Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước đi vào hoạt động

Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước đi vào hoạt động với bốn loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử Bình Phước, kênh phát thanh Bình Phước, báo hình.
Lễ công bố và ra mắt lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình và báo Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Lễ công bố và ra mắt lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình và báo Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 28/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh trên cơ sở hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước.

Đây là mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời, thực hiện theo đề Đề án 999 sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế của Tỉnh ủy Bình Phước.

Theo đó, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước đi vào hoạt động với bốn loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử Bình Phước, kênh phát thanh Bình Phước, báo hình. Đây là cơ quan truyền thông và báo chí đa phương tiện đáp ứng xu thế của thời đại.

[Thành lập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước]

Bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước, cho biết, sau khi hợp nhất, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước có 243 người, hội đủ điều kiện để trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên, việc đổi mới này cũng tạo ra nhiều áp lực và cần sự nỗ lực của từng con người để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở làm việc đặt tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước). Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự chủ một phần kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại lễ công bố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đề nghị, sau khi hợp nhất, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước cần thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nữa về công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương; góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước cần nhanh chóng ổn định điều hành nhân sự và phát huy hiệu quả công tác đặc thù để hình thành cơ quan đa phương tiện truyền thông hiện đại của tỉnh trong bối cảnh Bình Phước đang trên đà đổi mới và hiện đại nền hành chính công phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, thực hiện Quyết định 999-QĐ/TU của Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đến nay sau khi sắp xếp, toàn tỉnh đã giảm được 138 đầu mối cấp phòng, giảm 210 lãnh đạo và 1.845 biên chế.

Theo đó, các cơ quan thuộc khối Đảng giảm 12 đầu mối cấp phòng, giảm 18 cấp trưởng, 20 cấp phó và 37 biên chế; khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội giảm 13 đầu mối cấp phòng và 7 trung tâm, giảm 15 cấp trưởng, 11 cấp phó và 28 biên chế; khối nhà nước, ở tỉnh giảm 90 đầu mối cấp phòng, cấp huyện giảm 16 đầu mối cấp phòng, qua đó giảm 88 cấp trưởng, 91 cấp phó và 1.782 biên chế.

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giảm 40 đầu mối. Kết quả, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy đã bước đầu tiết kiệm xấp xỉ 40 tỉ đồng/năm về chi thường xuyên của ngân sách nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và các đại biểu tham quan tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Liên chi hội nhà báo TTXVN về nguồn tại Thái Nguyên

Ngày 26/4/2025, tại Thái Nguyên, Liên chi hội nhà báo TTXVN tổ chức về nguồn tìm hiểu vùng đất lịch sử “Thủ đô kháng chiến 1946-1954” và di tích lịch sử Quốc gia trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Mùa giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2024 có 30 giải Khuyến khích, 18 giải C, 14 giải B và 6 giải A các thể loại và 2 giải thưởng Chuyên đề. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Giải Báo chí TTXVN: Ghi nhận nỗ lực và sự dấn thân của các nhà báo

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định nhiều tác phẩm đoạt giải là thành quả của sự dấn thân, tổng hợp sức mạnh của các đơn vị sản xuất thông tin với các cơ quan thường trú trong và ngoài nước; nhiều tác giả đã nắm bắt được công nghệ làm báo hiện đại để truyền tải tới công chúng những thông điệp quan trọng bằng các tác phẩm đa phương tiện hết sức mới mẻ.

Các nhà báo lão thành chia sẻ về ký ức đầy tự hào. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bản hùng ca của ngành Thông tấn cách mạng Việt Nam

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, với tinh thần quả cảm, ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến anh dũng của quân dân ta.