Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm hài cốt liệt sỹ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, công nghệ thông tin đã đóng vai trò hiệu quả trong việc cập nhật thông tin cho hàng nghìn mộ liệt sỹ chưa tìm thấy.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm hài cốt liệt sỹ ảnh 1Các chiến sỹ đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ tỉnh Tây Ninh - Đội K71 tại một khu mộ hài cốt liệt sỹ được tìm thấy. (Ảnh: TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng trên dải đất Việt Nam vẫn còn hàng triệu liệt sỹ đã hy sinh mà chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, trong 3 cuộc kháng chiến của dân tộc, đã có 1.146.000 liệt sỹ.

Hiện nay, đã tìm kiếm được khoảng 900.000 mộ liệt sỹ, trong đó đã xác định được danh tính của 600.000 mộ. Năm 2016, các đơn vị chức năng đã tìm kiếm được 2.223 hài cốt liệt sỹ và 3 khu mộ tập thể. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy mộ do không có thông tin về đơn vị, thời gian chiến đấu, địa điểm hy sinh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, công nghệ thông tin đã đóng vai trò hiệu quả trong việc cập nhật thông tin cho hàng nghìn mộ liệt sỹ chưa tìm thấy.

Đặc biệt, mới đây Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp để triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. 

[Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ]

Hiện nay, Bộ Quốc phòng là đơn vị quản lý các phần mềm liên quan đến tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, quản lý toàn bộ danh sách liệt sỹ, thông tin về 5.000 quân nhân mất tích, trang thông tin điện tử cho phép thân nhân cập nhật thông tin về hồ sơ liệt sỹ...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lưu giữ thông tin danh sách liệt sỹ và mộ liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ. Do dữ liệu về liệt sỹ được các đơn vị xây dựng độc lập, riêng rẽ, dẫn đến xuất hiện sự trùng lắp thông tin về một liệt sỹ, gây khó khăn trong công tác xác định và quy tập mộ liệt sỹ.

Để giải quyết thực trạng này, Viện công nghệ Phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nghiên cứu và viết ra phần mềm tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu của các đơn vị. Thông qua việc đối chiếu để loại bỏ dữ liệu trùng lắp, dữ liệu nhiễu để rút ngắn công tác xử lý dữ liệu.

Phần mềm này sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, cho phép máy tính thực hiện việc tìm kiếm thông minh, giúp đẩy nhanh việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ.

Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Trần Minh khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm tìm hài cốt liệt sỹ đang phát huy hiệu quả. Đối với cán bộ đang làm công tác quy tập, công nghệ giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm và phân tích dữ liệu. Đồng thời, trang thông tin trên mạng được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, có thể cung cấp thông tin toàn diện nhất về một liệt sỹ.

Ông Trần Minh cho biết, về mặt công nghệ, khi áp dụng các thuật toán, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung không gặp vướng mắc về phần kỹ thuật. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ vẫn còn rất nhiều dữ liệu liên quan đến liệt sỹ đang nằm ở những nơi khác nhau mà các đơn vị chưa thể thu thập và cung cấp. 

Công ty cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin là đơn vị thực hiện dự án phi lợi nhuận mang tên “LietSi.com -Các anh không vô danh” cho biết, đơn vị cung cấp các công cụ cần thiết về công nghệ, kết hợp với các thành viên mạng xã hội để số hóa toàn bộ thông tin về các liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ các gia đình thân nhân tìm kiếm, tra cứu thông tin và xây dựng ngân hàng gen thân nhân liệt sỹ cho việc đối chứng thông tin tìm kiếm.

Sau 5 năm hoạt động, dự án đã thu thập được hơn 700 thông tin về nơi yên nghỉ của các liệt sỹ và đăng tải trên trang thông tin “lietsi.com.”

Đại diện Công ty Công nghệ chọn lọc thông tin chia sẻ, để có thêm thông tin, có thể sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để người dân, cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ tham gia cung cấp, cập nhật thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ. Trên cơ sở các thông tin đã có sẽ xây dựng 2 dữ liệu về liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ để hỗ trợ công tác đối chiếu và xác định danh tính liệt sỹ.

Để huy động các nguồn lực xã hội trong công tác tìm kiếm hài cốt, mộ liệt sỹ, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các đơn vị trực thuộc (Cục Phát thanh, Truyền hình, Cục Báo chí), các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông... thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội để thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia cung cấp, tìm kiếm thông tin về liệt sỹ.

Hiện nay, thân nhân gia đình liệt sỹ có thể truy cập vào trang thông tin mạng có địa chỉ “lietsivietnam.org” để có được những thông tin cơ bản về liệt sỹ. Trên trang mạng này, người dùng còn có thể thắp hương, gửi vòng hoa, chia sẻ tình cảm, suy nghĩ về liệt sỹ. Phần kết nối được thiết kế với mong muốn giúp những người thân, bạn bè, đồng đội của liệt sỹ tìm thấy nhau.

Trang thông tin lietsivietnam.org được thường xuyên cập nhật hiện là một địa chỉ tin cậy cho các gia đình có thân nhân là liệt sỹ. Bên cạnh đó, trên mạng internet, hiện có rất nhiều trang thông tin của các đơn vị, địa phương, nghĩa trang cung cấp thông tin về liệt sỹ.

Để tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sỹ, chia sẻ khó khăn với những gia đình có thân nhân là liệt sỹ, việc hỗ trợ tìm kiếm thông tin về hài cốt, mộ liệt sỹ thật sự đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Với sự phát triển của ​Internet và những ứng dụng công nghệ, hy vọng những "ngôi mộ vô danh" sẽ được định danh và hài cốt của các liệt sỹ còn nằm trên các chiến trường, sẽ được quy tập vào các nghĩa trang liệt sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục