Dấu ấn đội quân Thông tấn trong Đại thắng 1975: Hùng dũng lên đường

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, TTXGP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong “trận chiến cuối cùng,” Giải phóng Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Dấu ấn đội quân Thông tấn trong Đại thắng 1975: Hùng dũng lên đường ảnh 1Các phóng viên TTXGP tại căn cứ Trà Nô của Khu V, tháng 10/1974. (Ảnh: Tư liệu TTXGP)

Thông tấn xã Giải phóng ra đời ngày 12/10/1960, thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng trên mặt trận, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Thông tấn xã Giải phóng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong “trận chiến cuối cùng,” Giải phóng Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, VietnamPlus xin giới thiệu những dấu ấn của Thông tấn xã Giải phóng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử qua chùm 3 bài viết, phát ngày 9/10.

Bài 1: Hùng dũng lên đường vào trận

Với tinh thần “tuy 2 mà 1,” trong suốt quá trình hoạt động của mình từ năm 1960-1975, Thông tấn xã Giải phóng luôn nhận được sự chi viện thường xuyên về con người cũng như trang thiết bị của Việt Nam Thông tấn xã.

Trong đó, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên được đào tạo cơ bản về mọi mặt đã liên tục được “tung vào” chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin trên chiến trường, cập nhật tin tức cho đồng bào cả nước, nhất là khí thế tiến công chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Vượt Trường Sơn, làm phóng viên chiến trường

Tháng 7/1972, giữa lúc chiến trường Nam Bộ đang vào giai đoạn cao điểm hướng đến giải phóng miền Nam, gần 150 sinh viên, cử nhân vừa tốt nghiệp các trường Đại học ở Hà Nội được tuyển chọn, tổ chức học Lớp nghiệp vụ phóng viên chiến trường. Đó chính là những học viên của lớp GP10, đội quân có nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, cho Thông tấn xã Giải phóng.

Từ những sinh viên đủ các chuyên ngành ngoại ngữ, vật lý, sinh học… chẳng liên quan gì đến công tác báo chí, các học viên GP10 được những nhà báo kỳ cựu thời bấy giờ như Thép Mới, Xích Điểu, Thanh Đạm đào tạo rất bài bản, vừa trang bị kiến thức báo chí, kỹ năng viết tin, bài vừa thông tin tình hình chiến sự miền Nam.

[Thông tấn xã Giải phóng Khúc tráng ca của một thời đạn bom]

Ngoài học nghiệp vụ, các phóng viên chiến trường tương lai còn phải rèn luyện sức khỏe, khả năng sinh tồn để có thể vượt suối, băng rừng, vượt Trường Sơn đến được nơi tác nghiệp.

Trong bài viết “Những năm tháng không thể nào quên” in trong cuốn “GP10 Bốn mươi năm Một danh hiệu,” nhà báo Nguyễn Thu Hương, cựu phóng viên lớp GP10 kể lại: “Sau những ngày học nghiệp vụ, chúng tôi phải tập đeo gạch, người khỏe nhất trong nhóm tôi đeo được 12 viên, tôi chỉ đeo được 10 viên mà nhiều lúc như muốn tắt thở. Đeo balô gạch nặng, mỗi khi ba lô trĩu xuống, xốc ba lô lên, mặc dù đã lót bằng một đoạn chiếu rách nhưng gạch cứ đập vào xương sống lưng, đau chảy cả nước mắt.”

Trong số gần 150 phóng viên được đào tạo,108 phóng viên vinh dự được chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, tham gia tác nghiệp tại khắp các tỉnh thành từ Bình Trị Thiên đến Cà Mau.

Qua thời gian đào tạo, đến tháng 3/1973, sau khi hoàn thành việc học tập và rèn luyện sức khỏe, các phóng viên được biên chế vào các đoàn chi viện lên đường vào chiến trường. Các đoàn hành quân vào ban đêm, ngày nghỉ, di chuyển dọc Trường Sơn trên đất bạn Lào.

Trong hành trình từ Bắc vào Nam, những tân phóng viên chiến trường chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng đã phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ tai nạn lật xe giữa rừng Trường Sơn, rồi đi bộ băng rừng, lên canô vượt sông…

Nhớ về không khí lên đường lúc đó, Nhà báo Đoàn Việt, thành viên lớp GP10, nguyên Trưởng Phân xã Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bà Rịa-Vũng Tàu) kể lại: Hơn 100 anh em chúng tôi lên đường đi B với chiếc balô "con cóc" trên vai gồm quần áo, giấy bút, đường sữa, bột ngọt, mắm ruốc, thuốc bổ và nhất là thuốc phòng, chống sốt sét.

Những phóng viên ảnh còn thêm cả máy ảnh và phim. Tất cả các hành trang trên nặng hơn 20kg và bài hát ai cũng thuộc: Việt Nam trên đường chúng ta đi.

Hành trình trở thành phóng viên chiến trường của nhiều người cũng dang dở, chứng kiến những mất mát đau thương và với nhiều người, những ký ức đó vẫn còn hiển hiện như mới hôm qua.

Dấu ấn đội quân Thông tấn trong Đại thắng 1975: Hùng dũng lên đường ảnh 2Đoàn cán bộ phóng viên VNTTX và TTXGP đi chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Nhớ lại thời khắc kinh hoàng vào ngày 2/4/1973, khi chiếc xe chở đoàn phóng viên chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng gặp nạn ở cao nguyên Bolaven (Hạ Lào), nhà báo Hoàng Đình Chiến, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn còn rùng mình: Xe đang chạy rất êm trên đoạn được coi là đẹp nhất cung đường hơn 1.000km mà chúng tôi đã đi từ Hà Nội. Bất ngờ, xe quay 180 độ rồi lộn đầu trở lại, hất văng tất cả hơn 30 người xuống đường cùng với hai thùng phuy chở xăng.

Nhà báo Hoàng Đình Chiến ngậm ngùi: Trong một khoảng khắc lúc cơ thể còn bay trên không trung, tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng ai đó hét lên: “Nó giết chết hết anh em mình rồi,” sau đó không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, tôi và những người bị thương nặng đang được các anh em bị thương nhẹ hơn chuyển vào trạm giao liên để sơ cứu.

Sau vụ tai nạn đó, hơn chục người, trong đó có tôi được chuyển vào bệnh xá điều trị vết thương mới tiếp tục lên đường vào Nam. Một số người bị thương nặng không đủ sức để đi tiếp đành phải quay lại miền Bắc. Đau buồn nhất là hai thành viên trong lớp GP10 chúng tôi cùng một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trên đường trở lại chưa kịp đến chiến trường miền Nam đã nằm lại giữa rừng trên nước bạn.

Tất cả cho trận chiến cuối cùng

Sau 3 tháng lăn lộn trên đường Trường Sơn với chiều dài 2.000km, trong đó nhiều chặng đi xuyên qua địa phận Lào, Campuchia, ngày 15/6/1973, nhóm phóng viên lớp GP10 có mặt ở cơ quan Thông tấn xã Giải phóng (Tây Ninh) sau đó chia nhau làm nhiệm vụ ở các bộ phận, gồm B22 (phóng viên ảnh), B8 (kỹ thuật) và B7 (tin). Kể từ đây, họ bắt đầu công việc của những phóng viên chiến trường, cùng với những phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ghi nhận thông tin chiến sự và cả đời sống dân sinh phục vụ công tác tuyên truyền, tác chiến trong chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam.

“Được đào tạo cơ bản, được học tập, bồi dưỡng tốt về mặt chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ cùng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, các phóng viên tin, ảnh của GP10 ở khắp các tỉnh, thành ở miền Trung, miền Nam nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới, kịp thời thích nghi và lăn lộn ở căn cứ cũng như ngoài mặt trận, ở địa bàn ấp, xã.

Những dòng tin, bài viết, tấm ảnh phản ánh những chiến công vang dội của quân và dân khắp các vùng miền ở miền Nam của một lớp phóng viên Thông tấn xã Giải phóng mới nhập cuộc đã nhanh chóng được gửi về Tổng xã ở Hà Nội,” nhà báo Lý Văn Tích đã viết trong cuốn "Tiếp bước truyền thống vẻ vang."

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam Thông tấn xã đã cử nhiều đồng chí là lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên chi viện cho tiền tuyến lớn với đích đến là Thông tấn xã Giải phóng.

Dấu ấn đội quân Thông tấn trong Đại thắng 1975: Hùng dũng lên đường ảnh 3Năm 1972, VNTTX đã mở lớp đào tạo cấp tốc hơn 150 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật (lớp đó gọi là GP 10), sau đó, cuối tháng 3/1973 được đưa vào các chiến trường từ Quảng Trị tới Nam Bộ, do đồng chí Phó Tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân dẫn đầu, để tăng cường kịp thời cho các chiến trường. (Ảnh: Tư liệu VNTTX)

Để chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyển biến mới ở miền Nam, tháng 3/1973, Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân cùng vợ là Mai Thị Trình được cử dẫn đầu một đoàn phóng viên trẻ gồm những người vừa học xong lớp GP10 và ba lớp kỹ thuật theo đường giao liên tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng. Ông Trần Thanh Xuân được cử làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng.

Nhớ lại những ngày tháng lên đường vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ, nhà báo Hà Huy Hiệp, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tháng 12/1972, chúng tôi nhận quyết định đi tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, trong đợt chi viện lớn nhất của Việt Nam Thông tấn xã cho chiến trường miền Nam.

Đến ngày 17/4/1973, chúng tôi rời Hà Nội lên đường đi B, đoàn do ông Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân dẫn đầu. Khi đoàn xe đến khu vực Làng Ho, Quảng Bình, đang vượt đèo để sang Trường Sơn Tây, chiếc xe commăngca do lái xe tên Diễn chở tôi gặp nạn, lật ngửa bên vệ đường, cạnh vực sâu hàng chục mét.

Tôi bị dập gãy mấy đốt xương bàn chân. Ở giữa rừng, đoàn quyết định tiếp tục lên đường không dừng lại ở binh trạm. Với một chân sưng vù, tôi đã cùng đoàn vượt Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ. Sau hơn một tháng rưỡi, ngày 5/6/1973, đoàn chúng tôi đã đặt chân lên căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, thuộc địa phận của rừng đặc dụng Lò Gò, Tân Biên, Tây Ninh ngày nay.

Tiếp theo đoàn chi viện lớn tháng 3/1973, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục cử thêm các đoàn kỹ thuật viên, điện báo viên vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Theo thống kê, từ năm 1959 đến năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử vào chiến trường gần 450 người, trong đó chi viện cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng và chiến trường Nam bộ là 236 người.

Với sự chi viện liên tục và hiệu quả từ Việt Nam Thông tấn xã và hậu phương lớn miền Bắc, Thông tấn xã Giải phóng đã phát triển mạnh mẽ, trưởng thành nhanh chóng, trở thành một đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các đơn vị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục lúc bấy giờ.

Vào đầu năm 1975, quân số của Thông tấn xã Giải phóng đã lên đến hơn 440 người, với đầy đủ các phòng ban tin, ảnh, văn phòng, kỹ thuật, báo vụ. Trong số này có hàng trăm cử nhân, kỹ sư, cao đẳng kỹ thuật cùng với những thiết bị truyền thông hiện đại nhất thời bấy giờ. Thời gian này, nhiều thiết bị kỹ thuật như máy phát sóng 500W, máy telephoto, máy truyền chữ (teletype), máy thu phát... cũng được vận chuyển vào căn cứ Thông tấn xã Giải phóng.

Trong giai đoạn lịch sử này, Việt Nam Thông tấn xã coi việc chi viện cho miền Nam ruột thịt, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng./.

(Còn bài 2: Thần tốc hướng về giải phóng Sài Gòn)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục