Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi: Sức mạnh trong thời bình

Tính đến hết năm 2019, cả nước có trên 13.000 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, với tổng số vốn sản xuất, kinh doanh trên 12.000 tỷ đồng...
Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi: Sức mạnh trong thời bình ảnh 1Nhờ sử dụng công cụ cải tiến, thường xuyên tổ chức dây chuyền sản xuất, Tổ 9, Đội 609, Chi đội 6 TNXP chống Mỹ, cứu nước Nghệ An luôn đạt năng suất cao, vượt mức sản xuất bình thường từ 5 đến 20%. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Là một tổ chức thanh niên được Bác Hồ chỉ đạo thành lập và rèn luyện, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam luôn phát huy truyền thống tốt đẹp trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức nhiều nội dung, phương thức hoạt động phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội, đáp ứng nguyện vọng của cựu thanh niên xung phong, đóng góp vào công tác xã hội và cải thiện đời sống gia đình hội viên, trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào "Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội."

Hưởng ứng phong trào, hàng vạn cựu Thanh niên xung phong trên cả nước đã triển khai học tập, xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế thành công.

Các cựu Thanh niên xung phong đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vật nuôi, cây trồng; phát triển sản xuất, kinh tế hàng hóa, dịch vụ, làm giàu cho bản thân và gia đình; đồng thời có điều kiện giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phát huy tinh thần lao động cần cù, vượt khó, dám nghĩ dám làm, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Trở về sau chiến tranh, những chiến sỹ Thanh niên xung phong trong thời bình đã tìm tòi, sáng tạo, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng. Họ tận dụng đất đai, nguồn vốn, sức lao động của con người để sản xuất, kinh doanh, bứt phá, lăn lộn với thương trường như trong chiến trường đánh Mỹ, đánh Pháp. Nhiều người có xuất phát điểm rất thấp, nhưng họ có ý chí, có nghị lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và cho xã hội.

[Sáng mãi tinh thần của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam]

Từ những cố gắng, nỗ lực ấy, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã được hình thành, từ hộ gia đình, liên kết sản xuất, đến thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã ngành nghề, với phương thức kinh doanh đa dạng: từ mô hình kinh doanh đồi rừng, miệt vườn, VAC đến nông trại, trang trại; kinh doanh vận tải, vật liệu xây nhà thủy sản, chế biến; kinh doanh xây dựng, nội thất; sản xuất đồ gỗ, điêu khắc đến xuất khẩu; phát triển làng nghề truyền thống như kim hoàn, vàng, các ngành cơ khí, lắp ráp sửa chữa ôtô, xe máy...

Nhiều cựu Thanh niên xung phong khởi nghiệp khi tuổi đã cao. Họ đào tạo và hướng dẫn con cháu theo mình lập nghiệp, trong đó phải kể đến các mô hình kinh doanh đồi rừng kết hợp trang trại của cựu Thanh niên xung phong tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung. Mô hình trồng cam Cao Phong của cựu Thanh niên xung phong ở Hòa Bình; mô hình nuôi gà trang trại ở Ba Vì (Hà Nội); vườn cây ăn quả ở Hà Nam, Hưng Yên, Đắk Nông; trồng cao su ở Bình Dương.

Họ chặn dòng chảy thành ao nuôi cá ở Yên Thành (Nghệ An), kinh doanh chế biến thủy sản ở Quảng Trị; sản xuất kim hoàn ở Đồng Xâm (Thái Bình); xây dựng và sản xuất vật liệu ở Quảng Bình; kinh doanh nước đá ở Kiên Giang phục vụ nghề biển, môi giới bất động sản ở Hà Nội, công nghiệp ôtô Đồng Nai...

Phát huy tính sáng tạo, nhiều mô hình kinh doanh đã đạt được hiệu quả. Các mô hình nuôi chim yến, lợn rừng ở Bạc Liêu; nuôi lợn sạch ở Bình Thuận, Lạng Sơn, nuôi lợn thương phẩm ở Hải Phòng, bò sữa ở Bắc Ninh, nuôi ong ở Nghệ An; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ từ gỗ lũa của Tuyên Quang, cây cảnh ở Hà Nam, làng nghề sản xuất hương ở Bắc Ninh, làm muối ở Ninh Thuận, nuôi trồng thủy sản; sản xuất các dụng cụ y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh... đều cho thu nhập tốt và có lãi.

Với những hình thức kinh doanh, ngành nghề phong phú, đa dạng, thành công của cựu Thanh niên xung phong ở nhiều tỉnh thành là do biết tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh doanh, cũng từ đó làm giàu cho chính quê hương mình. Tuy nhiên, kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, sự bất ổn, rủi ro của thương trường đôi lúc cũng khiến cựu Thanh niên xung phong gặp nhiều khó khăn. Song bản lĩnh của người lính, của Thanh niên xung phong trong chiến tranh lại vực họ dậy, tiếp tục chiến đấu. Nghị lực ấy, bản lĩnh ấy có được chính là do đã trải qua tôi luyện trong trường học lớn Thanh niên xung phong.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết kể từ khi được phát động tháng 10/2011, phong trào đã thu hút đông đảo cựu Thanh niên xung phong cả nước đồng tình, ủng hộ, phấn khởi tham gia, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, gắn kết hội viên, cải thiện đời sống và góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.

Tính đến hết năm 2019, cả nước có trên 13.000 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, với tổng số vốn sản xuất, kinh doanh trên 12.000 tỷ đồng, thu nhập hằng năm trên 3.000 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước trên 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động, trong đó phần lớn là con em cựu Thanh niên xung phong.

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng có được những kết quả đáng ghi nhận này là do các cấp Hội đã tích cực, năng động, sáng tạo trong quá trình vận động, hướng dẫn thực hiện phong trào. Phong trào "Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội" đã được hơn 30 tỉnh, thành hội đã thực hiện tốt, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi.

Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi: Sức mạnh trong thời bình ảnh 2Ký kết Chương trình phối hợp giữa Thành đoàn và Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2022, ngày 4/6/2020. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Từ nguồn thu của các mô hình kinh tế, các cựu Thanh niên xung phong đã đóng góp trên 10 tỷ đồng để giúp đỡ đồng đội khó khăn, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cấp hội trên 8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cựu Thanh niên xung phong cả nước còn tiết kiệm, đóng góp xây dựng "Quỹ Nghĩa tình đồng đội" được gần 300 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn, hộ gia đình cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế đã trích một phần lợi nhuận của mình để hỗ trợ hoạt động cho Hội Cựu Thanh niên xung phong các cấp hoạt động, gây quỹ cho hội viên vay vốn không lấy lãi, tặng con giống như dê, bò, cừu cho các gia đình khó khăn...

Đặc biệt, nhiều gia đình cựu Thanh niên xung phong khó khăn còn được đồng đội cưu mang như gia đình cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lý ở Quảng Trị. Doanh nghiệp của cựu Thanh niên xung phong Đặng Phước Hùng trong 5 năm (2014-2018) đã góp hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác an sinh xã hội của tỉnh Tây Ninh và Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh; doanh nghiệp của cựu Thanh niên xung phong Trần Tấn Phát ở Đồng Nai ủng hộ 800 triệu đồng để xây 20 nhà tình nghĩa...

"Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội" không chỉ là một cuộc vận động kinh tế-chính trị rộng lớn mà đã trở thành phong trào thiết thực góp phần gắn kết các hội viên, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đồng đội xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, tạo nên sức mạnh mới của cựu Thanh niên xung phong trong thời bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục