Cuộc sống nhiều người Mỹ bấp bênh khi gói hỗ trợ COVID-19 kết thúc

Theo báo cáo, 11,7 triệu người Mỹ đã thoát nghèo trong năm 2020 nhờ khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19. Nhưng nhiều người sẽ phải tìm sinh kế mới trong năm 2022 khi chương trình kết thúc.
Cuộc sống nhiều người Mỹ bấp bênh khi gói hỗ trợ COVID-19 kết thúc ảnh 1Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi Chính phủ Mỹ không “bơm” thêm các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19 trong năm 2022, những người Mỹ ban đầu thoát khỏi đói nghèo nhờ các khoản tiền này sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế bất ổn, trong khi biến thể Omicron vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh.

Theo một báo cáo hồi tháng 9/2021 của Cơ quan thống kê dân số Mỹ, 11,7 triệu người Mỹ đã thoát nghèo trong năm 2020 nhờ các khoản tiền hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19.

Giờ đây khi các chương trình hỗ trợ này kết thúc, nhiều người sẽ phải tìm sinh kế mới trong năm 2022.

Dù chính quyền của Tổng thống Biden đã gia hạn ưu đãi tạm ngừng trả các khoản vay cho sinh viên, nhưng ông đã nói rõ rằng chính sách tạm dừng ngày sẽ không kéo dài mãi.

[Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp gần trở lại mức trước dịch]

Trước đó, ông Biden đã hứa hẹn sẽ giảm ít nhất 10.000 USD trong khoản vay sinh viên cho mỗi người, nhưng cam kết này vẫn chưa được thực hiện.

Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với nhiều người dân Mỹ đang gặp khó khăn.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng vô gia cư khổng lồ khi lệnh cấm trục xuất của chính phủ hết hạn trong năm 2021, nhưng nhiều bang và khu vực vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhà ở.

Bên cạnh đó, số lượng việc làm vẫn chưa phục hồi về các mức trước đại dịch dù tình hình đã khả quan hơn.

Ngoài ra, các nỗ lực kích thích kinh tế trong đại dịch của Chính phủ Mỹ cũng góp phần gây ra vấn đề lạm phát hiện nay, từ đó khiến cho cuộc sống của người dân khó khăn hơn.

Dù các lệnh phong tỏa diện rộng có ít tác động kinh tế hơn so với lo ngại ban đầu, nhưng việc chấm dứt các hỗ trợ của chính phủ sẽ khiến nhiều người dân Mỹ còn ít khoản tiền dự phòng khẩn cấp hơn, trong khi biến thể Omicron đang gây ra nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng 3-4% trong năm 2022.

Thế nhưng, nếu không có sự hỗ trợ cho hàng triệu người dân ở tầng lớp trung bình thấp, thì nền kinh tế này sẽ khó có thể tăng trưởng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục