Ban lãnh đạo Korean Air đã nhất trí cung cấp khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 60 tỷ won (54 triệu USD) cho công ty vận tải đường biển Hanjin Shipping của Hàn Quốc.
Sau thông tin này, giá cổ phiếu của Hanjin Shipping trong phiên giao dịch ngày 22/9 đã tăng 30%. Hiện Korean Air là cổ đông lớn nhất của Hanjin Shipping.
Hanjin Shipping, công ty vận tải đường biển lớn thứ bảy thế giới, đang tìm kiếm sự bảo hộ phá sản ở Hàn Quốc và Mỹ sau khi các chủ nợ từ chối tiếp tục hỗ trợ công ty đang gánh khoản nợ trị giá 5,37 tỷ USD này. Đây là vụ bảo hộ phá sản lớn nhất trong lịch sử các hãng tàu biển, vốn đang “chịu đựng” thời kỳ “ế ẩm” nhất trong sáu thập niên qua, do hoạt động trao đổi thương mại trên toàn cầu diễn ra ảm đạm và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Khoản cho vay mà Korean Air chấp thuận nói trên là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ won mà tập đoàn mẹ Hanjin Group, sở hữu cả Hanjin Shipping và Korean Air, cam kết trước đó.
Ngày 22/9, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), chủ nợ của Hanjin Shipping, cho biết đang cân nhắc khoản tín dụng trị giá 50 tỷ won (45 triệu USD), để hỗ trợ các tàu đang bị “mắc kẹt” tại các cảng, do vụ phá sản của Hanjin Shipping.
Một số chuyên gia nhận định sự sụp đổ của Hanjin Shipping, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Hàn Quốc, đã khiến ngành vận tải biển thế giới rơi vào hỗn loạn, gây ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau khi Tập đoàn Hanjin tuyên bố phá sản, giá vận tải một container cao 12m từ Trung Quốc đến Mỹ tăng vọt 50%. Cụ thể, giá vận tải từ Trung Quốc đến các cảng bờ Tây tăng từ 1.100 USD/container lên 1.700 USD và giá vận tải từ Trung Quốc đến bờ Đông của Mỹ tăng từ 1.700 USD/container lên 2.400 USD/container./.