Đà Nẵng: Góp ý phương án thiết kế giao thông nút phía Tây cầu Rồng

Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội về Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Đà Nẵng: Góp ý phương án thiết kế giao thông nút phía Tây cầu Rồng ảnh 1Cầu Rồng (Đà Nẵng).( Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội về Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên cho biết nút giao thông phía Tây cầu Rồng và Cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý là hai nút giao thông quan trọng nằm trên trục đường giao thông chính của thành phố theo hướng Bắc Nam và Đông Tây.

Thành phố đang phát triển mở rộng đô thị về phía Nam và phát triển du lịch về phía đông kéo theo nhu cầu đi lại của người dân qua các khu vực này tăng cao, thường xuyên gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.

Hiện thành phố Đà Nẵng đã đưa ra nhiều phương án thiết kế, xây dựng cải tạo hai nút giao thông này.

Vì vậy, hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến và phản biện xã hội từ các hội đồng tư vấn, chuyên gia để hoàn thiện phương án thiết kế 2 nút giao thông, để sớm đưa vào triển khai đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đại diện Tư vấn thiết kế 2 nút giao thông cho biết về nút giao thông phía Tây cầu Rồng là điểm giao nhau giữa các tuyến đường Nguyễn Văn Linh-Trần Phú-Trưng Nữ Vương và Nguyễn Văn Linh-Bạch Đằng-Đường 2/9, có hai phương án thiết kế.

Phương án 1 gồm: 1 hầm+đèn điều khiển, kinh phí dự kiến 150 tỷ đồng. Phương án 2 gồm: 2 hầm đơn, kinh phí dự kiến 350 tỷ đồng.

Về Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý gồm các nút giao của đường Duy Tân-Núi Thành; Duy Tân-đường 2/9; Duy Tân-Bạch Đằng nối dài- đường 2/9, có hai phương án thiết kế.

Phương án 1: Nút giao khác mức 2 tầng với 1 tầng hầm+đèn điều khiển, kết hợp xây dựng mới đường phía sau Khu hội nghị tiệc cưới, kinh phí dự kiến khoảng 218 tỷ đồng. Phương án 2: Nút giao khác mức 3 tầng với 1 tầng hầm+Đảo xuyến+Cầu vượt kết hợp xây dựng mới đường phía sau Khu hội nghị tiệc cưới, kinh phí dự kiến 520 tỷ đồng.

Các phương án thiết kế được đưa ra nhằm hạn chế tối đa thay đổi cảnh quan khu vực, đặc biệt là khu vực Cổ Viện Chàm và cầu Rồng, hạn chế công tác giải phóng mặt bằng, thu hẹp dòng chảy sông Hàn.

Đảm bảo tổ chức giao thông cho cả cụm các nút giao thông; hạn chế phân tán lưu lượng giao thông qua các nút lân cận và hình thành các điểm xung đột ùn tắc mới; đồng thời, giá thành hợp lý phù hợp với hiện trạng quy hoạch khu vực, đặc biệt đảm bảo tích hợp tốt với quy hoạch hệ thống giao thông công cộng.

Kiến trúc sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng nêu ý kiến đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng nên chọn phương án 2 hầm đơn sẽ tốt nhất cho hiện tại và trong tương lai.

Đối với nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, cần chọn Phương án 1: Nút giao khác mức 2 tầng gồm 1 tầng hầm+đèn điều khiển, kết hợp xây dựng mới đường phía sau Khu hội nghị tiệc cưới cho giai đoạn đầu.

Hầm dọc theo trục đường Duy Tân qua 3 nút như Tư vấn nêu, còn 5 nhịp cầu vượt thép cho 4 làn xe dài 203m không nên làm lúc này, chỉ để cho sau này nếu cần (tức giai đoạn 2).

Sau khi đã có hầm theo hướng đường Duy Tân thì giao thông chỉ còn có một hướng Bắc-Nam mà thôi.

Tại Nút Duy Tân-2/9 đi theo vòng xuyến. Hai nút còn lại phía Đông và phía Tây dùng đèn điều khiển. Phương án như vậy vừa giảm kinh phí đầu tư, vừa bảo đảm cảnh quan, tầm nhìn đẹp cho khu vực cầu Trần Thị Lý.

Cũng cùng ý kiến chọn thiết kế 2 hầm đơn, Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng đây là phương án tối ưu nhất trong các phương án nhưng vẫn còn một số bất cập cần giải quyết như phương án 2 hầm sẽ xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao, đảm bảo khả năng thông hành qua nút thuận lợi, thông suốt đặc biệt là các dòng giao thông có lưu lượng lớn, đáp ứng nhu cầu giao thông trong dài hạn.

Tuy nhiên với các mặt cắt hầm thiết kế sẽ gây bóp hẹp các mặt đường 2/9, Bạch Đằng, Trần Phú so với hiện nay.

Một số hành trình rẽ trái bị kéo dài, hiện tượng trộn dòng sẽ xảy ra tại một số tuyến đường Lê Hồng Phong, đường 2/9, Bạch Đằng sẽ tạo ra những điểm ùn tắc mới.

Kiến trúc sư Phan Đức Hải kiến nghị cần phải chỉnh trang lại ngõ hẻm, mở một số tuyến giao thông mới xuyên qua khu dân cư để góp phần giảm tải lưu lượng xe qua các nút giao thông.

Thời gian qua, Đà Nẵng xây dựng các công trình ngầm song mang tính cục bộ đơn lẻ, chưa xây dựng quy hoạch không gian ngầm đô thị, thời gian tới thành phố nên sớm có phương án tích hợp phát triển và sử dụng không gian bề mặt và không gian ngầm một số khu chức năng thương mại, văn hóa, du lịch có thuận lợi về quỹ đất.

Trường hợp khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới, quảng trường đường 2/9 - xây dựng lộ trình không gian ngầm làm chỗ để xe, dịch vụ sẽ giúp làm giảm áp lực vận tải trên mặt đất.

Từ đó giảm thiểu hiện tượng ùn tắc giao thông toàn tuyến đường, trả lại không gian bề mặt cho công viên cây xanh, phố đi bộ kết nối với tuyến đi bộ bờ Tây sông Hàn đến cầu Tuyên Sơn.

Không tán thành phương án 2 Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Kiến trúc sư Âu Ngọc Sơn cho rằng, thiết kế nút giao khác mức 3 tầng gồm: 1 tầng hầm+Đảo xuyến+Cầu vượt kết hợp xây dựng mới đường phía sau Khu hội nghị tiệc cưới, kinh phí dự kiến 520 tỷ đồng sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị; chi phí đầu tư quá cao; cấu trúc giao thông theo phương thức cầu vượt vòng xuyến đã cũ và không còn sử dụng ở nước ngoài…

Đồng thời, đề nghị tổ chức thi tuyển rộng rãi các phương án kiến trúc vì đây là các công trình lâu dài.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chọn phương án 2 hầm đơn cho Nút giao thông phía Tây cầu Rồng vì phương án này xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao, đảm bảo khả năng thông hành qua nút được thuận lợi, thông suốt đặc biệt là các dòng giao thông có lưu lượng lớn, đáp ứng nhu cầu giao thông trong dài hạn.

Các phương án về Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý vẫn còn nhiều ý kiến góp ý, chưa đồng tình vì vẫn tồn tại nút giao thông điều khiển bằng đèn và chỉ đáp ứng lưu lượng giao thông trong thời gian từ 3-5 năm tới. Bên cạnh đó, giá thành khá cao.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, đóng góp thiết thực của các đại biểu.

Qua đó sẽ tập hợp các ý kiến, góp ý và phản biện về các phương án thiết kế để trình lãnh đạo thành phố sớm hoàn thiện phương án thiết kế tối ưu, nhằm đưa vào triển khai thực hiện góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và sự phát triển của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục