"Đầu ra ngành thép: Cứ để thị trường tự quyết định"

Tình trạng cung lớn hơn cầu, vấn đề thừa, thiếu đã tồn tại cả một thời gian dài đối với ngành Thép trong nước. Đó là vấn đề mà ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trao đổi với Vietnam+ về những kiến nghị để tái cơ cấu lại ngành này.

Theo đó, không thể giải quyết ngay mà cần chấp nhận theo sự vận động của thị trường, ai có khả năng cạnh tranh tốt thì sẽ tồn tại, còn ai không có khả năng tốt thì dần dần sẽ phải thay đổi.
Tình trạng cung lớn hơn cầu, vấn đề thừa, thiếu đã tồn tại cả một thời gian dài đối với ngành Thép trong nước. Đó là vấn đề mà ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trao đổi với Vietnam+ về những kiến nghị để tái cơ cấu lại ngành này.

Theo đó, không thể giải quyết ngay mà cần chấp nhận theo sự vận động của thị trường, ai có khả năng cạnh tranh tốt thì sẽ tồn tại, còn ai không có khả năng tốt thì dần dần sẽ phải thay đổi.

“Chúng tôi đã đi tham khảo một số nước ở Đông Nam Á hoặc Trung Quốc thì các nước cũng như vậy, để cho cơ chế thị trường quyết định,” ông Nghi dẫn chứng.

Thưa ông, bức tranh của ngành Thép trong những tháng đầu năm 2012 diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Bước sang năm 2012 tình hình sản xuất và tiêu thụ thép có nhiều yếu tố không thuận lợi: Tháng 1, tiêu thụ chỉ được 233 nghìn tấn, đây là mức rất thấp từ trước đến nay. Tháng 2 được 389 nghìn tấn, vẫn thấp hơn mức trung bình và tháng 3 được 521 nghìn tấn. Như vậy, quý 1/2012 so với cùng kỳ của năm 2011 vẫn thấp hơn 10%.

Tuy nhiên, tồn kho cũng không nhiều, tính đến 31/03 lượng tồn kho là 288 nghìn tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức 392 nghìn tấn tồn kho của năm 2011.

Trong quý 1, có nhiều yếu tố đầu vào nâng lên, gây cho các nhà sản xuất khó khăn. Giá phôi thế giới cũng cao lên từ 620-650 USD/tấn, thép phế cũng tăng lên, trong nước giá than, giá xăng dầu, và một số giá khác như vận tải cũng tăng lên.

Trong khi đó ngành Thép cạnh tranh nhau rất quyết liệt bởi công suất lắp đặt với sản lượng bán ra hàng năm rất thấp so với công suất lắp đặt cho nên các doanh nghiệp cạnh tranh nhau rất quyết liệt.

Doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ chiếm 25% thị phần, doanh nghiệp liên doanh khoảng trên 20%, còn lại 54-55% là các thành phần kinh tế khác. Bản thân các doanh nghiệp cũng cạnh tranh với nhau quyết liệt để chiếm thị phần của mình, chính vì thế giá cả do thị trường quyết định chứ doanh nghiệp không thể tự động quyết định giá.

Sang tháng 4 tình hình đất nước chưa có gì thay đổi, GDP chưa cao, một số chính sách như tiền tệ chưa có gì thay đổi, hoặc có độ trễ nhưng chưa đáng kể. Thứ 2, các công trình đầu tư công vẫn tiếp tục giảm và đình trệ.

Vì thế, tháng 4 chúng tôi nhận định có thể tiêu thụ ở mức 450-460 nghìn tấn, thấp hơn tháng 3 nhưng cao hơn mức trung bình (mức trung bình là 420-430 nghìn tấn) và nếu đạt được mức như trên thì đó là một tín hiệu đáng mừng rồi.

Một loạt các chính sách như hạ lãi suất vay, tăng tín dụng cho một số lĩnh vực bất động sản được kích hoạt trong thời gian gần đây, vậy ngành Thép đón nhận những cơ hội này thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Có thể thấy, nhà nước và các bộ ngành đã nhìn thấy những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất thép, nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để tạo ra thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Hiện lãi suất vay đã giảm, nhưng phải có độ trễ, đồng thời mặc dù đã giảm nhưng lãi suất vẫn đang ở mức cao.

Thứ 2, các dự án đầu tư công thì những công trình nào thật cần thiết cũng cần được đẩy nhanh, còn những công trình xây dựng cơ bản cũng cần được kích hoạt. Có như vậy sẽ tạo cho thị trường tiêu thụ thép trong nước sôi động hơn, giúp cho các doanh nghiệp trong ngành phát huy hiệu quả sản xuất.

Trong năm ngoái và năm nay, xuất khẩu thép có khá hơn, đó cũng là cách giúp cho các doanh nghiệp bớt căng thẳng, bớt sức ép trong nước. Hơn nữa, những doanh nghiệp có công nghệ thiết bị chưa tiên tiến lắm cũng từng bước tìm cách đổi mới, thay đổi thiết bị đi, để còn có thể ngang bằng với các doanh nghiệp khá khác chứ không thể không trong cơ chế thị trường này, các doanh nghiệp đó sẽ hết sức khó khăn.

Từ thực tế trên, việc tái cơ cấu lại ngành Thép được hiệp hội đề xuất như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Có thể thấy, ngành Thép thực hiện cơ chế thị trường khá sớm, hiện cũng đang triển khai rất quyết liệt việc tái cơ cấu. Nếu doanh nghiệp nào đầu tư không tốt, nhìn xa mấy chục năm với công nghiệp lạc hậu thì chắc chắn sẽ bị loại bỏ.

Trước đây, chúng tôi cũng đã từng có công văn kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất Thép nên có những quy định chọn công nghệ nào, thiết bị ra sao để khuyến khích đầu tư và Bộ Công Thương đã ra những văn bản điều chỉnh việc quy hoạch ngành này.

Còn việc tái cấu trúc lại ngành Thép theo tôi, đối với các doanh nghiệp cũng cần lưu ý mốt số điểm, nếu đầu tư trước đây lạc hậu rồi thì cần chuyển hướng và lựa chọn sang công nghệ mới.

Đơn cử, tiêu hao dầu cho một tấn sản phẩm Thép thì giá đầu vào tương đối lớn, nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp đã chọn phát sinh khí than để làm giảm giá thành sản xuất.

Nhìn dài hơi, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đầu tư hạ nguồn là chính (chủ yếu làm về thép cán), do vậy cần cố gắng đầu tư để có những liên hợp sản xuất từ quặng thì sẽ ổn định và lâu dài hơn.

Quan trọng nữa là cần thay đổi quan niệm, không phải địa phương nào cũng đầu tư làm Thép, đối với các nước tiên tiến việc lựa chọn địa điểm rất quan trọng, không phải cứ chỗ nào có quặng là xây dựng nhà máy Thép ở đó, khiến khả năng cạnh tranh thấp đi, do giao thông ở nước ta còn chưa thuận lợi.

Việc đào tạo công nhân và đội ngũ kỹ sư là khâu thiết yếu, thời gian vừa qua ngành luyện kim trong nước phát triển rất nhanh, do vậy phải tận dụng được cả đội ngũ công nhân đã nghĩ hưu, họ là những cán bộ lành nghề, từng trải và có nhiều kinh nghiệm sản xuất.

Hiện đã bước sang quý II/2012, với kinh nghiệm thực tế thì theo ông, từ nay đến cuối năm, những mục tiêu cụ thể nào được đặt ra để ngành thép hoàn thành các chỉ tiêu của mình?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Năm 2012 chắc chắn còn nhiều khó khăn. Tình hình thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, ngay cả trong nước, sau diễn biến khó khăn của năm 2011 thì bước sang năm 2012 nhà nước vẫn duy trì Nghị quyết 11 nên việc tiêu thụ thép chắc vẫn có nhiều khó khăn.

Chính vì thế chúng tôi xác định, cố gắng làm thế nào giảm chi phí ở mức thấp nhất để tạo ra khả năng cạnh tranh, ngoài tiêu thụ trong nước sẽ cố gắng làm sao có giá cả hợp lý, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm bớt sức ép trong nước.

Cuối năm ngoái chúng tôi vẫn xác định khả năng năm 2012 thì có thể tăng trưởng hơn năm 2011 từ 3-4%, nhưng thực tế quý 1 đã bị giảm 10%. Vì vậy, gánh nặng tăng trưởng sẽ rơi vào từ quý 2 cho đến cuối năm. Hy vọng tình hình trong thời gian tới, với những nỗ lực kích cầu thì việc tiêu thụ thép sẽ tốt hơn.../.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục