Đắk Nông: Nổ súng hăm dọa, đánh nứt xương cánh tay của kiểm lâm

Khoảng 10 người đến cản trở, lăng mạ lực lượng chức năng, nổ súng hăm dọa sau đó kéo đến và đập phá chốt, đập phá xe đồng thời dùng gậy gộc tấn công nhân viên Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong.
Đắk Nông: Nổ súng hăm dọa, đánh nứt xương cánh tay của kiểm lâm ảnh 1Một góc rừng bị chặt phá. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) cho biết đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng của tỉnh sự việc một kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ vụ chống người thi hành công vụ này; động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kiểm lâm viên bị nạn.

Khoảng 14 giờ ngày 4/5, lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trường vụ rừng bị phá tại khoảnh 2, tiểu khu 1644 thuộc địa bàn xã Quảng Sơn (do Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Tiến quản lý).

Trong khi lực lượng kiểm lâm đang làm nhiệm vụ, khoảng 10 người đến cản trở, lăng mạ lực lượng chức năng.

Khoảng 15 giờ 30 phút, Công an xã Quảng Sơn đến hiện trường để hỗ trợ thì xuất hiện thêm một số người mang theo súng kíp đến cản trở và nổ súng hăm dọa. Lực lượng chức năng đã khống chế đối tượng nổ súng và thu được khẩu súng kíp.

Sau đó, khi lực lượng chức năng tập trung về chốt quản lý bảo vệ rừng của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Tiến thì hàng chục người đã kéo đến và đập phá chốt, đập phá xe ôtô của hợp tác xã, đồng thời dùng gậy gộc tấn công lực lượng kiểm lâm.

Một đối tượng đã dùng gậy tấn công anh Đào Đình Nguyên (26 tuổi) kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong khiến anh Nguyên bị nứt xương cánh tay trái. Hiện, anh Nguyên được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đắk Nông.

Những năm gần đây, Quảng Sơn là một điểm nóng về tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấn chiếm đất rừng cũng như an ninh trật của tỉnh Đắk Nông. Nhiều công ty lâm nghiệp tại đây được giao hàng nghìn ha đất rừng nhưng khâu quản lý, bảo vệ còn bất cập.

Thêm vào đó, tình trạng người dân di cư ngoài kế hoạch cũng như người dân địa phương phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm đất nông nghiệp vẫn xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục