Ngày 9/4 là thời điểm ra mắt của loạt phim trải rộng ở nhiều thể loại, mang đến lựa chọn đa dạng cho khán giả ở mọi lứa tuổi: Từ phim gắn mác 18+ như “Mortal Kombat,” phim chuyển thể “Kiều” cho đến phim mác G (dành cho mọi lứa tuổi) như “Nào mình cùng mơ,” phù hợp cả với khán giả nhí và các bậc phụ huynh.
Mortal Kombat: Cuộc chiến sinh tử
Bộ phim “Cuộc chiến sinh tử” ("Mortal Kombat") xuất phát từ trò chơi điện tử đối kháng cùng tên theo phong cách kỳ ảo của Mỹ, ra đời năm 1992. Tựa game này vốn rất quen thuộc với thế hệ thanh niên 8X, 9X tại Việt Nam, có tính khốc liệt, bạo lực và chân thực cao độ.
Trong phiên bản điện ảnh năm 2021 của nhà sản xuất Warner Bros., “Cuộc chiến sinh tử” xoay quanh cuộc đối đầu giữa các đấu vương từ Địa giới (Earthrealm) và Ngoại giới (Outrealm) nhằm bảo vệ Trái đất, nơi con người đang sinh sống. Bên cạnh các nhân vật xuất hiện trong game, bộ phim bổ sung thêm nhân vật Cole Young - một võ sĩ võ thuật tổng hợp từ Địa giới để dẫn dắt người xem vào thế giới Mortal Kombat một cách dễ hiểu.
Với những cuộc đối đầu “máu me” không kém gì trò chơi điện tử, “Cuộc chiến sinh tử” phiên bản điện ảnh năm 2021 được gắn mác C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) và đang có số suất chiếu áp đảo.
“Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền
Bộ phim từng dự kiến ra mắt năm 2020 nhân dịp 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng do dịch COVID-19 đã phải lùi ngày khởi chiếu sang năm 2021. “Kiều” xây dựng nội dung dựa trên mối tình tay ba giữa Thúy Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư với sự góp mặt của nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh trong vai Hoạn Bà, mẹ của Hoạn Thư.
Phim “Kiều” bắt đầu từ sự việc Thúy Kiều (Mỹ Duyên đóng) bị bán vào thanh lâu của Tú Bà (Phương Thanh). Thương tiếc cho phận của Kiều, Thúc Sinh (Lê Anh Huy) cứu nàng ra khỏi chốn lầu xanh. Khi phát hiện ra chồng có người tình, Hoạn Thư (Cao Thái Hà) lập tực lên kế hoạch hãm hại Kiều nhưng nàng nhanh chóng được Thúc Sinh cứu mạng rồi cùng nhau đi trốn.
Bộ phim hiện đang nhận nhiều phản ứng đa chiều về hướng xây dựng tính cách nhân vật và cốt truyện.
Josee: Nàng thơ khi yêu
Bộ phim là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Josee, một cô gái 24 tuổi phải ngồi xe lăn và Tsuneo, anh chàng sinh viên đại học ngành sinh vật học. Dù mới đầu, Josee vô cùng khép kín nhưng nhờ sự chân thành của Tsuneo mà cả hai dần cởi mở hơn, trở thành nửa còn lại không thể thiếu của nhau.
Nếu từng yêu thích “5cm/s” (2007), “Tên cậu là gì?” (“Your name,” 2016) hay “Dáng hình thanh âm" (“A silent voice,” 2016) thì đây là bộ phim bạn không nên bỏ qua. “Josee: Khi nàng thơ yêu” sẽ là một lựa chọn phù hợp nhờ mang đến những cảm xúc sâu sắc và nhiều tầng ý nghĩa - phong cách thường thấy ở những bộ phim đến từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản.
Phim thiếu nhi “Nào mình cùng mơ”
“Nào mình cùng mơ” (“Dreambuilder,” Đan Mạch) là bộ phim thiếu nhi duy nhất trong tuần. Khi cuộc sống của cô bé Minna và bố đang vui vẻ thì bỗng nhiên, bố cô đón hôn thê mới về ở cùng. Mẹ kế của cô, Helena còn có một người con riêng tên Jenny và không may cho Minna, Jenny là một đứa trẻ có tính cách khá khó chịu. Càng ngày, Minna càng mong cuộc sống trở lại như cũ.
Một ngày nọ, Minna phát hiện ra cách đến với thế giới của những giấc mơ, thậm chí còn có thể điều khiển tâm trí của Jenny khi ngủ. Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi Minna đi quá sâu vào giấc mơ khiến cho Jenny không thể tỉnh dậy, thậm chí suýt gặp nguy tới tính mạng, Minna buộc phải sửa chữa lỗi lầm của mình để cứu lấy Jenny và cả gia đình.
Ngoài ra, dịp cuối tuần này còn có các bộ phim “Bàn tay diệt quỷ” của Hàn Quốc với gương mặt ăn khách của nam diễn viên Park Seo-joon, phim viễn tưởng “Bản năng hoang dại” ("Voyagers") cũng được coi là lựa chọn thú vị khai thác bản chất thật sự của con người khi được nuôi lớn trong môi trường không cảm xúc. Phim kinh dị “Vô diện sát nhân” của Việt Nam với sự góp mặt của Phương Anh Đào và “Kẻ vô danh” (“Mr.Nobody,” Mỹ) theo thể loại hài-hành động cũng thêm phần đa dạng để khán giả cân nhắc./.