Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 19 cá thể động vật hoang dã được giải cứu từ những trường hợp buôn bán, quảng cáo, nuôi nhốt trái phép tại các địa phương trên cả nước, trong tháng 1/2019.
Trong số các cá thể được cứu hộ trên, có 8 cá thể động vật hoang dã được người dân tự nguyện chuyển giao (gồm 2 cá thể tê tê, 1 cá thể vọoc chà vá chân nâu, 1 cá thể trăn, và 4 cá thể khỉ). Các cá thể còn lại được tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép.
Tùy theo điều kiện sức khỏe, những cá thể này đều được đưa về các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc thả về tự nhiên. Thành quả này một lần nữa cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ động vật hiện nay.
Theo đánh giá của ENV, tháng Một được coi là thời điểm hoạt động mạnh của những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, với sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều cá thể quý hiếm đã được giải cứu.
Cùng với đó các cơ quan chức năng cũng cho thấy những nỗ lực trong việc đấu tranh, đẩy lùi tội phạm về động vật hoang dã.
[Hơn 520 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong năm 2018]
Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát môi trường-Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện và tịch thu hai cá thể gấu ngựa con đang bị một đối tượng buôn bán trên địa bàn. Việc tịch thu đã thể hiện quyết tâm đáng kể của cơ quan này trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam.
Hiện nay đối tượng đã bị khởi tố vì tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Ngoài các cá thể sống, ENV cũng ghi nhận nhiều bộ phận, sản phẩm từ động vật hoang dã bị tịch thu. Trong đó, cơ quan chức năng đã thu giữ 2 chi gấu ở Lai Châu, 2 tiêu bản hổ ở Lạng Sơn và 9,94kg ngà voi ở Vĩnh Phúc.
Cũng trong tháng Một, ENV đã phát hiện và gỡ bỏ 54 đường dẫn chứa vi phạm trên Internet, 31 vi phạm trong thực đơn/biển hiệu, và một biển quảng cáo mật gấu ở Nha Trang.
Theo khảo sát của ENV, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận từ chúng vẫn đang là hành vi vi phạm phổ biến, nhất là với sự phát triển vũ bảo của Internet như hiện nay.
“Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm những vi phạm là vô cùng quan trọng, nhằm góp phần ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để trục lợi từ động vật hoang dã,” đại diện ENV nhấn mạnh./.