Đạo diễn Lê Quý Dương: Sân khấu online là hướng đi của hội nhập

Đạo diễn Lê Quý Dương ủng hộ hướng đi online của nghệ thuật biểu diễn dù hình thức biểu diễn này có thể làm mất đi tính sống động trực tiếp của nghệ thuật sân khấu.
Cảnh trong vở kịch nói "Làm vua" vừa giành huy chương Vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc. (Ảnh: Minh Giang/Vietnam+)
Cảnh trong vở kịch nói "Làm vua" vừa giành huy chương Vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc. (Ảnh: Minh Giang/Vietnam+)

Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 đã khép lại với sáu huy chương vàng, ba huy chương bạc và bảy huy chương đồng. Liên hoan, hội diễn nào cũng được đánh giá là thành công. Song, có bao nhiêu vở diễn trong số đó đủ sức hấp dẫn để thu hút khán giả đến với sân khấu kịch nói cả nước? Làm thế nào để Việt Nam có một đời sống sân khấu năng động, sáng tạo, hấp dẫn khán giả và hội nhập với văn minh sân khấu thế giới.

Đó là trăn trở của đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới trực thuộc UNESCO, người dàn dựng vở “Làm vua” vừa được trao huy chương Vàng.

Kịch lịch sử: Tránh bẫy ‘xuyên tạc’

- Trong số 6 huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, có đến 2 huy chương dành cho các vở kịch đề tài lịch sử: “Làm vua” và “Thiên mệnh.” Điều này cho thấy, Ban tổ chức và khán giả đang rất coi trọng kịch lịch sử?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Tôi tin rằng hai vở kịch lịch sử “Làm vua” (Sân khấu Lệ Ngọc) và “Thiên mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam) nếu không thực sự là hai tác phẩm sân khấu có chất lượng cao thì đã không được Hội đồng Giám khảo trao giải.

Với tôi, các đề tài truyền thống lịch sử hay hiện thực đương đại đều hấp dẫn và có giá trị ngang nhau. Mục tiêu của tôi là nếu dàn dựng các chương trình hiện thực đương đại thì vẫn dựa trên các chất liệu nền tảng và bản sắc truyền thống, nếu dựng các chương trình truyền thống lịch sử thì phải toát lên âm hưởng và nhịp thở của hiện thực đương đại. Làm được đúng nghĩa điều này không đơn giản.

Đạo diễn Lê Quý Dương: Sân khấu online là hướng đi của hội nhập ảnh 1Đạo diễn Lê Quý Dương luôn trăn trở làm thế nào để Việt Nam có một đời sống sân khấu năng động, sáng tạo, hấp dẫn khán giả và hội nhập với văn minh sân khấu thế giới. (Ảnh: NVCC)

- Xin ông chia sẻ về những thách thức này và làm thế nào để đề tài lịch sử hấp dẫn khán giả?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Khó khăn thứ nhất là người nghệ sỹ cần có vốn tri thức và hiểu biết về truyền thống lịch sử để không xuyên tạc và bóp méo các giá trị đã được xác định. Nếu tiếp cận đề tài lịch sử mà không có những sáng tạo và cảm xúc hướng tới đương đại thì sẽ khô khan và nhàm chán. Nếu thay đổi và làm mới thì sẽ dễ bị rơi vào cạm bẫy mang tên "xuyên tạc lịch sử."

Nghệ sỹ trong loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, khi tiếp cận và sáng tạo một tác phẩm với đề tài lịch sử, chúng ta phải rất khéo léo đi trên sợi dây ranh giới mong manh giữa một bên là tài liệu, thông tin và thậm chí là những ký ức lịch sử đã được khẳng định và ghi chép lại, với một bên là những sáng tạo và cảm xúc mang âm hưởng của thời đại chúng ta đang sống. Ngã về phía bên nào cũng không đúng. Phải giữ được thăng bằng và đi trọn vẹn trên sợi dây ranh giới mong manh đó.

[Liên hoan kịch nói toàn quốc: Nhà hát kịch Việt Nam có hai vở "Vàng"]

Khó khăn thứ hai là làm sao để những nhân vật và câu chuyện lịch sử khi được tái hiện trên sàn diễn mang tính thuyết phục và hấp dẫn với khán giả đương thời trên tất cả mọi phương diện trong quá trình thưởng thức và cảm thụ tác phẩm.

Khó khăn thứ ba, quan trọng và mang tính thách thức nhất, là từ truyền thống lịch sử đó người nghệ sỹ muốn phản ánh, gửi gắm và đề xuất những thông điệp gì với thời đại để tác phẩm thực sự có giá trị với xã hội và con người đương thời.

Khi đã vượt qua được tất cả những khó khăn đó thì tác phẩm sẽ được các nhà chuyên môn và khán giả coi trọng.

6 lý do để phát triển sân khấu online

- Các vở diễn tại Liên hoan kịch nói toàn quốc đều đã được đưa lên kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đó cũng là chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai hình thức sân khấu online. Ông có e ngại rằng sân khấu online khiến khán giả mất thói quen tới nhà hát?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Tôi hoàn toàn ủng hộ chương trình sân khấu online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dù rằng hình thức biểu diễn này có thể làm mất đi tính sống động trực tiếp của nghệ thuật sân khấu nhưng nó giải quyết được rất nhiều vấn đề thích ứng với bối cảnh của một thời đại mới.

Thứ nhất, sân khấu online tạo nên cơ hội bình đẳng trong việc thưởng thức cho tất cả các đối tượng khán giả, đặc biệt là các đối tượng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo. Mọi người đều bình đẳng và có quyền được thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật, dù có thể với những cấp độ khác nhau tuỳ theo từng điều kiện.

Thứ hai, sân khấu online sẽ mở rộng và nâng cao tính năng giáo dục của nghệ thuật sân khấu. Mỗi vở diễn, ngoài giá trị giải trí, sẽ là một bài học thẩm mỹ và nhân văn, góp phần nâng cao dân trí và ý thức xã hội. Thứ ba, sân khấu online sẽ tiết kiệm chi phí quản lý vận hành biểu diễn cho nhà hát và tăng doanh thu cho nghệ sỹ sáng tạo và biểu diễn thông qua thu nhập bản quyền quảng cáo và bán vé online.

Thứ tư, sân khấu online lần này giúp tạo cơ hội thu hút các nhà hát và đoàn nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm hơn, mang tính cạnh tranh và kích thích sáng tạo hơn để có nhiều tác phẩm được sàng lọc và lựa chọn giới thiệu trên chương trình sân khấu online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đạo diễn Lê Quý Dương: Sân khấu online là hướng đi của hội nhập ảnh 2Kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn chiếu kịch online. (Ảnh chụp màn hình)

Thứ năm, sân khấu online sẽ mở ra một kênh mới đánh giá tài năng của các nghệ sỹ sáng tạo và biểu diễn hoàn toàn khách quan minh bạch trên số lượng theo dõi và đánh giá phản hồi trực tiếp của giới chuyên môn và khán giả.

Cuối cùng, sân khấu online sẽ là một kênh chính thức giới thiệu, giao lưu và hội nhập sân khấu Việt Nam với sân khấu thế giới một cách nhanh gọn, tiết kiệm nhất. Với tiêu chí này, tôi đề nghị tất cả các vở diễn sân khấu được chọn đưa vào chương trình sân khấu online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có phụ đề tiếng Anh hoặc các ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu quảng bá giao lưu quốc tế của chương trình.

- Vậy theo ông, chúng ta phải dung hòa hai hình thức biểu diễn trực tiếp và trực tuyến như thế nào?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Chúng ta đang sống giữa thời đại các cá nhân chủ động lựa chọn những gì phù hợp với mục đích, nhu cầu và điều kiện của mình. Sẽ có rất nhiều khán giả vùng sâu vùng xa lặn lội đến nhà hát để xem vở diễn trực tiếp. Cũng sẽ có nhiều khán giả có khi ở ngay gần nhà hát mà lại bật mạng lên xem ở nhà cho tiện, cho nhanh!

Điều cần lưu tâm nhất là việc nghiên cứu kỹ càng giá vé khi xem trực tiếp tại nhà hát và giá vé khi xem online để phù hợp với điều kiện của khán giả và đảm bảo các thu nhập quảng cáo và bán vé xem qua mạng đúng theo luật pháp và các quy định về bản quyền đối với các nghệ sỹ sáng tạo và biểu diễn.

- Xin cảm ơn đạo diễn Lê Quý Dương!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục