Đà Lạt: Thi công cẩu thả, nhiều tuyến đường gây mất an toàn giao thông

Do triển khai nhiều công trình cùng lúc, cùng với sự tham gia thiếu đồng bộ của các đơn vị liên quan, một số tuyến đường đang cải tạo, nâng cấp giữa lòng thành phố đang thi công khá cẩu thả.
Đà Lạt: Thi công cẩu thả, nhiều tuyến đường gây mất an toàn giao thông ảnh 1Đường Phan Đình Phùng đang được nâng cấp cải tạo.(Nguồn: BPL)

Năm 2022, thành phố Đà Lạt đang thực hiện 46 công trình công cộng trên địa bàn với tổng kế hoạch vốn trên 388 tỷ đồng.

Do triển khai nhiều công trình cùng lúc, cùng với sự tham gia thiếu đồng bộ của các đơn vị liên quan, một số tuyến đường đang cải tạo, nâng cấp giữa lòng thành phố đang thi công khá cẩu thả, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân địa phương.

Dự án cải tạo tuyến đường Phan Đình Phùng trên địa bàn phường 2, thành phố Đà Lạt khởi công từ tháng 11/2021, theo kế hoạch hoàn thành trong 18 tháng thi công.

Dự án này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Duy Hà Gold là nhà thầu thi công. Tuy nhiên, đây là công trình hiện đang bị nhiều người dân sống tại khu vực than phiền do đơn vị thi công cẩu thả.

Quan sát thực tế, phóng viên chứng kiến trên tuyến đường này, nhà thầu tập kết vật liệu xây dựng, đất đá đào lên để bừa bãi, tràn ra lòng đường, cùng với đó là những hố ga, hệ thống mương nước đang thi công dở dang nhưng thiếu hệ thống cảnh báo gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Việc thi công cũng đã khiến cho cơn mưa chiều 27/3 vừa qua, nước dâng lên và tràn vào các ngôi nhà dọc 2 bên đường.

Theo ông Võ Minh Châu, cán bộ phụ trách kỹ thuật đường thi công đường Phan Đình Phùng của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đà Lạt, đến nay, nhà thầu đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc. Theo phương án nâng cấp cải tạo, tuyến đường Phan Đình Phùng có tổng chiều dài gần 1,8 km (từ nút giao với đường Ba Tháng Hai đến nút giao với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh-La Sơn Phu Tử).

Phương án sửa chữa đối với mặt đường hiện trạng sẽ cày bóc lớp bê tông nhựa mặt đường cũ đã bị hư hỏng, thảm lại bằng bê tông nhựa dày 7 cm. Đối với những đoạn bị hư hỏng nặng, nền yếu thì đào bỏ lớp kết cấu bị hư hỏng và hoàn trả bằng lớp cấp phối đá dăm dày 36 cm, trên thảm bê tông nhựa dày 7 cm; bó vỉa làm mới bằng bê tông xi măng, vỉa hè lát gạch…

Ghi nhận thực tế trên tuyến đường này cho thấy, mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản tạm ngưng lưu thông phương tiện vận tải, xe ô tô ra vào tuyến đường này. Nhưng trên thực tế, dây cảnh báo chăng ở 2 đầu đoạn đường này vẫn bị hạ xuống để nhiều ô tô qua lại công trường. Phan Đình Phùng là tuyến đường trung tâm thành phố Đà Lạt, có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc.

[Xử phạt 5 nhà thầu thi công Quốc lộ 19 vì gây mất an toàn giao thông]

Vậy nhưng nhà thầu thi công thường xuyên tập kết vật liệu, đào đất đá lên đổ ngay trên đường, thậm chí tràn ra lòng đường khiến người đi đường thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất an toàn giao thông. Dọc hai bên đường, mương thoát nước và các hố ga đang thi công dở dang, nhưng không được đơn vị thi công rào chắn, lắp biển cảnh báo đầy đủ. Trong khi đó, hầu hết các hố đào nằm ngay trước nhà dân, khu mua sắm.

Ông Nguyễn Nhật Thông, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đà Lạt cho biết, theo phương án thi công, nhà thầu phải có bãi tập kết vật liệu riêng; đối với các công trình đang thi công như hố ga, mương nước phải căng dây cảnh báo.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban quản lý đã chỉ đạo đơn vị thi công cuối ngày phải kiểm tra các hố ga, vũng sâu. Tuy nhiên, do nhà thầu thi công nhiều công trình trên địa bàn cùng thời điểm, nên không có bãi tập kết riêng.

Theo ông Nguyễn Nhật Thông, một trong những khó khăn trong thi công đường Phan Đình Phùng sự kết hợp thiếu đồng bộ với các đơn vị quản lý hệ thống điện, nước, viễn thông nằm trên tuyến đường đang thi công. Đặc biệt, các đơn vị quản lý hệ thống cáp viễn thông rất chậm trễ trong việc phối hợp.

Ban Quản lý dự án đã 5 lần gửi tờ trình tới Ủy ban Nhân dân thành phố và nhiều lần gửi thông báo cho các đơn vị viễn thông nhưng không nhận được sự hợp tác của các đơn vị này. Ban đã gửi thông báo đến ngày 27/3 nếu các đơn vị không có phương án di dời thì chủ đầu tư dự án sẽ có phương án cắt bỏ các đường cáp viễn thông gây ảnh hưởng đến công trình.

Năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt hoàn thành và đưa vào sử dụng 23 công trình với tổng số vốn đầu tư trên 542 tỷ đồng. Năm 2022, Ban triển khai 32 công trình chuyển tiếp và 14 công trình đầu tư mới; trong đó có các dự án như nâng cấp, mở rộng các đường Trần Quốc Toản, Xuân Thành, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong nối dài, đường Ddankia, Nguyên Tử Lực, Phan Đình Phùng…

Thi công đồng thời nhiều tuyến đường trong cùng 1 thời điểm, trong khi thành phố Đà Lạt vẫn đang thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bởi vậy chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần triển khai các biện pháp phù hợp để vừa thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phát triển du lịch địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục