừng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và phá hủy căn cứ thử hạt nhân là một bước đi mà cho đến nay vẫn chưa được đền đáp.

Dù cho cuộc gặp mới nhất giữa ông Trump và ông Kim Jong-un đã thổi một làn gió lạc quan vào tiến trình này, song thế giới vẫn nên ghi nhớ lời cảnh báo của ông Kim Jong-un hồi tháng 4/2019 trong bài phát biểu công khai đầu tiên của ông sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

Phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao, ông Kim Jong-un cảnh báo rằng Mỹ, cho đến cuối năm 2019, về cơ bản nên thay đổi quan điểm liên quan đến việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt (đối với Triều Tiên).

Sau 3 hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, rõ ràng kênh ngoại giao Trump-Kim trong mối quan hệ Mỹ-Triều vẫn chưa mang lại nhiều ảnh hưởng để có thể làm thay đổi chính sách của cả hai bên.

Đặc biệt, tại Washington, những nhân vật cứng rắn như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton vẫn tiếp tục phản đối việc xem xét lại chính sách đối với Triều Tiên của chính quyền Mỹ, vốn vẫn duy trì cam kết “gây áp lực tối đa” được đưa ra hồi tháng 4/2017.

Chắc chắn, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giúp thế giới quên đi kết quả đáng thất vọng từ các cuộc đàm phán của họ tại Hà Nội bằng một màn phô diễn mang tính lịch sử tại biên giới liên Triều.

Tuy nhiên, để quan hệ của họ đi đúng hướng, các nhà đàm phán Mỹ cần đánh giá lại cách tiếp cận cơ bản của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục