Đàn lợn của Bình Phước tăng 50% so với thời điểm trước dịch

Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, việc tái đàn được triển khai nhanh, hiệu quả theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học.
Đàn lợn của Bình Phước tăng 50% so với thời điểm trước dịch ảnh 1Đàn lợn của Bình Phước tăng 50% so với thời điểm trước dịch. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước về công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn có 290 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 1,3 triệu con, 90 trang trại gia cầm với hơn 4,4 triệu con, cùng 3 nhà máy ấp trứng gia cầm và 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc.

Đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, các trang trại trên địa bàn nhờ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, do đó chỉ có 2,3% tổng đàn lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Số lợn tiêu hủy chủ yếu là từ các trang trại nhỏ lẻ, chăn nuôi hộ gia đình.

[Khuyến khích tái đàn lợn tại các doanh nghiệp chăn nuôi]

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, việc tái đàn được triển khai nhanh, hiệu quả theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học.

Đến thời điểm hiện nay, tổng đàn lợn đã tăng lên 50% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch.

Nhờ công tác tái đàn hiệu quả mà Bình Phước đã góp phần cung ứng đáng kể cho thị trường số lượng lợn thiếu hụt sau khi xảy ra đợt dịch vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi của Bình Phước trong thời gian qua. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học do đó đã ngăn ngừa và hạn chế được tình hình dịch bệnh lây lan, giảm thiệt hại trong đợt dịch vừa qua; đặc biệt, việc tái đàn của Bình Phước triển khai nhanh và hiệu quả hơn nhiều địa phương khác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng mặc dù Bình Phước phát triển chăn nuôi đi sau so với một số địa phương nhưng hiện nay có 85% tổng đàn lợn và 95% đàn gà được nuôi theo hình thức trang trại khép kín, công nghệ hiện đại. Việc áp dụng khoa học công nghệ đã giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn.

Ông Phùng Đức Tiến đề nghị Bình Phước tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác tái đàn lợn, đảm bảo tái đàn bền vững và phòng, chống bệnh dịch hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục