Cuộc khủng hoảng di cư đang đẩy Hy Lạp vào tình trạng kiệt quệ

Vốn chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính và có nguy cơ bị vỡ nợ, Hy Lạp đang phải gồng mình chống đỡ trước dòng người di cư khổng lồ đổ vào nước này để tới châu Âu.
Cuộc khủng hoảng di cư đang đẩy Hy Lạp vào tình trạng kiệt quệ ảnh 1Trẻ em trong những căn lều tạm tại Idomeni, Hy Lạp, gần biên giới với Macedonia ngày 10/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hy Lạp lại chìm trong những khó khăn mới trong bối cảnh nước này không chỉ đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài nhiều năm và từ lâu sống “thoi thóp” bằng những khoản vay nợ, nền kinh tế đình đốn và tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, mà giờ đang trở thành một trại tị nạn khổng lồ do dòng người di cư.

Những khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư (750 triệu euro, giải ngân trong ba năm) chỉ là một một con số rất ít ỏi so với chi phí mà Hy Lạp đã bỏ ra để trang trải cho người tị nạn.

Theo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, trung bình mỗi năm, Hy Lạp tốn gần một tỷ euro cho người tị nạn và các khoản "cấp cứu" của EU chỉ giải quyết được một phần không đáng kể. Trong khi đó, các nguồn thu của Hy Lạp ngày càng ít đi.

Du lịch, một trong những nguồn thu lớn nhất của quốc gia này, hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề, khi số lượng phòng và tour đặt đang giảm. Việc có đến hơn 50.000 người tị nạn đang mắc kẹt ở đây dẫn tới nhu cầu về chỗ ở, lương thực, các dịch vụ y tế tăng lên.

Pireus, nơi tập trung chủ yếu của nền công nghiệp Hy Lạp, trở thành một khu lán trại khổng lồ để chứa hàng nghìn người tị nạn. Theo ông Angel Gurria, Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), "không một quốc gia nào có thể đương đầu với tình trạng này một mình được. Nền kinh tế Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ."

Ngân hàng trung ương Hy Lạp ước tính việc tiếp nhận người di cư trên lãnh thổ nước này ngốn ít nhất 700 triệu euro/năm, tương đương với 0,4% GDP. Theo ông Yannis Stournanas, Thống đốc ngân hàng trung ương Hy Lạp, đấy là khoản tiền mà Hy Lạp phải chi trực tiếp, nhưng quốc gia này chỉ là điểm đến đầu tiên trong hành trình sang châu Âu xin tị nạn, nghĩa là, đây là một khoản tiền hoàn toàn mang tính nhân đạo, trong hoàn cảnh bản thân Hy Lạp cũng rất thiếu tiền.

Nhưng "con đường Balkan" đang dần dần bị đóng lại. Các nước láng giềng Macedonia và Albania cũng đóng chặt biên giới. Những người di cư nào đến Hy Lạp qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển Aegea có nguy cơ không tìm thấy lối ra và mắc kẹt ở Hy Lạp.

Chi phí cho họ chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa và số tiền mà Brussels hứa chuyển cho Hy Lạp trở nên quá ít ỏi. Không ngạc nhiên khi Athens lên tiếng phản đối, do số tiền mà họ sẽ nhận ít hơn rất nhiều số tiền mà EU cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Những khoản chi cho việc ăn, ở, y tế và nhiều dịch vụ thiết yếu khác cho người di cư chỉ là một phần của vấn đề. Hậu quả của việc có quá đông người tị nạn trong nước dẫn đến sự giảm sút về số khách du lịch là không nhỏ, trong khi đó, nhà chức trách lo lắng hơn về nguy cơ khủng bố.

Các ước tính ban đầu cho thấy số lượng phòng được đặt ở nhiều hòn đảo nổi tiếng của Hy Lạp, nay đầy người di cư, đã giảm từ 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu các ước tính này được xác nhận, Hy Lạp có thể thiệt hại hàng tỷ euro thu nhập từ du lịch và tạo ra một lỗ hổng lớn cho ngân sách, trong khi nước này cần không ít tiền để trang trải các khoản nợ nước ngoài.

Số tiền trong két của nhà nước thì rất ít. Thủ tướng Tsipras hiện đang thương lượng với các chủ nợ về việc cắt giảm lương hưu xuống chỉ còn 1% GDP nhằm đạt điều kiện để trả một khoản nợ 3,8 tỷ euro đến hạn vào tháng Bảy tới.

Tuy vậy, những “liều thuốc chữa trị” mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp trong suốt sáu năm qua vẫn không làm tình hình Hy Lạp khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 24%, nợ công ngày càng tăng, đất nước trở lại tình trạng suy thoái, trong khi nợ thuế đã tăng lên tới 83 tỷ euro, do quá nhiều người Hy Lạp không còn tiền để trả thuế.

Trong hoàn cảnh đó, việc phải bỏ ra xấp xỉ một tỷ euro cho người tị nạn là một “thảm họa” cho ngân sách quốc gia. Những cuộc thương lượng với các chủ nợ trong những tuần tới sẽ có ý nghĩa quan trọng. Đại diện các nước và tổ chức chủ nợ sẽ tới Athens để đánh giá về quá trình cải cách, thông qua kế hoạch cải tổ lương hưu và sẽ quyết định việc có cho Hy Lạp vay tiếp không.

Ít ra thì trên khía cạnh này, vẫn còn có lý do để lạc quan. EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể sẽ nới lỏng một số điều khoản về nợ để giảm áp lực lên Hy Lạp. Những yêu sách về lương hưu có thể sẽ được giảm bớt, đánh đổi bằng việc Athens phải cắt giảm chi phí quốc phòng.

Tuy nhiên, Hy Lạp lại có một hy vọng khác: được quốc tế thừa nhận trong lĩnh vực tiếp nhận người tị nạn và sự thừa nhận ấy sẽ được đánh đổi bằng cộng đồng chủ nợ chấp nhận cho họ một kế hoạch tái cơ cấu nợ hợp lý hơn. Nhiều khả năng, nguyện vọng của Hy Lạp sẽ được đáp ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục