Bài 3: Vùng "đặc khu chim trời''-Đã đến lúc cần phải xóa bỏ tận gốc
Nhiều năm qua, danh xưng tai tiếng “địa ngục chim trời” ở Thạnh Hoá đã ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực.
Sau khi báo chí lên tiếng, năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Long An bấy giờ đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình hình, nhưng suốt từ đó đến nay, kể cả khi dịch bệnh COVID-19 đang trở nên nóng bỏng với nguồn nghi nhiễm từ các động vật hoang dã thì tình trạng buôn bán chim trời tại “địa ngục chim trời” vẫn cơ bản như cũ, thờ ơ và điềm nhiên với dịch bệnh cũng như lệnh cấm.
Thậm chí, chúng tôi còn ghi nhận nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm bị buôn bán hơn.
Thực trạng này phần nào cho thấy nơi đây đang tồn tại “sự vô cảm” đáng sợ và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan thì “bình chân như vại,” chưa thực sự vào cuộc kiểm tra, quyết tâm ngăn chặn hay hướng tới việc xóa sổ “thi trường đen” buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Nguồn chim trời đang dần cạn kiệt
Trước thông tin các “con buôn” tiết lộ rằng phần lớn chim trời hoang dã tại chợ Thạnh Hóa và Tam Nông, được bẫy bắt từ trong Vườn Quốc gia Tràm Chim với số lượng “bao nhiêu hàng cũng có,” phóng viên VietnamPlus đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim, ngay sau khi đã có thông tin với Cục Kiểm lâm. Tuy nhiên, tại buổi gặp, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho rằng đây là 'vấn đề rất nhạy cảm' nên cần thời gian chuẩn bị và sẽ trả lời qua email.
Về phần cá nhân, ông Lâm dù không khẳng định chim hoang dã bán ở ngoài chợ được bẫy bắt, tuồn bán từ Vườn Quốc gia Tràm Chim ra ngoài, nhưng cũng thừa nhận việc có rất nhiều loài chim quý, hiếm nằm trong danh mục “sách đỏ” Việt Nam đang bị bày bán tràn lan ở bên ngoài, nhất là tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
[Khẩn trương soạn thảo Chỉ thị cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã]
Như vậy, trong khi chờ người đứng đầu Vườn Quốc gia Tràm Chim (nơi mọi thông tin nhắc tới là “khối băng chìm” động vật hoang dã đang bị các đầu nậu khai thác tuồn bán ra ngoài) lên tiếng, quyết tâm “đóng cửa” đúng chức năng bảo tồn, thì mọi hoạt động buôn bán tại các khu chợ bên ngoại vẫn diễn ra công khai.
Thực trạng trên càng đáng lo hơn khi không ít “con buôn” tại chợ chim Thạnh Hóa đã công khai thừa nhận rằng chim trời đang cạn kiệt.
Dễ hiểu, với số lượng lớn chim hoang dã được nhập về liên tiếp trong hàng chục năm nay thì chim trời chưa kịp sinh sôi đã bị tàn sát cả đàn.
Minh chứng là, “vừa rồi nhà tôi vào Vườn Tràm Chim thăm quan, mà chim còn ít hơn ở chợ,” bà Tâm - chủ một gian hàng ở chợ Thạnh Hóa chia sẻ và cho biết “đó cũng là lý do gần đây tôi phải nhập thêm nguồn hàng từ Camphuchia, chứ nuôi thì bao giờ mới có lãi.”
Trong quá trình khám phá gian hàng bán chim trời này, người viết còn được nghe bà Tâm khoe một loạt cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm 1B (nhóm nguy cấp, quý, hiếm) nhưng hoàn toàn không có giấy phép đang được nhốt, trưng này ngay tại chợ và trang trại của gia đình như rái cá, gà đẫy, chim ưng, công, rùa vàng... với giá trị mỗi cá thể từ 3,5 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Hoạt động buôn bán tại khu chợ này diễn ra công khai từ năm này qua năm khác là vậy, nhưng khi trao đổi với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, thông tin mà người viết nhận được lại là sự thờ ơ, bất lực. “Cái này tồn tại từ lâu rồi, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo kiểm tra, thành lập đoàn liên ngành, các lực lượng đã làm hết rồi. Còn khi anh em rút lui, bà con lấy ra thì chúng tôi chịu,” ông Lê Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An chia sẻ với phóng viên.
Cũng vì thế, từ một khu chợ trưng bán động vật hoang dã tự phát nằm ngay ven đường quốc lộ, đã trở thành vùng “đặc khu” chim hoang dã buôn bán công khai...
Kiểm dịch qua loa, công khai rao bán, dửng dưng trước dịch bệnh
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường thì “các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã và điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV, Ebola, H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, virus Marburg ở châu Âu”
Cảnh báo trên cho thấy điều cấp thiết cần làm tại khu chợ chim trong thời điểm này là công tác kiểm dịch phải triển khai nghiêm túc đồng thời phải ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Vậy nhưng thực tế lại ngược lại.
Ghi nhận của phóng viên vào những ngày đầu tháng 3 tại chợ chim Thạnh Hóa cho thấy không có bất cứ hoạt động kiểm tra, kiểm dịch nào của lực lượng chức năng.
[Chống COVID-19: Cần quy trách nhiệm, “xóa chợ đen” động vật hoang dã]
Tới sáng 11/3, trong lúc trao đổi với một “ông trùm” cung cấp chim trời, người viết mới thấy một chiếc xe biển xanh chở cán bộ thú y của địa phương đến kiểm tra nhưng cũng chỉ ghé vào vài gian hàng lấy một số mẫu (chim, cò đã chết và đã làm thịt sẵn) rồi nhanh chóng đi về, trong khi hàng chục gian hàng khác với hàng trăm ngàn cá thể chim, cò, gà hoang dã các loại còn sống và đã chết... thì không vào lấy mẫu.
Thực tế này khiến không ít khách qua đường lo ngại về công tác kiểm dịch tại chợ. Ngay cả những người bán hàng tại chợ cũng thắc mắc và cho rằng “họ đến lấy mẫu cho có thôi vì động vật ở đây ngoài nguồn cung trong nước, còn có hàng nhập lậu từ Campuchia, Thái Lan.”
Thế nên, “giờ chỉ lấy mẫu có vài ba con trong 1-2 gian hàng thế sao được. Nếu làm bài bản, họ phải kiểm tra, lấy mẫu tại tất cả các gian hàng với tất cả hàng trăm ngàn cá thể động vật bán ở đây mới đảm bảo an toàn tuyệt đối được,” anh T. chủ một gian hàng tại chợ Thạnh Hóa chia sẻ.
Với những gì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã làm như “tổ chức kiểm tra định kỳ 7 ngày/lần” hay “kiểm dịch, lấy mẫu” và cắm biển “cấm buôn bán động vật hoang dã” ở ngay đầu đường qua chợ, có thể nói công tác bảo vệ động vật hoang dã được địa phương lưu tâm, đưa vào kế hoạch. Song thực tế triển khai lại đang “có vấn đề” khi mọi hoạt động buôn bán, giam cầm, sát hại động vật hoang dã và tuồn bán đi khắp nơi vẫn vô tư diễn ra.
Đáng lo ngại hơn, trong số hàng trăm ngàn cá thể động vật hoang dã bày bán tại chợ Thạnh Hóa, có cả những loài thuộc nhóm 1B được trưng bày công khai tại chợ nhưng hoàn toàn không có giấy phép vẫn được các con buôn rao bán. Điều này càng cho thấy sự lơ là, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, khiến nhiều loài hoang dã đang từng giờ bị săn bắt và phải nhận “án tử” để đi tới bàn nhậu.
Thực trạng này thực sự nguy hiểm và không thể trì hoãn ngăn chặn, giải quyết, bởi nếu công tác kiểm tra, kiểm dịch không được triển khai nghiêm túc, và vùng “đặc khu” buôn bán chim trời trái phép không được “xóa sổ,” nguy cơ các loài hoang dã bị tuyệt chủng và “khoảng 70% bệnh truyền nhiễm hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang” như giới chuyên gia cảnh báo là thực tế nhãn tiền./.
[Bài 1: Đường đi của chim từ rừng xanh, trời cao... lên đĩa]
[Bài 2: Hé lộ "khối băng chìm" ẩn sau 'đặc khu" bán lậu chim trời]
Đón đọc Bài 4: Số phận của đặc khu chim trời sau cuộc 'truy quét bí mật'