Bài 1: Ma trận mê tín dị đoan khoác áo lớp học trí tuệ

Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo ‘Tình người’

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi câu lạc bộ Tình người có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan, lừa đảo trục lợi. Báo VietnamPlus đã vào cuộc, tìm hiểu sự việc.
Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo ‘Tình người’ ảnh 1Số kinh sách, tài liệu mà một thành viên câu lạc bộ cung cấp cho phóng viên VietnamPlus. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lời tòa soạn:

Trong xu thế phát triển của đất nước và hòa cùng dòng chảy hội nhập toàn cầu, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Chức sắc và tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự và phát triển quan hệ giao lưu quốc tế.

Các ngày lễ lớn như lễ Phật đản của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; các ngày lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu... được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo tín đồ và quần chúng nhân dân tham gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều hình thức tín ngưỡng mới cùng đó là sự gia tăng của một số giáo phái, câu lạc bộ… với nhiều quy mô. Trong đó, có những hình thức thu hút số lượng đông tín đồ và lan tỏa ở nhiều địa phương… kéo theo không ít những hoạt động biến tướng, những hệ lụy có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, cụ thể là những hình thức tâm linh đa cấp, hoạt động mê tín dị đoan, những hội nhóm kinh doanh bùa ngải trên mạng xã hội, xem bói online…

Gần đây nhất, truyền thông đã liên tục đăng tải những phát giác, cảnh báo... về các tổ chức có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan, lừa đảo trục lợi mà điển hình là Câu lạc bộ Tình người.   

Vậy điều gì đã khiến Tình người cũng như các tổ chức tương tự đã thu hút hàng trăm nghìn người tham gia… và rồi vì sao từ lúc hào hứng, tự nguyện tham gia nhiều hội viên sau đó lại kêu cứu, tố cáo hoạt động của câu lạc bộ có dấu hiệu lừa đảo? 

Báo VietnamPlus đã vào cuộc, liên hệ các thành viên câu lạc bộ để tìm hiểu cụ thể sự việc qua loạt bài: Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo ‘Tình người.’

Bài 1: Ma trận mê tín dị đoan dưới vỏ bọc lớp học trí tuệ

Xuất phát điểm của câu lạc bộ Tình người là truyền bá những bài học trí tuệ miễn phí cho mọi người, bất kỳ độ tuổi nào.

Từ câu chuyện của những người từng tham gia câu lạc bộ Tình người, tôi hình dung ra rằng tổ chức này thu hút rất nhiều người tham gia bởi những bài học, những triết lý thực sự hữu ích. Không phải ngẫu nhiên mà có đến hàng trăm nghìn người tham gia câu lạc bộ, rất nhiều người trong số đó có học thức, có trình độ văn hóa, giữ vai trò quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội.

Thế nhưng, sau khi những hội viên có cảm tình với câu lạc bộ, tâm đắc với những bài học và ngày càng gắn bó với hoạt động tại đây, những người sáng lập ra bắt đầu lôi kéo họ đi sâu hơn bằng những chiêu trò tác động đến tâm lý, tín ngưỡng.

Bên trong những khóa học trí tuệ

Chị Đ.C.L. (Ba Đình, Hà Nội) liên hệ với tôi khi mối quan hệ giữa chị và mẹ đẻ căng thẳng cực điểm. Bà chuẩn bị bán ngôi nhà trên phố Đào Tấn trị giá 5 tỷ đồng để đổi sang căn nhà chung cư chỉ có 2,5 tỷ đồng của một người cùng câu lạc bộ.

“Trước đó, gia đình tôi có một căn nhà mặt đường Phạm Văn Đồng, bán đi được gần 10 tỷ đồng, mẹ tôi mua căn nhà trong ngõ ở Đào Tấn chỉ có 5 tỷ đồng, mà số tiền còn lại đi đâu tôi không được biết,” chị tâm sự.

Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo ‘Tình người’ ảnh 2Chị Đ.C.L cho phóng viên xem những tài liệu, kinh sách được truyền bá tại câu lạc bộ Tình người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mẹ chị Đ.C.L. tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ vài năm nay và trở thành hội viên tích cực. Chị Đ.C.L. cho biết hàng ngày mẹ đến câu lạc bộ từ sáng đến chiều, mặc dù ông bà ngoại của chị Đ.C.L. già yếu (trên 90 tuổi), tai biến, cần người chăm sóc.

“Gia đình tôi lâm vào khủng hoảng, khi bà ngoại nhiều lần khóc và nói với con gái: Bây giờ con chọn bố mẹ hay chọn câu lạc bộ,” chị Đ.C.L. chia sẻ.

“Những người thuyết giảng ở câu lạc bộ đã truyền bá tư tưởng vào đầu mẹ tôi rằng ‘cha mẹ chỉ là anh sinh chị nở.’ Muốn phúc đến mãnh liệt tột cùng thì phải tạo phúc bằng cách tham gia sinh hoạt cùng câu lạc bộ, hướng đến cha mẹ các ngài, mà cụ thể là những người đứng đầu câu lạc bộ, vì họ đã được cha mẹ các ngài sang tai, chỉ bảo cho biết phải làm gì,” chị Đ.C.L. kể lại.

Sau nhiều lần khuyên giải mẹ mà không được, chính chị Đ.C.L. đã tham gia câu lạc bộ để tìm hiểu thực chất nơi này có gì mà khiến mẹ chị bị thu hút đến vậy. Quả thực, những thông tin được rao giảng tại đó đã có những lúc khiến chị Đ.C.L. thấy rất hữu ích.

“Những người tham gia giảng bài đều rất giỏi thuyết phục. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu vì sao có lúc mình cũng đã bị cuốn đi như vậy. Tôi đã tham gia góp tiền để câu lạc bộ đi làm từ thiện, cúng tiền cho vong linh gia tiên và mua đồ thờ tại câu lạc bộ,” chị Đ.C.L. cho hay.

Những buổi đầu, chị Đ.C.L. cũng như nhiều học viên khác đều bị thu hút bởi những kiến thức, kỹ năng mềm mà người đứng lớp chia sẻ.

“Trong 5 buổi học đầu tiên, các thầy cô giảng về đạo lý làm người, khuyên con người dẹp bỏ cái tôi, điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống, từ bỏ những thói quen xấu. Tôi thấy đó là những kiến thức hữu ích và hấp dẫn, bởi vì suy cho cùng ai cũng muốn bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn và có thể giải quyết những mâu thuẫn trong các mối quan hệ,” chị nói.

Dần dần, khi càng đi sâu vào các hoạt động của câu lạc bộ, chị Đ.C.L. nhận thấy những người đứng đầu có xu hướng nói về tâm linh rất nhiều. Mỗi buổi chia sẻ, các diễn giả lại thôi thúc thành viên phải tích cực làm phúc. Chị còn giữ băng ghi âm, trong đó bà Nguyễn Hồng Thuận, người được xem như “giáo chủ,” được “các ngài” sang tai, truyền lời, có nói rằng “bây giờ phải tranh thủ làm phúc đi, sẽ tới lúc khí độc tràn ra khắp nơi, vong lên trần rất nhiều, lúc ấy muốn làm gì cũng không được.”

Bà Hồng Thuận liên tục gieo vào đầu mọi người những quan niệm về nghiệp, làm phúc, trả nợ, vong linh. Những người tham gia câu lạc bộ được mời vào đạo tràng Thiên Phúc, thường xuyên đi lễ bái.

Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo ‘Tình người’ ảnh 3Bộ bát hương trị giá 59 triệu đồng mẹ chị L. mua tại câu lạc bộ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các hội viên còn được mời mua bát hương, bộ đồ thờ, bởi những món đồ này được trì chú, ban phúc đặc biệt, khác hẳn những đồ thờ bán trên thị trường.

Mẹ chị Đ.C.L. đã mua bộ bát hương và lư hương bằng đồng có giá 59 triệu đồng cho con gái đồng thời mua trọn bộ đồ thờ gồm bát hương, lư hương, trướng treo… giá tới 200 triệu đồng cho mình. Đi khảo giá thị trường, chị Đ.C.L. phát hiện đã mua với giá cao hơn bên ngoài nhiều lần và bắt đầu “tỉnh ngộ,” không tham gia các hoạt động nữa.

Nhưng, khi chị Đ.C.L. quyết định rời khỏi câu lạc bộ, mẹ chị đã tuyên bố không nhìn mặt con gái nữa…

Lời kêu cứu từ những gia đình

Một trường hợp khác, chị T. Đ. N cho hay chồng chị đã có hai năm tham gia câu lạc bộ. Lúc đầu, chị nghĩ đơn giản rằng nếu học mà tốt hơn thì cứ để anh ấy học. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó.

Thời gian sau, việc kinh doanh của chồng chị ngày càng thua lỗ dẫn đến phá sản, chồng chị liền cho thay bát hương, mỗi ngày kính lễ trước bàn thờ hàng tiếng đồng hồ khiến mọi sinh hoạt gia đình thay đổi.

Như một nghi thức, đến bữa cơm, chồng chị N khấn nguyện: “Con xin cảm ơn cha mẹ các ngài.” Hai đứa con của anh chị thắc mắc không hiểu bố đi học gì mà nửa đêm còn ngồi nghe ghi âm, đánh máy, lẩm bẩm cầu khấn. Chưa hết, nhiều lần chồng chị đã thuyết phục chị đi học nhưng chị không đồng ý, khiến vợ chồng mâu thuẫn, lục đục.

“Anh ấy nói, nếu em không đi học thì con cái sẽ không có đức, gia đình mất hết phúc chỉ vì em, rồi gia tiên tiền tổ sẽ không được siêu thoát cũng vì em. Anh còn hùng hổ nói rằng vợ chồng không tu cùng, không thuận ý thì ở bên nhau chỉ có hành hạ nhau, chi bằng giải thoát cho nhau,” chị N đau khổ chia sẻ.

Hiện chị N. rất buồn bã và lo sợ khi hạnh phúc gia đình đang ở bờ vực tan vỡ…

Anh Trần Đức Sông (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tương tự, nhưng là từ phía người vợ. Tổ ấm của hai vợ chồng anh Sông bắt đầu trở nên khúc mắc và mâu thuẫn từ ngày vợ anh tin theo câu lạc bộ Tình người.

Sau khi lấy vợ năm 2013, hai vợ chồng ra ở riêng và có với nhau được 2 người con. Bỗng dưng sóng gió từ đâu ập tới, khi từ năm 2018, anh Sông thấy vợ mình bắt đầu có những biểu hiện lạ trong gia đình.

Ban đầu, vợ anh tự ý thay đổi đồ thờ cúng trên bàn thờ, hàng ngày thắp hương cúng vái, bỏ mặc những lời can ngăn của người thân. Không những vậy, chị còn thường xuyên ăn chay vì lo sợ bị vong tà, ma quỷ xâm nhập. Chị mang về nhà nhiều tài liệu, sách với nội dung tôn giáo, thờ cúng, bài khấn…

Những bữa cơm lành, canh ngọt và sự ấm cúng của gia đình nhỏ dần mất đi. Rồi anh thấy chị đóng nhiều tiền để nhóm làm từ thiện, ngày rằm cúng rất nhiều tiền thật cho cả người sống lẫn người chết để trả nợ, tạo phúc.

“Tôi cũng đã được mời đến ba lần với mục đích tham gia và ủng hộ vợ, nhưng nhận thấy nhiều nghi vấn nên tôi không tham gia. Họ cũng từ chối những người hoài nghi. Qua tìm hiểu tài liệu, tôi nhận thấy hội hoạt động theo hình thức đa cấp, có rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh giống tôi nên rất mong các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc,” anh Sông chia sẻ.

[Hà Nội: Làm rõ hoạt động mê tín dị đoan ở Câu lạc bộ Tình người]

Anh Sông đã kết nối với những người khác để viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo chí. Trong đơn có đề cập đến biểu hiện không minh bạch trong tài chính. Cụ thể, các thành viên đóng góp tiền sinh hoạt, tiền tham gia các hoạt động từ thiện, tiền mua các vật phẩm (sách, tài liệu, đồ thờ) và nhiều khoản tiền huy động khác, nhưng không có hóa đơn giá trị gia tăng, không công khai thu chi.

Anh Sông cho biết hiện nay, nhóm những nạn nhân và những người có người thân tham gia câu lạc bộ đã lên tới 3.000 thành viên. Họ đang tập hợp các tài liệu, kinh sách và phiếu thu để trình báo công an về những góc khuất tồn tại nhiều năm tại câu lạc bộ tình người.

Mới đây, báo Nông thôn Ngày nay (trụ sở tại tòa nhà 68 Dương Đình Nghệ) cũng có công văn gửi công an Quận Cầu Giấy đề nghị phối hợp xử lý câu lạc bộ Tình người. Công văn cho biết câu lạc bộ thường xuyên tụ tập đông người, ảnh hưởng đến sinh hoạt tại tòa nhà. Báo Nông thôn Ngày nay cũng đã có công văn gửi câu lạc bộ, đề nghị dừng mọi hoạt động tập trung đông người.

Trước những thông tin ban đầu thu được, phóng viên VietnamPlus quyết định thâm nhập vào các lớp học để tìm hiểu ngọn nguồn sự việc để có thể vén bức màn "bí ẩn" cũng như các việc làm sai trái của câu lạc bộ này...

Câu lạc bộ Tình người ra mắt vào ngày 30/7/2019, trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển trí tuệ cộng đồng có địa chỉ trụ sở tại tầng 3, tòa nhà số 68 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo thông tin trên website chính thức, câu lạc bộ này hoạt động với phương châm “kết nối những trái tim nhân ái,” “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng.” Nguồn thu dựa trên sự đóng góp tự nguyện của hội viên. Ban chấp hành câu lạc bộ gồm có các ông Kim Bình Trọng, Trần Ngọc Việt và Nguyễn Vinh Hiển.

Ngày 29/3, phóng viên đã tìm đến trụ sở câu lạc bộ để tìm hiểu thông tin. Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết thứ Hai là ngày câu lạc bộ nghỉ. Ông từ chối trả lời và cho biết cơ quan chức năng đã tới làm việc.

"Chúng tôi đã cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra. Khi nào có kết quả, cơ quan chức năng sẽ thông tin tới báo chí," ông nói. 

Xem toàn bộ loạt bài trong series này:

Bài 1: Ma trận mê tín dị đoan dưới vỏ bọc lớp học trí tuệ

Bài 2: Thâm nhập CLB Tình người - Đa cấp, mê tín dị đoan và trốn thuế

Bài 3: Tuyên truyền về ma quỷ, vong tà qua 'pháp bảo'

Bài 4: Hoạt động đa cấp tâm linh dưới góc nhìn luật pháp

Bài 5: Tỉnh táo trong tín ngưỡng để tránh sập bẫy trục lợi tâm linh 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục