Chiều 23/10, trao đổi với phóng viên VietnamPlus bên lề Quốc hội, luật sư Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng lợi dụng “kẽ hở” của chính sách, cơ chế quản lý còn lỏng lẻo để chiếm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp sau khi mất việc.
Cụ thể, quy định của pháp luật là một người mất việc làm hoặc bị một đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động thì trong thời hạn 3 tháng, người lao động được nộp hồ sơ để xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Và, trong khoảng thời hạn 20 ngày, cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong thời hạn 3 tháng 20 ngày (gần 4 tháng), “người thất nghiệp” đã xin được việc làm nhưng lại không khai báo. Trong khi đó, chúng ta không có cơ chế liên thông để kiểm soát việc một người đang làm thủ tục xin nhận quỹ với bên bộ phận giới thiệu việc làm hoặc đơn vị mới, dẫn đến một mặt vẫn trả bảo hiểm thất nghiệp dù “người thất nghiệp” vẫn có việc.
“Như vậy, kẽ hở do cải cách quản lý còn đang bất cập dẫn đến chúng ta không có cơ chế để phát hiện gian dối. Việc hô khẩu hiệu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện chỉ là bề nổi,” luật sư Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cũng đưa ra cảnh báo, nếu người lao động nhận thấy việc cảnh quản lý còn dễ dãi như hiện nay sẽ không tránh khỏi việc lợi dụng, thậm chí còn làm giả hồ sơ thất nghiệp để chiếm dụng quỹ. Do vậy cần phải nhìn nhận để có cơ chế giám sát để phát hiện, xử lý một cách nghiêm minh theo đúng quy định.
[Đại biểu Quốc hội rơi nước mắt khi nói về tăng thời gian làm thêm giờ]
Ông Chiến cho rằng chính sách về bảo đảm quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã được xây dựng từ năm 2009 và đã thực thi khi bắt đầu phát sinh việc lợi dụng “kẽ hở” trong khâu quản lý. Tuy nhiên, đến năm 2015 mới luật hóa vào Bộ luật hình sự với các biện pháp mạnh để răn đe và mãi đến 2019 thì Hội đồng thẩm phán tối cao mới có văn bản hướng dẫn.
“Trong thực tiễn, việc xử lý hành chính đã có nhưng xử lý nghiêm khắc có tính chất răn đe bằng pháp luật hình sự thì hiện nay còn đang rất ít,” luật sư Chiến nói.
Để đề phòng, ngăn chặn tình trạng trên, theo ông Chiến, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; có sự phối kết hợp thanh - kiểm tra giữa các cơ quan chức năng với tổ chức giới thiệu việc làm.
Ngoài ra, Nhà nước phải xử lý nghiêm và răn đe một cách hữu hiệu đối với những trường hợp lợi dụng hoặc tiếp tay cho hành vi trục lợi của người lao động khi họ không đủ điều kiện, hoặc thậm chí giả mạo hồ sơ để thực hiện hành vi chiếm đoạt quỹ bảo hiểm xã hội.../.