Đậm đà nét văn hóa Việt tại Hội chợ Quốc tế Metz vùng Đông Pháp

Không gian Việt Nam được bố trí thành ba khối liên kết với nhau giới thiệu về thương mại, văn hóa và ẩm thực, trong đó quần thể trưng bày văn hóa, với ba chủ đề chính mang đậm hương sắc ba miền.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Việt Nam đã trở thành khách mời danh dự của Hội chợ Quốc tế Metz, sự kiện thường niên của thành phố Metz - thủ phủ tỉnh Moselle ở miền Đông nước Pháp.

Ngày 27/9, Tỉnh trưởng Moselle - ông Didier Martin và Thị trưởng Metz - ông Dominique Gros cùng Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đã long trọng cắt băng khai mạc hội chợ.

Hội chợ Quốc tế Metz là sự kiện kinh tế-văn hóa lớn tại Pháp có bề dày 84 năm lịch sử. Từ nhiều năm nay, các nhà tổ chức đã phát triển sự kiện theo chiều hướng thương mại, tạo điều kiện để nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ giới thiệu sản phẩm. Tuy vậy, khía cạnh văn hóa cũng được chú trọng với rất nhiều hoạt động giải trí sôi động.

Hội chợ diễn ra trong 11 ngày tại quần thể triển lãm của thành phố Metz, với khoảng 550 gian hàng, quảng bá 1.500 nhãn hiệu hàng hóa Pháp và thế giới, trong đó nêu bật những sản phẩm của vùng Đông Pháp.

Trên tổng diện tích gần 5 hécta mặt bằng, người tiêu dùng và khách tham quan sẽ có dịp khám phá sản phẩm và công nghệ, kỹ thuật trên 25 lĩnh vực, từ đồ dùng gia đình và trang trí, hàng thủ công mỹ nghệ của Pháp và quốc tế, sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm cho tới nhiều chủng loại hàng công nghệ mới.

Năm nay, các sản phẩm phục vụ nhà ở sẽ là chủ đề chính của hội chợ. Không gian Việt Nam được bố trí thành ba khối liên kết với nhau giới thiệu về thương mại, văn hóa và ẩm thực.

Điểm nhấn lớn nhất là quần thể trưng bày văn hóa, với ba chủ đề chính mang đậm hương sắc ba miền đất nước: vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An và chợ nổi Nam bộ.

Ông Nghiêm Xuân Đông, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, cho biết trung tâm tổ chức hội chợ đã thiết kế không gian trưng bày Việt Nam phù hợp với kết cấu toàn cảnh của hội chợ, sau đó Trung tâm Văn hóa Việt Nam chỉnh sửa lại cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Quá trình chuẩn bị đã kéo dài gần một năm nay. So với những lần tham gia hội chợ quốc tế tại Pháp trước, lần này không gian Việt Nam được trình bày đồ sộ và chi tiết hơn.

[Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam gây chú ý tại hội chợ quốc tế London]

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ước tính sẽ có một lượng lớn du khách này dừng chân tại không gian Việt. Những người Pháp yêu thích ẩm thực sẽ có dịp thưởng thức các món ăn Việt Nam do một số nhà hàng Việt tại Pháp thực hiện.

Không thể thiếu nem, phở vốn đã trở thành quen thuộc tại Pháp, và còn rất nhiều món ăn khác mà người dân địa phương ít có dịp khám phá như chè hoa quả, bún bò Huế, phở cuốn.

Ông Michel Coqué, Tổng Giám đốc Trung tâm tổ chức sự kiện Metz và vùng phụ cận, cơ quan tổ chức hội chợ, cho biết việc mời Việt Nam tham dự với tư cách là khách mời danh dự đến một cách rất tự nhiên.

Ông chia sẻ: “Ý tưởng này trước hết xuất phát từ mối liên hệ kinh tế rất chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp, sự giao thoa giữa hai nền văn hóa trong lịch sử. Chúng tôi có mối liên hệ với một số đối tác và đã chủ động liên hệ với phía Việt Nam, đưa ra ý tưởng mời Việt Nam tham gia hội chợ. Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng muốn chọn Hội chợ Metz để quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam, do vị trí đặc biệt của thành phố Metz tại châu Âu. Tại hội chợ, Việt Nam sẽ có cơ hội để giới thiệu văn hóa và sản phẩm không chỉ tới người Pháp mà cho cả những nước châu Âu xung quanh có chung đường biên giới với Pháp.”

Trong các hoạt động này, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp chú trọng nhấn mạnh ý nghĩa văn hóa. Do đó, có rất nhiều chương trình biểu diễn chất lượng cao, mang đậm bản sắc Việt Nam.

Mỗi ngày, đoàn nghệ sỹ Nhà hát Chèo và Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn liên tục 4 suất diễn trên sân khấu trong nhà.

Ngay lối vào không gian văn hóa, khách tham quan có dịp thưởng thức nghệ thuật thư pháp hiện đại Việt Nam, nghệ thuật đan lát và trò chơi nặn tò he do nghệ nhân Lê Xuân Tùng thực hiện.

Tiết mục trình diễn nặn tháp Eiffel trên nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam của Xuân Tùng nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả và các quan chức Pháp tham dự lễ khai mạc gian hàng.

Song song với sự kiện, một tuần lễ phim Việt Nam cũng được tổ chức tại rạp chiếu phim trung tâm của thành phố Metz với sáu bộ phim được đánh giá cao, trong đó có phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh như "Thương nhớ đồng quê," "Mùa ổi," phim tài liệu "Việt Nam - hòn ngọc quý châu Á" do đạo diễn Samir Lezzoum (Algeria) thực hiện.

Ngoài ra, một đoàn họa sỹ Việt Nam do họa sỹ Thành Chương dẫn đầu cũng tổ chức triển lãm tranh trong không gian triển lãm và giao lưu với Trường Nghệ thuật Lorraine. Lĩnh vực kinh tế-thương mại cũng có nhiều hoạt động.

Vietravel và Vietnam Airlines kết hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp giới thiệu danh lam thắng cảnh và một số tuyến du lịch tiêu biểu, cung cấp thông tin về văn hóa, đất nước con người Việt Nam.

Nhân dịp này, Cơ quan Thương vụ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Đông Pháp sẽ tổ chức một cuộc trao đổi bàn tròn với đại diện của khoảng 20 doanh nghiệp địa phương, giới thiệu cơ hội đầu tư và tiềm năng của Việt Nam vào ngày 3/10 tới.

Ông Jean-Luc Bohl, Phó Chủ tịch thứ nhất vùng Đông Pháp, khẳng định: "Chúng tôi rất vui vì các bạn có mặt ở đây. Chúng tôi đã có nhiều thành công nhưng chúng tôi muốn mời Việt Nam đến đây để giới thiệu truyền thống, lịch sử của con người và đất nước xinh đẹp này, đồng thời chúng ta hướng tới tương lai để thấy chúng ta sẽ hợp tác tốt hơn như thế nào, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế."

Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa Việt Nam chọn một địa phương tại Pháp để quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch Việt Nam.

“Mục tiêu của Trung tâm Văn hóa Việt Nam là thông qua các hoạt động triển lãm giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam, qua đó quảng bá du lịch Việt Nam. Hàm lượng các hoạt động văn hóa do đó cũng đậm hơn” - ông Nghiêm Xuân Đông, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp chia sẻ.

Thành phố Metz có dân số khoảng 400.000 người, là nơi giao thoa giữa các nền kinh tế rất phát triển. Metz chỉ cách biên giới với Đức, Luxembourg, Hà Lan và Bỉ khoảng 100 km, do đó thu hút rất nhiều khách tham quan từ các nước này. Năm 2018, ước tính có trên dưới 170.000 lượt người tới hội chợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục