Đàm phán hiệp ước hòa bình Nhật Bản-Nga rơi vào bế tắc

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng tuyên bố “không thể thúc đẩy quan hệ Nhật-Nga giống như từ trước đến nay” sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặt biệt tại Ukraine.
Đàm phán hiệp ước hòa bình Nhật Bản-Nga rơi vào bế tắc ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Asahi, việc Nga tấn công Ukraine đã khiến cuộc đàm phán ký kết hiệp ước hòa bình Nhật-Nga, trong đó có giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đi vào bế tắc.

Ngày 27/2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng chỉ ra rằng “không thể thúc đẩy quan hệ Nhật-Nga giống như từ trước đến nay” và điều này ám chỉ những nỗ lực đàm phán giữa hai nước từ trước đến nay không thể tiếp tục.

Ngày 28/2, phát biểu tại Ủy ban ngân sách của Thượng viện, Thủ tướng Kishida đã một lần nữa thể hiện xu hướng đối phó cứng rắn đối với Nga khi nói: “Hành động của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế, Nhật Bản kiên quyết không chấp nhận, lên án mạnh mẽ và sẽ hành động thông qua hình thức liên kết với cộng đồng quốc tế, tiêu biểu là khối G7."

Thủ tướng Kishida đã công bố biện pháp đóng băng tài sản đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và 5 quan chức Nga khác, trong đó có Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đồng thời hạn chế giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga.

Bộ Tài chính, Ngoại giao và Thương mại của Nhật Bản cũng cho biết từ ngày 8/3 sẽ cấm các công ty Nhật Bản xuất khẩu hàng hóa cho 49 tổ chức và tập đoàn của Nga, bao gồm Bộ Quốc phòng Nga, các tổ chức nghiên cứu và các công ty như nhà sản xuất máy bay chiến đấu MiG. Đồng thời, chính phủ sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm có thể cải thiện khả năng quân sự của Nga, như chất bán dẫn.

Khi được các phóng viên hỏi về ảnh hưởng đối với việc đàm phán vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril), Thủ tướng Kishida đã thể hiện quan điểm tiêu cực về triển vọng đàm phán lãnh thổ với Nga khi nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay không phù hợp để nói về triển vọng của các vấn đề, trong đó có đàm phán hiệp ước hòa bình."

[Nhật Bản: Nga diễn tập quân sự quy mô lớn “bất thường” ở gần Nhật Bản]

Xung quanh đàm phán vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc với Nga, cựu Thủ tướng Shinzo Abe là người thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề này và đã xây dựng được quan hệ mang tính cá nhân với Tổng thống Nga Putin qua 27 cuộc hội đàm. Tại cuộc hội đàm Nhật-Nga vào tháng 11/2018 tại Singapore, ông Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí thúc đẩy đàm phán trên cơ sở Tuyên bố chung Nhật-Xô năm 1956. Điều này đồng nghĩa Nhật Bản đã thay đổi chủ trương từ thu hồi hoàn toàn 4 hòn đảo tranh chấp, thành thu hồi 2 hòn đảo là Habomai và Shikotan.

Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Kishida cơ bản nối tiếp chủ trương của ông Abe. Tại cuộc điện đàm vào với Tổng thống Putin vào tháng 10/2021, ông Kishida đã khẳng định việc “nỗ lực đàm phán hiệp ước hòa bình, trên cơ sở tuyên bố giữa lãnh đạo hai nước đến thời điểm hiện tại, bao gồm nội dung nhất trí tại Singapore."

Đàm phán hiệp ước hòa bình Nhật Bản-Nga rơi vào bế tắc ảnh 2Quần đảo tranh chấp do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. (Ảnh: Shutterstock/TTXVN)

Với chủ trương tiếp tục duy trì hợp tác kinh tế với Nga, Thủ tướng Kishida đã khẳng định: “Tôi muốn phát triển toàn bộ mối quan hệ Nhật-Nga theo hướng cùng có lợi, bao gồm cả vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình."

Ngày 15/2, khi tình hình Ukraine trở nên căng thẳng, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi vẫn duy trì một kênh đối thoại với Nga, bao gồm tổ chức một cuộc họp kinh tế và thương mại với Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov.

Tuy nhiên, việc Nga tấn công Ukraine đã khiến nỗ lực đàm phán về Vùng lãnh thổ phương Bắc với Nga rơi vào đình trệ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: “Việc ban bố các lệnh trừng phạt là một quyết định khó khăn, tuy nhiên, hiện tại rất khó để thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung với Nga."

Nga lấy lý do tấn công Ukraine là nhằm ngăn chặn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng ảnh hưởng về phía Đông.

Đối với Nga, 4 hòn đảo thuộc Vùng lãnh thổ phương Bắc và các vùng biển lân cận có vị trí trọng yếu và chiến lược để kết nối về phía Thái Bình Dương, chính vì thế, từ năm 2016, quân đội Nga đã tăng cường quân bị ở khu vực này, trong đó có việc trang vị tên lửa chống hạm tại đảo Kunashiri, Etorofu và thường xuyên tiến hành diễn tập quân sự.

Trong bài phát biểu tại Vladivostok ở vùng Viễn Đông vào tháng 9/2021, ông Putin đã chia sẻ về Vùng lãnh thổ phương Bắc rằng “(Trường hợp trao trả lại cho Nhật Bản) liệu quân đội Mỹ hay tên lửa tấn công có được bố trí tại khu vực này hay không?

Điều này có nghĩa Nga lo ngại về khả năng Nhật Bản áp dụng Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ quy định nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản của quân đội Mỹ tại khu vực này.

Một quan chức an ninh Nhật Bản cho biết: “Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ là nền tảng an ninh của Nhật Bản và không thể nhân nhượng. Nhìn từ phản ứng quyết liệt của Nga về khả năng NATO mở rộng về phía Đông, có thể thấy khả năng Nga đáp ứng các cuộc đàm phán về Vùng lãnh thổ phương Bắc là rất khó khăn."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục