Thương lái đổ về Nghi Lộc đặt mua cam ''tiến Vua'' dịp Tết Nguyên đán

Các khách hàng trong và ngoài tỉnh Nghệ An tìm mua cam Xã Đoài chủ yếu để bày mâm ngũ quả, làm quà biếu hoặc để ăn trong dịp Tết Nguyên đán.
Thương lái đổ về Nghi Lộc đặt mua cam ''tiến Vua'' dịp Tết Nguyên đán ảnh 1Cam Xã Đoài có đặc điểm vỏ cam mịn, mỏng, vàng bóng, trên vỏ cam có nhiều túi tinh dầu nên khi bóc vỏ có mùi thơm đặc trưng. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Càng gần đến Tết Nguyên Đán, vùng cam đặc sản Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) lại càng nhộn nhịp khi nhiều người dân ở khắp mọi nơi và các thương lái đến tận vườn để đặt mua cam.

Cam Xã Đoài thường được bán bằng quả chứ không bán theo cân, mỗi quả cam trung bình nặng khoảng 200 gram, có giá trung bình 70.000 đồng/quả (tương đương hơn 350.000 đồng/kg).

Là loại cam nổi tiếng thơm ngon dùng để "tiến vua" nên dù với giá bán 70.000 đồng/quả, cam Xã Đoài vẫn đắt khách dịp Tết.

Loại quả này chủ yếu để bày mâm ngũ quả, làm quà biếu hoặc để ăn trong dịp Tết. Dù giá cao nhưng năm nào cam Xã Đoài cũng khan hiếm hàng vào dịp Tết.

Ngoài việc mua quả, một số người sành chơi mua cả gốc về trồng và trưng bày dịp Tết. Năm ngoái, gia đình đã bán nguyên một gốc cam với giá 34 triệu đồng.

Các vườn cam Xã Đoài của nhiều hộ gia đình khác tại xã Nghi Diên cũng được khách hàng, các thương lái từ các vùng phụ cận tìm đến tận vườn đặt mua.

Thương lái đổ về Nghi Lộc đặt mua cam ''tiến Vua'' dịp Tết Nguyên đán ảnh 2Cam Xã Đoài tại Trung tâm khôi phục và phát triển cam Xã Đoài đến tay khách hàng với mẫu mã, quy cách đóng gói sang trọng, xứng tầm là loại cam quý tộc. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Cam Xã Đoài là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt, đây là cây ăn quả đặc sản dùng để "tiến Vua" nức tiếng ở xứ Nghệ lưu truyền hơn 150 năm trước.

Cam Xã Đoài có đặc điểm vỏ cam mịn, mỏng, vàng bóng; trên vỏ cam có nhiều túi tinh dầu nên khi bóc vỏ có mùi thơm đặc trưng.

Người bóc quả cam Xã Đoài sau khi bóc dù đã rửa tay, mùi tinh dầu đó vẫn để lại ở tay.

Khi bổ quả cam Xã Đoài ra có màu mật ong rừng, ăn có vị ngọt mát, tan nhanh trong miệng, ăn xong vị ngọt đó được lưu lại trong cổ họng người ăn.

Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập Xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm.

Hiện Trung tâm khôi phục và phát triển cam Xã Đoài nằm trên địa bàn xã Nghi Diên là đơn vị có diện tích trồng loại cam "tiến Vua" lớn nhất với diện tích 9ha.

Từ đầu tháng Chạp, những quả cam đã ngả màu vàng, bắt đầu "xuống nước." Nhờ áp dụng những công nghệ chăm sóc hiện đại, bón phân hữu cơ nên giống cam đặc sản này không những tăng về diện tích, giữ được hương vị nguyên bản mà còn nâng cao năng suất.

Anh Lê Văn Thắng, Quản lý của Trung tâm khôi phục và phát triển cam Xã Đoài, cho biết thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng của cam, ngoại trừ mẫu mã không được đẹp như mọi năm.

Do giá khá cao nên cam Xã Đoài chủ yếu được người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các thành phố lớn đặt mua để làm quà biếu Tết.

Cùng với cách bán truyền thống, hiện cam Xã Đoài tại Trung tâm đến tay khách hàng với mẫu mã, quy cách đóng gói sang trọng, xứng tầm là lọai cam quý tộc.

Theo anh Lê Văn Thắng, quy trình chăm sóc cam xã Đoài tại Trung tâm được tuân thủ nghiêm ngặt theo công nghệ chuyển giao từ phía Nhật Bản, phân bón cây cũng là phân gà, nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ngoài ra, Trung tâm còn sử dụng đậu nành và cá ủ lên men, pha với nước sạch theo tỉ lệ nhất định để bón cho cây cam; từng quả cam cũng được bọc vỏ chống sâu bệnh và côn trùng.

Vụ Tết năm nay, Trung tâm có 4ha cam cho thu hoạch, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 10 tấn cam Xã Đoài.

Ông Phan Công Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Diên, cho biết toàn xã hiện có 172 hộ dân trồng cam Xã Đoài với tổng hơn 33ha; trong đó có gần 19ha đã cho thu hoạch.

Nhiều hộ gia đình tại địa phương hàng năm thu nhập từ 150-250 triệu đồng từ cam vụ Tết.

Nếu như năm 2021 sản lượng cam toàn xã phục vụ cho thị trường Tết đạt 20 tấn thì do đợt mưa lớn kéo dài đầu tháng 10/2022 khiến nhiều diện tích cam bị ngập nước, rụng quả hàng loạt nên sản lượng năm nay giảm còn khoảng 15 tấn cung ứng trong dịp Tết.

Năm 2022, cam Xã Đoài đã được thẩm định và công nhận đạt sản phẩm OCOP, qua đó khẳng định thương hiệu và chất lượng cam Xã Đoài tại địa phương từ nhiều năm nay.

Thương lái đổ về Nghi Lộc đặt mua cam ''tiến Vua'' dịp Tết Nguyên đán ảnh 3Người dân thường mua cam Xã Đoài trong dịp Tết để bày mâm ngũ quả, làm quà biếu. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khôi phục và mở rộng diện tích trồng cam Xã Đoài tại địa phương gặp nhiều khó khăn do yếu tố thổ nhưỡng, sâu bệnh, thời tiết.

Với mục tiêu khôi phục giống cam đặc sản nổi tiếng này, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho người dân về cách chăm bón, trồng cam, phun thuốc bảo vệ thực vật ở thời điểm phù hợp.

Địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật vào để nhằm khôi phục và phát triển cam Xã Đoài trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trong dịp Tết đến, Xuân về.

Theo cuốn Lịch sử xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cam Xã Đoài được các cố đạo người Pháp mang đến Xã Đoài cách đây hơn 100 năm.

Sau thời gian ngắn đã tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên ngôi làng mà nó hợp duyên, làng Xã Đoài. Hiện cam Xã Đoài tại xã Nghi Diên là giống cam đắt nhất tại các tỉnh miền Trung, có thời điểm xấp xỉ 100.000 đồng/quả.

Các vị cao niên trong làng cho rằng cam Xã Đoài còn được người dân địa phương gọi là cam "tiến vua," do thời trước loại cam này chỉ có tầng lớp vua quan mới có điều kiện thưởng thức.

Điều đặc biệt hơn là chỉ có đất ở vùng Xã Đoài mới trồng được loại cam cho vị ngon ngọt đặc trưng, nếu đưa giống đi nơi khác trồng sẽ không còn hương vị này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục